Sau những nỗ lực rất to lớn trên mặt trận ngoại giao để yêu cầu phương Tây đưa ra cho mình những bảo đảm có tính pháp lý về an ninh nhưng không thành công, Tổng thống Putin đã quyết định sử dụng “lập luận cuối cùng” là “một chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, dù biết rõ sẽ phải đối mặt với những sự không đồng thuận rất rộng rãi trên thế giới và những đòn cấm vận kinh tế khốc liệt chưa từng có của phương Tây.

Không để bị lừa dối

Những ai theo dõi hoạt động của Vladimir Putin từ khi ông lên nắm quyền ở nước Nga tới nay, không thể không nhận ra ở ông những biến đổi trong cách thể hiện quan điểm về lịch sử đất nước mình. Không chối bỏ và không chấp nhận những sự bôi lem quá khứ, nhưng càng ở trên đỉnh cao quyền lực, Tổng thống Nga càng hay đưa ra những nhận xét rõ ràng về những “quả bom nổ chậm” đã bị đặt vào nền móng của quốc gia, dẫn tới những hệ lụy phức tạp và khó khăn đối với sự tồn tại và phát triển đất nước trong hiện tại. Ông cho rằng, đành rằng không thể thay đổi được lịch sử nhưng càng không nên lấp liếm những điều khúc mắc, bởi nếu không minh bạch hóa quá khứ thì không thể ứng xử thỏa đáng được với hiện tại. Và ông cũng đã nêu rõ những lý do khiến cho nước Nga phải ở trong hiện trạng, cả về địa lý lẫn nhân lực.

leftcenterrightdel
 Phái đoàn Nga và Ukraine hội đàm hôm 28-2. Ảnh: Reuters

Còn nhớ, tại buổi gặp với các học sinh Nga ngày 1-9-2021 trong khuôn khổ chương trình giảng bài của Hội Tri thức, Tổng thống Putin đã nói: “Ở đất nước chúng ta trong suốt thế kỷ 20 đã hai lần tan rã sự toàn vẹn quốc gia Nga: "Sau cách mạng năm 1917, đế chế Nga đã chấm dứt sự tồn tại của mình, nước Nga đã bị mất những vùng lãnh thổ khổng lồ ở phía Tây, ở phía Bắc... rồi nước Nga đã dần dà phục hồi nhưng sau đó lại xảy ra việc tan rã Liên bang (LB) Xô viết...".

Một số người ở phương Tây cho rằng, Tổng thống Nga đang muốn khôi phục lại LB Xô viết. Sự thật không phải như thế. Trong Điện Kremlin hôm nay không có ai tư duy như các nhà lãnh đạo Xô viết trước đây. Ở đó, hiện có những chính trị gia biết rút ra những bài học cần thiết từ tư duy và cách hành xử của những nhà lãnh đạo Xô viết trước đây để không tiếp tục khiến quốc gia mình bị bắt nạt đến mức phải chấp nhận những sự lừa dối và thiệt thòi. Và mâu thuẫn hiện nay giữa Moscow với phương Tây không phải giữa những ý thức hệ khác nhau mà chỉ đơn giản là cuộc đấu tranh cho lợi ích và an ninh của chính mình. Với tư cách một nhà lãnh đạo quốc gia có trách nhiệm, Tổng thống Putin không muốn nước Nga có thể bị bao vây bởi những ranh giới quá gần, bởi sự mở rộng có thể diễn ra của NATO về phía Đông.

Một sự cực chẳng đã

Trong bài phát biểu khi tuyên bố tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine ngày 24-2, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh: “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta muốn đối thoại và thỏa thuận. Theo Thỏa thuận Minsk, chúng ta đã để cho Ukraine cơ hội tái nhập nước cộng hòa vùng Donbass. Ukraine chỉ cần ngừng bắn vào những khu dân cư và lắng nghe những người dân đang sống ở đó. Chúng ta cũng đã muốn đối thoại với châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng đáp lại, đã vấp phải sự coi rẻ những yêu cầu của chúng ta”. Theo ông Putin, trong những năm qua, phương Tây đã ủng hộ Ukraine theo cách sử dụng Kiev như miền đất thù địch với Moscow. Vũ khí mà phương Tây hào phóng cung cấp cho Ukraine lại được sử dụng để chống lại những người dân thường ở Donbass. Mọi yêu cầu chấm dứt quá trình đó từ Moscow đều bị phương Tây phớt lờ. Tổng thống Nga nêu rõ: “Trên vùng biên giới với chúng ta đã thiết lập bàn đạp của NATO, vòng vây ngày càng thít lại và chúng ta vẫn tiếp tục bị bóp nghẹt bởi những biện pháp cấm vận, trừng phạt vì những việc mà chúng ta không gây ra...”.

Và cuối cùng, quá mù ra mưa. Khi quân đội Ukraine tiến hành mạnh mẽ hơn các hoạt động quân sự ở Donbass. Moscow cho rằng, những người anh em của mình bị tấn công một cách tàn bạo và đã công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở đây, để rồi trên cơ sở đó tuyên bố ra tay “thế thiên hành đạo”, để tiến hành đường lối của mình bằng “phương pháp khác”; “Nhân dân Ukraine là anh em với những người Nga, nhưng lãnh đạo Ukraine và Hoa Kỳ đã xô họ vào vực thẳm khi truyền bá lòng căm thù với nước Nga. Chúng ta sẽ giúp giải phóng dân tộc Ukraine anh em. Ukraine sẽ tự do và độc lập. Và thân thiện với nước Nga. Chúng ta muốn Hoa Kỳ rời xa khỏi biên giới của chúng ta và thôi coi Ukraine như con rối của mình...”.

Lãnh đạo Nga ngay từ đầu đã tuyên bố rằng, các hoạt động của các đơn vị quân đội Nga chỉ nhằm vào các phần tử phát xít mới theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine. Moscow muốn tách người dân và các quân nhân Ukraine ra khỏi chính quyền đương nhiệm của nước này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra chỉ lệnh đặc biệt cho chỉ huy các đơn vị quân đội Nga về việc cần ứng xử một cách tôn trọng đối với các quân nhân Ukraine. Tổng thống Nga còn ra lời kêu gọi các quân nhân Ukraine hãy tự nắm lấy quyền lực vào tay mình để quyết định tương lai cho đất nước...

Thế giới bị chia rẽ   

Những gì đang diễn ra ở Ukraine đang chia rẽ cộng đồng quốc tế và dư luận ở nhiều quốc gia. Những cuộc hành binh tương tự như việc Moscow đưa quân đội sang Ukraine để phi quân sự hóa và phi phát xít hóa đất nước này không phải là chuyện lần đầu tiên xảy ra trên thế giới. Những quốc gia lớn ngay ở quá khứ gần đều có những hành động tương tự với những lý do nghe na ná nhau, nhưng ở mỗi trường hợp thì mỗi khác, thậm chí rất trái ngược nhau. Moscow đang phải rất vất vả trên mặt trận ngoại giao để cộng đồng quốc tế thấu hiểu hơn những động cơ khiến quân đội Nga phải sang lãnh thổ Ukraine thực hiện một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đêm 26-2 đã thảo luận về một nghị quyết lên án việc quân đội Nga tiến vào Ukraine. Đại diện Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng, dự thảo nghị quyết đó mang tính chống lại không chỉ Nga mà cả Ukraine. Còn đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho rằng, hoạt động của Hội đồng Bảo an LHQ cần làm giảm sự căng thẳng chứ không nên “đổ thêm dầu vào lửa”. Kết quả bỏ phiếu là Nga đã phủ quyết, 11 thành viên đồng ý (trong đó có Mỹ, Pháp và Anh), 3 nước bỏ phiếu trắng là Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng sáng 25-2 đã tuyên bố: “Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới...".

Còn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cuba bày tỏ sự ủng hộ với quyền tự vệ của LB Nga và cho rằng: “Việc Hoa Kỳ quyết tâm áp đặt sự mở rộng của NATO về phía biên giới của LB Nga là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của quốc gia này cũng như đối với hòa bình ở khu vực và quốc tế”.

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cho rằng, chính nước Mỹ mới là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay... Còn theo Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko: “Người Mỹ khi lôi cuốn Ukraine vào cuộc chiến chống lại nước Nga muốn đồng thời giải quyết luôn cả vấn đề Belarus. Nhưng sẽ không thể làm được thế đâu vì chúng ta không ngu ngốc đến thế”.

Ông Lukashenko cũng nhắc tới lời kêu gọi của ông Zelensky gửi tới nhân dân Belarus: “Ông ấy đã nức nở trong đó: Chúng ta là hàng xóm, chúng ta là hàng xóm. Thì tôi cũng đã luôn luôn nói: Không ai được lựa chọn hàng xóm cả, đó là do trời cho, vậy hãy sống và hữu nghị với nhau... Tôi đã luôn luôn nói như thế. Cần gì anh phải nhắc lại với tôi bây giờ, khi xung đột đang diễn ra...”.

Mong mau tắt lửa

Thông thường, bắt đầu một cuộc chiến tranh đã khó, nhưng chấm dứt nó còn khó hơn. Những gì đang diễn ra cho thấy, giữa các bên xung đột đã đánh mất một cách sâu sắc lòng tin vào nhau và đây sẽ là nguyên nhân khiến cho mọi sự tiếp tục trở nên căng thẳng. Ngày 25-2, tại cuộc họp báo về kết quả cuộc họp khẩn cấp của NATO vừa diễn ra, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Mục tiêu của Điện Kremlin không chỉ giới hạn bởi Ukraine. Nước Nga yêu cầu có một thỏa ước mang tính pháp lý về việc từ bỏ mở rộng NATO và rút quân về lại những vị trí trước đó, tính từ năm 1997”...

Có lẽ Moscow sẽ không ngưng chiến một khi không đạt được những mục tiêu của mình. Không ngẫu nhiên mà tờ The American Conservative cũng cho rằng, trong cơ sở những hành động của Nga ở Ukraine có một lý do hợp lý là bảo đảm an ninh cho chính mình: “Ông Putin đang hành động một cách trung thực trong khuôn khổ những gì đã tuyên bố. Ông ấy không muốn chiến tranh với NATO. Nhưng ông Biden phải chấm dứt mở rộng NATO...”.

Trong mọi trường hợp, càng sớm chấm dứt chiến sự càng tốt. Máu người không phải là nước lã. Mong sao đừng để mọi sự bị dồn vào thế "cùng tắc biến"...

HỒNG THANH QUANG