Tuần trước, Mỹ thông báo sẽ khôi phục miễn trừ thuế đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp dụng các mức thuế phạt của Washington lần đầu tiên vào năm 2018 dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump. Trong số 352 mặt hàng được khôi phục miễn trừ thuế có nhiều loại linh kiện sản xuất và hàng tiêu dùng, từ linh kiện màn hình TV đến ba lô, xe đạp, gối...

leftcenterrightdel
 Các xe container tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP

 

Nếu nhìn vào những diễn biến căng thẳng của đối đầu Mỹ-Trung kéo dài nhiều năm qua, đây có thể coi là giai đoạn rút lui chiến thuật của Washington trước những yếu tố khách quan bất ngờ xuất hiện. Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 với nền kinh tế và tiếp đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến Mỹ phải có những điều chỉnh. Thay vì duy trì hoặc tiếp tục gia tăng sức ép lên Bắc Kinh, giờ Washington buộc phải giảm bớt đối đầu.

Tháng 7-2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ khi ông Donald Trump áp thuế phạt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 370 tỷ USD với cáo buộc Bắc Kinh hoạt động thương mại “không công bằng” liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Căng thẳng phần nào được giải tỏa khi tháng 1-2020, hai bên ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo đó, Bắc Kinh thỏa hiệp bằng cam kết tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp và chế tạo, năng lượng cùng dịch vụ của Mỹ thêm ít nhất 200 tỷ USD so với mức năm 2017 trong vòng hai năm.

Tuy nhiên, theo các số liệu mà Mỹ công bố hồi tháng 2-2022, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ Mỹ sang Trung Quốc trong hai năm qua ở mức 288,8 tỷ USD, tức mới chỉ đạt 57% mục tiêu cam kết là 502,4 tỷ USD. Tưởng chừng con số khiêm tốn đó sẽ khiến Washington nổi giận, nhưng điều đó đã không xảy ra. Thay vì có biện pháp trả đũa, Washington vẫn quyết định gia hạn miễn trừ thuế đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thực tế thì Washington cũng khó có cách nào khác bởi nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu hụt hơi. Đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung hàng hóa với Mỹ, khiến lạm phát tăng cao. Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, năm 2021, lạm phát đã tăng lên 7,9%, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Chỉ số này được dự báo thậm chí sẽ còn xấu hơn bởi giá xăng dầu tăng cao kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Đối với hầu hết người dân Mỹ, lạm phát cao hơn so với mức lương được tăng thêm trong năm qua khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, ga và tiền thuê nhà. Do vậy, lạm phát đã trở thành mối đe dọa chính trị hàng đầu đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ, nhất là khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ đang đến gần.

Trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới phải đối mặt với làn sóng lạm phát cao kỷ lục, các doanh nghiệp cũng như nhiều nghị sĩ của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đang gây sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhằm giảm bớt gánh nặng thuế quan, vốn được cho là có thể làm trầm trọng hơn vấn đề nguồn cung và đẩy giá cả leo thang. Nhiều nhà lập pháp Mỹ thậm chí còn cho rằng phạm vi miễn trừ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là quá hạn hẹp.

Hiệu quả hạn chế từ các biện pháp cứng rắn về thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc cũng là điều mà Mỹ phải suy tính. Theo nghiên cứu công bố gần đây của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), năm 2022, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn ở mức 355,3 tỷ USD, tăng 45 tỷ USD (tương đương 14,5%). Đây là mức thâm hụt cao nhất của nền kinh tế số một thế giới với Trung Quốc sau con số kỷ lục 418,2 tỷ USD ghi nhận năm 2018. Nó có thể coi là minh chứng khá rõ cho thấy thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, vốn được đánh giá là mang tính lịch sử của chính quyền ông Donald Trump, đã không đem lại hiệu quả như mong đợi, nếu không muốn nói là thất bại.

Đã thế, xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, kéo theo các lệnh cấm vận mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt với Nga lại mở ra nhiều cơ hội hiếm có về thương mại cho Trung Quốc. Hàng hóa tiêu dùng Trung Quốc được cho là sẽ thay thế và lấp những chỗ trống mà các nhà cung cấp của Mỹ và châu Âu để lại trên thị trường Nga. Thị trường dầu lửa, khí đốt, nguyên liệu thô của Nga cũng trở nên dễ tiếp cận hơn với các khách hàng từ Trung Quốc, khi mà Mỹ và châu Âu chuyển sang các nguồn cung khác.

Tất nhiên, quyết định của Mỹ tạm thời không siết chặt thuế với một số mặt hàng Trung Quốc không phải là việc ngừng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Dù có nhiều thay đổi trong chính sách kể từ khi lên nắm quyền so với người tiền nhiệm nhưng ông Joe Biden vẫn duy trì định hướng như dưới thời ông Donald Trump coi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” cần phải ngăn chặn. Trong chiến lược kiềm tỏa với Bắc Kinh, cuộc chiến thương mại là một phần không thể tách rời, quan trọng chẳng kém gì so với các biện pháp về an ninh, quân sự.

Thêm vào đó, tuy giúp giải quyết những khó khăn trước mắt nhưng quyết định khôi phục miễn trừ thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lại tạo cho Washington nhiều mối lo. Một số chuyên gia Mỹ cho rằng quyết định này có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc càng không tuân thủ các cam kết với Mỹ, đồng thời tước đi công cụ của Washington trên bàn đàm phán với Bắc Kinh trong tương lai.

Nhưng trong cảnh hụt hơi thì xem ra Mỹ cũng không còn phương cách giải thoát nào khác. Không thể tăng thuế để ép Trung Quốc phải mua thêm hàng mà lại còn phải giảm thuế, Washington đang ở vào thế lưỡng nan trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

TƯỜNG LINH