Cuộc gặp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại cung điện Versailles trong hai ngày 10 và 11-2 vừa qua đã không cho thấy một sự đồng nhất giữa các thành viên như lãnh đạo của họ từng kỳ vọng. Không những thế, như tạp chí Đức Der Spiegel nhận xét, chính ở đó đã xuất hiện rõ hơn bao giờ hết sự căng thẳng gia tăng ngay trong nội bộ EU và những vết rạn nứt đầu tiên trong đội ngũ này. Tổng thống Pháp hẳn đã có chủ ý và niềm lạc quan nhất định khi chọn nơi nguyên thủ quốc gia các nước EU cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen xuất hiện trước ống kính của giới truyền thông là phòng trưng bày chiến quả (phòng gương), ngụ ý tuyên bố rằng, các nước EU sẽ thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay với khúc khải hoàn ca và nước Nga sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt mới. Thế nhưng, thực tế những gì diễn ra trong hội nghị thượng đỉnh tại Versailles cho thấy, các nước thành viên đang ở trong tình trạng “đồng sàng dị mộng” trước không ít những vấn đề, đặc biệt là việc kết nạp cấp tốc Ukraine vào EU theo đề nghị của một số thành viên từ Đông Âu, cũng như xung quanh câu chuyện cấm hay không việc nhập khẩu năng lượng từ Nga và cách đối phó với tình trạng tăng phi mã của các loại năng lượng.
|
|
Cờ Liên minh châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ - Ảnh: REUTERS |
Mặc dù một số nước Đông Âu bày tỏ nguyện vọng giúp Ukraine có được một quy trình đặc biệt nhanh để trở thành thành viên EU nhưng lãnh đạo nhiều nước cựu trào và có những vai trò nhất định trong EU lại phản đối đề nghị này. Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đã tuyên bố thẳng thừng: “Chúng ta không thể ném những quy tắc ra ngoài boong tàu...”. Còn người đứng đầu Chính phủ Hà Lan Mark Rutte cũng đanh thép không kém: “Không có ngoại lệ xét kết nạp cấp tốc”. Kết quả là không chỉ riêng đối với Ukraine mà cả với Gruzia và Moldova, hành trình để trở thành thành viên EU cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc “không thể có ngoại lệ”, tức là đường xa gánh nặng, rất khó đến nơi hay chí ít thì cũng phải “chầm chậm tới mình”. Ukraine có thể đang bí bách cần mau chóng gia nhập EU để có thêm một “bùa hộ mệnh”, nhưng nhiều thành viên cũ trong EU chưa vội nhận ra nhu cầu cấp thiết này từ Kiev. Kết luận đó hẳn đã như “gáo nước lạnh” đối với chính quyền đương nhiệm của Ukraine. Trước đó, Tổng thống Zelensky đã bày tỏ thái độ thất vọng với cái mà ông gọi là “sự yếu đuối” và tuyên bố rằng, Ukraine đã “nguội” ham muốn tiến vào NATO... Bây giờ, sau những gì diễn ra tại cung điện Versailles, hẳn ông Zelensky đã nhận thấy rằng, phương Tây thực chất cũng chả mặn mà gì với việc Ukraine có thể có mặt trong đội hình EU. Điều họ đang rất muốn là Kiev tiếp tục phải đối đầu với Moscow.
Cũng tại cung điện Versailles, đề nghị của một số thành viên EU là những nước cộng hòa ở Đông Âu như Ba Lan, Latvia, Litva về việc ngừng ngay nhập khẩu các nguồn năng lượng từ Nga đã không được chấp nhận. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, đó là “một quyết định có ý thức, có cơ sở và rất dễ hiểu” và “ít ra thì về phần mình, chúng tôi sẽ không dừng việc nhập khẩu mà chúng tôi đang có hôm nay ở châu Âu trong lĩnh vực năng lượng”. Thủ tướng Luxembourg Bettel còn tuyên bố thẳng thừng: “Những người hôm nay đang kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới, thì ngày mai sẽ nói: Chúng tôi cần thêm nhiều tiền hơn từ quý vị”. Tức là ông Bettel đã gián tiếp buộc cho những người ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn đối với Moscow tội vòi vĩnh làm oai để sống theo kiểu tầm gửi. Nguyên nhân của những cái "khác góc nhìn" đó chung quy vẫn là ở chỗ nhiều thành viên EU rất không dễ dàng phát triển nếu không có nguồn năng lượng nhập từ Moscow và nếu càng làm gay gắt trong câu chuyện này thì giá nhiên liệu tất yếu sẽ càng gia tăng. Không ngẫu nhiên mà đại diện các nước Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha tại cung điện Versailles đã đề nghị hạn chế mức giá nhiên liệu trên toàn châu Âu. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã tỏ ra đồng thuận với đề nghị này, nhưng lãnh đạo Đức và Hà Lan thì lại lắc đầu, có lẽ một phần vì không rõ quốc gia nào sẽ phải bỏ ra nguồn tài chính để bù vào mức chênh lệch giữa giá "nhân tạo" do EC có thể đặt ra với giá thị trường. Phần khác là vì mối lo ngại các công ty nhiên liệu có thể lợi dụng việc này để duy trì mức giá cao bằng nguồn tài chính công.
Hội nghị thượng đỉnh EU ở cung điện Versailles còn bộc lộ sự chưa đồng tâm nhất trí của đội hình này khi nhiều đoàn đại biểu các nước thành viên đã không giấu nổi sự bất ngờ trước đề nghị của đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell về việc EU tăng mức cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho Ukraine từ 50 triệu lên tới 1 tỷ euro. Mặc dù ông Borrell tự tin tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm như thế và tôi tin rằng các vị nguyên thủ quốc gia tới sáng hôm nay sẽ đồng ý với việc đó” nhưng các nhà ngoại giao đã cho biết, sáng kiến đó của ông Borrell không hề được bàn bạc trước.
Văn bản đã ký kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở cung điện Versailles công nhận rằng, tình thế hiện nay là một “bước biến đổi khổng lồ” trong lịch sử châu Âu, nhưng đã không thể chỉ rõ được những biện pháp cụ thể để thoát hiểm mà mới chỉ tạm thời nước đến đâu bắc cầu đến đấy. Và cũng không rõ liệu EU có thể bày tỏ được thái độ chủ động hơn để tự cứu mình hay vẫn tiếp tục chịu sức ép từ bên kia đại dương trong ván cờ toàn cầu nhằm bắt chẹt những siêu cường khác không cùng trục với Washington. Làm theo cách đó, các nước EU rất dễ rơi vào tình cảnh tự đốt lửa dưới ghế mình ngồi. Vì cũng phải nói rằng, không thảm họa nào riêng của ai. Những biện pháp cấm vận kinh tế mà phương Tây đã, đang và sẽ áp dụng đối với Moscow sẽ tạo nên những hệ lụy nghiêm trọng đối với không chỉ nền kinh tế Nga. Hơn nữa, như chính Moscow đã không chỉ một lần tuyên bố, trong trạng thái hiện nay, những biện pháp cấm vận kinh tế cũng là một dạng chiến tranh và rất có thể sẽ bị đáp trả bằng những biện pháp chiến tranh thực sự.
HỒNG THANH QUANG