Phải rất nỗ lực với hàng loạt các cuộc gặp cấp cao trong suốt hai tháng 6 và 7-2022, cuộc điện đàm Mỹ-Trung mới có thể diễn ra. Điều này cũng dễ hiểu bởi dù là bạn hàng lớn của nhau nhưng trong quan hệ Mỹ-Trung, yếu tố “đối thủ” vẫn nổi trội so với “đối tác”, đúng như nhận xét của các nhà quan sát “chỉ có 10% trong mối quan hệ Mỹ-Trung là hợp tác, 90% còn lại là cạnh tranh và đối đầu”.

Thực tế, nhìn vào bất cứ lĩnh vực nào, từ chính trị, an ninh đến kinh tế, khoa học... đều có thể thấy những bất đồng. Lâu nay, chiến tranh thương mại, vấn đề Đài Loan, tranh cãi về nguồn gốc dịch Covid-19, nhân quyền... liên tục thử thách mối quan hệ Mỹ-Trung. Gần đây, những khác biệt liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng những cuộc đối đầu giữa máy bay Trung Quốc với phi cơ của Mỹ, Canada và Australia trên biển Hoa Đông và Biển Đông càng làm cho tình hình thêm căng thẳng. Những bất đồng trên bất cứ lúc nào cũng có thể tạo ra tia lửa châm ngòi cho một cuộc đối đầu nguy hiểm hơn. 

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo cơ quan ngoại giao Đài Loan – ông Joseph Wu tiếp đón bà Pelosi. Ảnh: Sky News

Làm sao quản lý mối quan hệ này một cách khéo léo và có trách nhiệm, duy trì nó trong trạng thái ổn định để không bùng nổ thành xung đột đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh đó, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình là cơ hội để hai bên thăm dò quan điểm của nhau, tránh hiểu lầm có thể dẫn đến các tính toán sai lầm. Bởi lẽ khi hai đoàn tàu đi trên cùng một đường ray, bộ chuyển ray sẽ giúp chúng tránh được va chạm, nhưng trong lĩnh vực địa chính trị, “người lái” phải tự tìm cách né tránh, và thời điểm hiện nay chính là lúc cả Mỹ và Trung Quốc đều phải tìm hiểu xem đối thủ của mình xử lý thế nào trong các tình huống để tránh đụng độ.

Hơn hai tiếng của cuộc đối thoại mà Nhà Trắng đánh giá là “chân thật và thẳng thắn” đã giúp Washington và Bắc Kinh thấy rõ tầm quan trọng của việc duy trì giao thiệp và liên lạc, nhất là khi quan hệ giữa hai nước đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua, cũng như vai trò của Mỹ và Trung Quốc trong một thế giới đang có nhiều biến động. Trong khi Tổng thống Joe Biden bày tỏ hy vọng hai nước sẽ duy trì liên lạc cởi mở để tăng cường hiểu biết, tránh hiểu lầm cũng như các tính toán sai lầm, thì Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc cần duy trì liên lạc ở tất cả các cấp và tận dụng tốt các kênh thông tin hiện có để thúc đẩy hợp tác song phương. Giới chức Mỹ còn đề cập đến khả năng hai nhà lãnh đạo có thể gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden trở thành tổng thống.

Nhưng đó là kết quả có thể coi là rõ rệt nhất trong cuộc điện đàm lần này. Còn với các vấn đề tranh cãi, dù trao đổi thẳng thắn nhưng kết thúc thường mờ nhạt, thậm chí là chia rẽ, đối đầu. Đơn cử như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm bởi tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Trái với dự đoán, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Joe Biden đã không đề cập bất cứ điều gì liên quan đến những mức thuế mà Mỹ đang áp đặt đối với hàng hóa của Trung Quốc. Bất chấp các mức thuế thái quá này là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát bùng nổ thời gian gần đây tại Mỹ, chính quyền của ông Joe Biden vẫn không loại bỏ các loại thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, được áp đặt từ nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.

Hệ quả là trong bối cảnh phải vật lộn với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lên mức kỷ lục 9,1%, giới doanh nghiệp Mỹ còn đau đầu trước nguy cơ đánh mất thị phần ở Trung Quốc. Mới đầu tháng 7 vừa rồi, 4 hãng hàng không của Trung Quốc đã đặt hàng tổng cộng 292 máy bay từ Airbus với tổng trị giá 37 tỷ USD. Đây là lời cảnh báo với Mỹ bởi đối với các tập đoàn đa quốc gia, thị trường Trung Quốc không chỉ mang ý nghĩa là đem lại lợi nhuận lớn hơn mà còn là sự đầu tư và cạnh tranh để đổi mới và phát triển bền vững. 

Liên quan đến vấn đề Đài Loan, tranh cãi giữa hai bên căng thẳng đến mức bùng nổ. Lâu nay, Washington duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược” về các mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan. Theo chính sách này, Mỹ thừa nhận nguyên tắc “một nước Trung Quốc” nhưng không nói rõ có bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp bị tấn công hay không. Tuy nhiên, hồi tháng 5 vừa rồi, ông Joe Biden bất ngờ nhắc đến cam kết của Mỹ về mặt quân sự để bảo vệ Đài Loan khiến Bắc Kinh phản ứng vì cho đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Vấn đề càng nóng khi xuất hiện thông tin về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi diễn ra ngay sau cuộc điện đàm. Bà Nancy Pelosi là quan chức dân cử cấp cao nhất của Mỹ đến Đài Loan kể từ khi cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, thành viên Đảng Cộng hòa, đến thăm hòn đảo này vào năm 1997. Trong con mắt của Trung Quốc, đây là hành động khiêu khích và là một mối đe dọa mà giới Mỹ cố tình tận dụng.

Trong bối cảnh chia rẽ đó, hai nhà lãnh đạo đã đối đầu trực diện về vấn đề Đài Loan và hầu như không đạt bất kỳ tiến bộ cụ thể nào trong cuộc điện đàm. Phản ứng của phía Trung Quốc là rất gay gắt. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh lịch sử của vấn đề Đài Loan là rõ ràng và thực tế, hai bờ eo biển Đài Loan thuộc về “một nước Trung Quốc” và nguyên tắc “một Trung Quốc” là nền tảng chính trị của quan hệ song phương. Trung Quốc kiên quyết phản đối ly khai đòi “Đài Loan độc lập” và sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Thậm chí Bắc Kinh còn công khai cảnh báo Washington rằng “chớ chơi với lửa kẻo có ngày bỏng tay”.

Quan hệ Mỹ-Trung vẫn chưa thể ấm lại sau thời gian dài lạnh nhạt. Diễn ra đúng thời điểm nhưng cuộc điện đàm mới chỉ tạo được bước tiến nhỏ trong bối cảnh trở ngại thì lớn.

TƯỜNG LINH