Về bản chất, xung đột Nga-Ukraine là cuộc đối đầu xoay quanh câu hỏi liệu Ukraine có tham gia mặt trận của phương Tây đối chọi với Nga, hay ở lại trong mối liên kết truyền thống với người láng giềng Nga. Nói cách khác, mâu thuẫn Nga-Ukraine chỉ là bề nổi của tình trạng mập mờ trong mối quan hệ không mấy suôn sẻ kéo dài giữa Nga và phương Tây.
|
|
Tổng thống Emmanuel Macron (giữa) cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen họp báo chung tại Versailles, Pháp. Ảnh: AFP. |
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, môi trường an ninh địa chính trị châu Âu có những cải thiện. Sự tan rã của Liên Xô và việc khối quân sự Vacsava giải thể đã mở cơ hội cho châu Âu chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Tuy nhiên, trái với mong đợi, Nga và châu Âu lại luôn gặp khó khăn trong việc giải quyết mối quan hệ an ninh với nhau.
Dưới thời Tổng thống Nga Boris Yelsin và sau này là Tổng thống Vladimir Putin, mong muốn của Nga là tạo dựng một châu Âu thống nhất về mặt an ninh với việc ký kết hiệp ước an ninh châu Âu mới. Trong con mắt của Moscow, châu Âu cần một không gian chính trị-an ninh-quân sự thống nhất, không phân chia như hiện nay. Đây là ý tưởng quan trọng của Nga nhằm định hình lại cán cân chiến lược châu Âu, thay đổi khung an ninh vốn do Mỹ dẫn dắt. Điều này phản ánh mối lo ngại của Nga về nguy cơ bị loại ra ngoài khuôn khổ an ninh châu Âu, cũng như việc NATO liên tục mở rộng về phía Đông.
Tuy nhiên, phương Tây lại tỏ ra lạnh nhạt với đề xuất này của Nga. Chẳng những không muốn dung nạp Nga vào hệ thống an ninh châu Âu, phương Tây còn không mấy quan tâm đến mối lo của Nga trước động thái “Đông tiến” của NATO. Kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, NATO liên tục gia tăng số thành viên và nay đã lên tới con số 30. Từng bước, NATO dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng từ khu vực Tây Âu, Nam Âu và Trung Âu trong thời kỳ Chiến tranh lạnh sang Đông Âu và Nam Âu, hình thành vòng vây chiến lược xung quanh nước Nga.
Mâu thuẫn giữa hai bên lên tới đỉnh điểm khi tại Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest năm 2008, NATO lên kế hoạch kết nạp Ukraine và Gruzia vào liên minh. Tiếp đó vào năm 2019, Ukraine sửa đổi hiến pháp và chính thức đưa việc gia nhập NATO vào đạo luật gốc này. Dù thời điểm kết nạp còn chưa được xác định nhưng động thái của NATO và Ukraine khiến Nga hết sức lo ngại. Viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO là điều Nga khó có thể chấp nhận, bởi nếu điều đó xảy ra, tên lửa của NATO có thể được đặt ở Ukraine ngay sát nước Nga.
Chính vì thế, trong các yêu cầu về an ninh mà Nga chuyển cho NATO, Tổng thống Vladimir Putin luôn đòi hỏi NATO không được kết nạp Ukraine và phải cam kết bằng văn bản về vấn đề này. Mục tiêu của Moscow là quyết tâm tháo dỡ cấu trúc chính trị-an ninh mà phương Tây thiết lập ở châu Âu, tạo những thay đổi phù hợp với lợi ích của Nga, cũng như tháo gỡ mâu thuẫn trong quan hệ của Nga với Mỹ và NATO.
Đáng tiếc là nỗ lực tìm tiếng nói chung của Nga và NATO xung quanh những bất đồng đã thất bại. Hai bên đã không thể dung hòa được lợi ích của nhau, không biết lắng nghe các quan ngại của nhau. Hệ quả là mâu thuẫn dồn nén trong thời gian dài đã bục phát ra tại Ukraine, khiến quan hệ Nga-NATO hoàn toàn đổ vỡ. Từ nay, mối quan hệ này chuyển từ đối thoại sang đối đầu.
Xung đột Nga-Ukraine bùng nổ khiến châu Âu nhận thức ra rằng, châu lục này không thể đơn giản xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu theo tính toán riêng của phương Tây và mặc nhiên cho rằng Nga sẽ nhượng bộ hòa bình với chính sách mở rộng NATO về phía Đông. Nó cho thấy cấu trúc an ninh châu Âu, chủ yếu được định hình bởi các nước phương Tây trong 3 thập kỷ qua kể từ khi Liên Xô sụp đổ, đã không còn phù hợp. Có lẽ châu Âu phải bắt đầu suy nghĩ về một hệ thống mới ổn định hơn trên toàn châu lục, bao trùm cả an ninh của nước Nga.
Đây chắc chắn sẽ là cuộc đấu trí căng thẳng và kéo dài giữa Nga và phương Tây. Khó có thể hy vọng mâu thuẫn giữa hai bên sẽ dễ dàng được giải tỏa. Tuy nhiên, trong thời điểm khắc nghiệt hiện nay với châu Âu, cũng đã xuất hiện những dấu hiệu của sự thỏa hiệp. Ukraine đã không còn khăng khăng theo đuổi tư cách thành viên NATO và không loại trừ các cuộc đàm phán về khả năng trung lập của đất nước. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đã đến lúc phải thừa nhận rằng Ukraine sẽ không trở thành một thành viên của NATO, đồng thời nhấn mạnh Ukraine cần tìm kiếm các hình thức hợp tác mới với phương Tây và sự bảo đảm an ninh.
Mô hình “trung lập” cũng không phải là điều mới lạ. Quốc gia trung lập là quốc gia không tham gia các liên minh quân sự, không ký kết các hiệp ước dẫn đến xung đột vũ trang, không tham chiến trừ trường hợp tự vệ; không cung cấp tài chính, vũ khí, phương tiện tiến hành chiến tranh; không cho phép các bên đối địch tuyển mộ nhân viên quân sự, không cho lập căn cứ quân sự, hậu cần trên lãnh thổ nước mình. Với mô hình này, Ukraine có thể theo con đường của Áo. Tháng 5-1955, Áo đã ký Hiệp ước nhà nước với 4 cường quốc chiếm đóng nước này sau Chiến tranh thế giới thứ hai là Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô. Theo đó, quân đội 4 nước chiếm đóng rời khỏi Áo, đổi lại Áo tuyên bố “trung lập vĩnh viễn” bằng một đạo luật của quốc hội. Ngoài Áo, ở châu Âu, Thụy Sĩ, Ireland, Thụy Điển và Phần Lan cũng theo quy chế trung lập.
Một cấu trúc an ninh mới cho châu Âu đang là điều cấp bách. Bởi rằng cuộc thử nghiệm mô hình an ninh châu Âu sau Chiến tranh lạnh đã kết thúc bằng cái giá rất đắt là cuộc xung đột quân sự lớn nhất châu lục kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
TƯỜNG LINH