Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, ngoài thực hiện lời thề Hippocrates của nghề y, thầy thuốc quân đội còn thực hiện 10 lời thề danh dự của quân nhân. Đồng chí có suy nghĩ gì?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên:
Những ai trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc liên quan đến nghề y trên thế giới đều lấy lời thề Hippocrates làm chuẩn mực hành nghề. Đối với thầy thuốc quân đội, ngoài thực hiện nghiêm cẩn lời thề Hippocrates thì còn thực hiện 10 lời thề danh dự của quân nhân. Quân nhân nói chung, mỗi thầy thuốc quân đội nói riêng đều xem 10 lời thề danh dự của quân nhân là cao cả, thiêng liêng. Với những người làm việc trong ngành quân y, nội dung của lời thề không chỉ định hướng thầy thuốc trong thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân mà cao hơn đó là phụng sự sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là lời thề sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân; luôn giữ vững tinh thần và trách nhiệm xây dựng mối đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân... Đặc biệt, 10 lời thề danh dự của quân nhân là động lực để các thầy thuốc quân đội tuân thủ pháp luật, kỷ luật, không ngừng học tập, trau dồi y đức, y thuật, bắt kịp sự phát triển của y học thế giới.

Với ý nghĩa mang trong mình hai lời thề như vậy nên tinh thần “đã cố gắng thì phải cố gắng hơn nữa” của thầy thuốc quân đội là rất cao và được xã hội ghi nhận. Các thầy thuốc quân đội luôn ý thức cao vượt qua khó khăn, luôn coi người bệnh như người thân trong gia đình. Họ không chỉ khám, cấp cứu, điều trị theo lời thề ngành y mà còn luôn thấu hiểu tâm lý, quan tâm, chăm sóc, động viên người bệnh vượt qua đau đớn. Trong thời kỳ đổi mới, phẩm chất nổi bật nhất của thầy thuốc quân đội là sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống, tích cực học tập nâng cao y thuật, gìn giữ y đức, không ngừng sáng tạo. Ngành quân y đã liên tục tổ chức nghiên cứu, bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, nhiều mặt y thuật ngang tầm khu vực, thế giới, đặc biệt trong nghiên cứu ghép chi thể tạng ở người. Như vậy, có thể thấy hai lời thề thiêng liêng, cao đẹp đều được đội ngũ thầy thuốc quân đội thực hiện rất tốt, rất hiệu quả.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Kiên.  Ảnh: VĂN CHIỂN  

PV: Trong hai năm 2020 và 2021, đội ngũ thầy thuốc quân đội đã quên mình làm nhiệm vụ, vừa lo chống dịch ở cơ quan, đơn vị, địa phương, vừa chi viện lực lượng, phương tiện cho các “điểm nóng” dịch bệnh. Theo đồng chí, điều gì là cốt lõi nhất để thầy thuốc quân đội làm nên những thành tích vẻ vang đó?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, kéo dài, phủ rộng trong cả nước thì ngành quân y đã lao vào cuộc chiến đấu mới với quyết tâm rất cao trên tinh thần chủ động, kỷ luật, sáng tạo và khẩn trương. Chúng tôi tự hào là đã có sự chuẩn bị khá đầy đủ, kỹ lưỡng cả về lực lượng, kiến thức, phương tiện, phương án, trình độ chuyên môn và tư tưởng ở tất cả các tuyến. Theo thống kê, chỉ trong năm 2021, hơn 10.000 cán bộ, nhân viên quân y được điều động vào tâm dịch tại phía Nam và tăng cường cho các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc để dập dịch. Với phương châm ở đâu có dịch bệnh, ở đó có chiến sĩ quân y, các thầy thuốc quân đội thực sự là chỗ dựa tin cậy cho cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế khen ngợi, đánh giá cao. Qua đó, thầy thuốc quân đội được xem là đội ngũ tiêu biểu của ngành y; trong quân đội, những chiến sĩ quân y cũng được đánh giá là đại diện tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ trong tâm dịch. Có được điều đó là nhờ sự hòa quyện giữa phẩm chất, trình độ chuyên môn của người thầy thuốc với bản lĩnh, ý chí, trách nhiệm của quân nhân. Hay nói cách khác là có sự chỉ đạo, dẫn đường tư tưởng của hai lời thề.

PV: Hình ảnh người thầy thuốc quân đội trong hai năm qua quả thật rất đẹp, được xã hội công nhận, nhưng cũng không tránh khỏi những "con sâu làm rầu nồi canh". Đồng chí suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Cần phải khẳng định ngay rằng, những hành động, việc làm chưa đúng, chưa tốt của thầy thuốc quân y chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nhưng tác hại lại khá lớn, nhất là ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành. Thời gian qua, một số sự việc tiêu cực trong ngành y tế bị phát hiện, gây bức xúc trong dư luận xã hội, có vụ việc liên quan đến quân y. Quan điểm của cấp trên, của ngành quân y là đấu tranh kiên quyết, xử lý nghiêm minh với các vụ việc tiêu cực, không có vùng cấm. Đồng thời, Cục Quân y cũng chỉ đạo đẩy mạnh việc "tự soi, tự sửa", các bệnh viện, trạm xá, cơ sở quân y chủ động phát hiện những hiện tượng chưa đẹp, chưa tốt, có yếu tố vụ lợi để đấu tranh, khắc phục. Nguyên nhân của những hiện tượng đó chủ yếu là do người làm nghề y không kiên tâm, kiên trì giữ vững lời thề y đức, để chủ nghĩa cá nhân phát tác, chi phối. Nhìn rộng ra có thể thấy, mặt trái cơ chế thị trường đã thúc đẩy thói quen chạy theo lợi ích cá nhân.

leftcenterrightdel
Thầy và trò Học viện Quân y trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-2021).  Ảnh: TUẤN HUY 

Thầy thuốc quân đội hành nghề thì đó không chỉ là chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cứu người đơn thuần mà là công tác bảo đảm quân y cho các đơn vị quân đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi lúc, mọi nơi. Tính chất nhiệm vụ ấy buộc thầy thuốc quân đội phải chấp hành pháp luật, kỷ luật rất khắt khe, làm nhiệm vụ trong môi trường quân sự khắc nghiệt. Thực tế cho thấy, tuyệt đại đa số y sĩ, bác sĩ quân đội công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng vẫn kiên cường bám trụ, gắn bó với đơn vị, với đồng bào cho dù thu nhập so với mặt bằng chung trong ngành thì chưa tương xứng với trình độ và cống hiến của họ.

PV: Thưa đồng chí, vừa qua, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về "Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới". Ngành quân y sẽ triển khai thực hiện nghị quyết này như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Là cơ quan tham mưu chiến lược về tổ chức bảo đảm quân y cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chúng tôi xác định, sự ra đời của Nghị quyết 847 là điều kiện thuận lợi để Đảng ủy, chỉ huy Cục Quân y tổ chức quán triệt, học tập và triển khai các biện pháp phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân hiệu quả hơn. Trên tinh thần đó, Đảng ủy, chỉ huy Cục Quân y thấy rõ là phải tăng cường tuyên truyền, tổ chức học tập cho các đối tượng nắm chắc, sâu sắc nội dung nghị quyết. Sau đó kiểm tra, đánh giá chặt chẽ, thực chất. Tiếp đó, trong tổ chức thực hiện, vấn đề quan trọng mà chúng tôi hướng tới là chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng trong toàn ngành rà soát lại các quy chế, quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để ngăn ngừa, kịp thời phát hiện những sai sót trong quản lý, chỉ huy, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi chú trọng đến công tác tạo nguồn vật chất, thuốc, vật tư y tế... bảo đảm quân y cho các nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng, bảo đảm dân chủ, khách quan, không xảy ra tiêu cực.

leftcenterrightdel
  Các nữ thầy thuốc Viện Y học Hải quân thể hiện quyết tâm chiến thắng Covid-19. Ảnh: HẢI BẰNG 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường đôn đốc, nhắc nhở, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân viên tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, không quản ngại hy sinh, khó khăn, gian khổ, phục vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua của ngành quân y gắn với Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, đẩy mạnh thực hiện phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao đạo đức nghề nghiệp... để mỗi thầy thuốc quân đội luôn tự hào về truyền thống, sống, lao động, cống hiến nhiều hơn, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Chúng tôi tin tưởng đội ngũ thầy thuốc quân đội sẽ có rất nhiều thành tựu khi triển khai thực hiện nghị quyết thiết thực và nhiều ý nghĩa này.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN MẠNH THẮNG (thực hiện)

 Trung tướng, Tiến sĩ CHU TIẾN CƯỜNG, nguyên Cục trưởng Cục Quân y:  Dùng thuốc như dùng binh

leftcenterrightdel
 

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hàng nghìn cán bộ, nhân viên và học viên ngành quân y đã vào “vùng đỏ” để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, bao vây, khống chế, dập tắt dịch bệnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đó là việc chưa từng thấy trong thời bình.

 Trong ngành y thường truyền tai nhau phương châm: “Dùng thuốc như dùng binh”. Điều đó có nghĩa là, khi bắt bệnh, điều trị, các thầy thuốc kê đơn phải tiến hành theo phương châm khu trú, không để bệnh phát triển, tiến tới thuyên giảm, rồi tiêu diệt mầm bệnh, tránh phản ứng phụ. Để đạt được điều đó thì thầy thuốc cần coi trọng chữa bệnh toàn diện, không gây tốn kém kinh tế cho người bệnh. Thực tế cho thấy, đôi khi sự nóng ruột của người bệnh dễ khiến các y sĩ, bác sĩ bị cuốn theo, đưa ra các quyết định sai, vi phạm chuẩn mực đạo đức ngành y.

 Từ thực tiễn công tác tôi rút ra, y đức luôn là cốt lõi, là cơ sở để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”. Thế nên, để hạn chế những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến y đức, mỗi thầy thuốc quân đội trên các tuyến cần thường xuyên tự học, tự rèn, không ngừng nâng cao trình độ y thuật, cần hiểu người bệnh để tư vấn, điều trị hiệu quả. Đó là cách để “chiến thắng mình”, giữ y đức tốt nhất. Các cơ sở quân y tuyến sau cần đẩy nhanh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Tôi cũng mong Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa đến công tác quân y. Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn để thầy thuốc yên tâm công tác. Cần có cơ chế thích hợp trong luân phiên, luân chuyển cán bộ, nhân viên quân y giữa các tuyến; đẩy mạnh đào tạo sau đại học, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, ưu tiên và tạo điều kiện cho thầy thuốc giao lưu, trao đổi, học tập chuyên môn với các nước có nền y học tiên tiến... Tôi tin rằng, những chủ trương cụ thể trên sẽ giúp mỗi thầy thuốc quân đội giữ vững lời thề y đức, thể hiện bản lĩnh chính trị của thầy thuốc quân y, xây dựng ngành quân y ngày càng vững mạnh.

 THẢO TRANG (ghi)

 

 Trung tá, Tiến sĩ, bác sĩ PHAN QUỐC KHÁNH, Bệnh viện Quân y 4 (Quân khu 4): Nhân ái và bản lĩnh

leftcenterrightdel
 


Người thầy thuốc quân đội đồng thời phải luôn ghi nhớ lời thề về y đức và lời thề của quân nhân. Tôi nghĩ rằng, do đặc thù công tác, mỗi lời thề có những ý nghĩa riêng nhưng bản chất chung là đều nhằm mục đích vì con người, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

 Bản thân vừa là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa là người thầy thuốc (bác sĩ), trên cương vị là người thầy thuốc, chúng tôi luôn hết mình vì người bệnh, xem nỗi đau của người bệnh như chính nỗi đau của bản thân. Tôi thường nói với cán bộ, nhân viên rằng, để điều trị, chăm sóc bệnh nhân có hiệu quả, chất lượng, các đồng nghiệp hãy xem bệnh nhân như chính bản thân mình. Chỉ có như vậy thì các đồng chí mới biết được bệnh nhân cần điều gì. Sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên, rồi sẽ có ngày khi chúng ta là bệnh nhân thì người điều trị cho chúng ta không ai khác chính là các thế hệ trẻ hiện nay. Với suy nghĩ đó, hằng ngày, trong từng ca bệnh, tôi luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cho các đồng nghiệp, học viên, sẵn sàng truyền đạt cho các em những kiến thức, kinh nghiệm mà mình học hỏi, nghiên cứu được trong quá trình điều trị để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.

 Trên cương vị là một quân nhân, tôi luôn phấn đấu để trở thành người cán bộ quân đội mẫu mực, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Không sợ khó khăn, gian khổ, chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ quân đội. 25 năm vừa là thầy thuốc, vừa là quân nhân, tôi thấm nhuần hơn ai hết là phải nỗ lực phấn đấu để trở thành người cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Bác sĩ có chuyên môn, quân nhân có bản lĩnh, tác phong chững chạc, nghiêm túc, uy tín sẽ càng được mọi người tôn trọng, quý mến.

 HỒ VIỆT (ghi)


 Thiếu tá, bác sĩ VŨ SƠN GIANG, Bệnh viện Quân y 175: Đại dịch “thử lửa” y đức

leftcenterrightdel
 


 Tất cả nhân viên ngành y, khi bước chân vào học nghề, đều được trang bị những kiến thức cơ bản về y đức, được dạy lời thề của Hippocrate, 12 điều y đức của lực lượng y tế. Là một quân nhân, chúng tôi còn thấm nhuần 10 lời thề danh dự của quân nhân.

 Lực lượng quân y, ngoài làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, còn là lực lượng xung kích tham gia cấp cứu, thu dung, điều trị người bệnh, ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh và khu vực địa lý nào. Khi nhân dân và Tổ quốc cần, lực lượng quân y sẵn sàng đi vào những chỗ cam go, nguy hiểm, phức tạp nhất để có thể bảo đảm sức khỏe cho đồng chí, đồng đội và nhân dân.

 Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” ở nước ta, các thầy thuốc quân đội luôn xung kích trên tuyến đầu, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát dịch bệnh, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam. Trong các hoạt động chống dịch của quân đội, tổ quân y lưu động là một mô hình rất sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong các biện pháp chống dịch.

 Giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm, lực lượng quân y đã hăng hái, xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Sẵn sàng vác bình oxy, chuyển những túi thuốc, thậm chí là nhu yếu phẩm đến từng nhà có F0 để hỗ trợ điều trị về mặt y thuật. Ngoài ra, còn động viên, thăm hỏi, hướng dẫn cho bệnh nhân, thân nhân những cách điều trị bệnh lý, phòng, chống lây lan dịch bệnh. Có những hình ảnh xúc động như nhân viên y tế ngồi cho bệnh nhân dựa vào mình để đỡ khó thở, có bạn còn cõng bệnh nhân đến các cơ sở y tế khi bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng, nhà lại ở trong hẻm sâu...

 Hình ảnh chiến sĩ quân y cùng với lực lượng y tế tham gia chống dịch là minh chứng cho những vấn đề y đức đã trang bị cho họ khi bước vào nghề. Đợt dịch bùng phát vừa qua là thử thách to lớn cho Chính phủ, lực lượng y tế nói chung và quân y nước ta nói riêng. Nhưng qua đó cũng cho thấy sự chỉ đạo linh hoạt của Chính phủ, Bộ Y tế khi chống dịch. Đồng thời cũng là dịp “thử lửa”, khẳng định vẻ đẹp về y đức của người thầy thuốc Việt Nam.

MINH THÀNH (ghi)