Tuy nhiên, việc ký thỏa thuận này đã được tiến hành theo hai bước: Thoạt tiên ông Shoigu ký thỏa thuận riêng với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp sau đó bộ trưởng Ukraine mới đặt bút ký vào chung thỏa thuận này...

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Soigu, đồng thời với sự kiện trên, cũng đã diễn ra việc ký kết một bản ghi nhớ nhằm lôi kéo sự tham gia của LHQ vào việc xóa bỏ những hạn chế đối với cả việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga ra thị trường quốc tế. Và Tổng thư ký LHQ trong các buổi tiếp xúc với phái đoàn Nga đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phải giải quyết cho bằng được câu chuyện xuất khẩu lương thực của Nga.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov (thứ hai từ trái sang) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar sau khi ký thỏa thuận tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Còn theo những thông tin mà báo chí Ukraine đưa ra ngày 22-7, phái đoàn Ukraine đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về việc xuất khẩu lương thực. Theo đó, việc xuất khẩu lương thực Ukraine ra nước ngoài sẽ được thực hiện qua các cảng Odessa, Chernomorsk và Yuzhny, dưới sự kiểm soát của Kiev. Tại các cảng đó sau khi tháo dỡ các cản trở, sẽ chỉ được lưu thông những con tàu “có thể bảo đảm việc xuất khẩu lương thực, những sản phẩm và phân bón liên quan tới nó”.

Thời hạn có hiệu lực của thỏa thuận đã ký là 120 ngày với khả năng tự động gia hạn tiếp, nếu không có tuyên bố của bất cứ bên nào tham gia về việc chấm dứt nó. Theo một đại diện cao cấp của LHQ, những con tàu ra-vào các hải cảng của Ukraine sẽ phải chịu sự điều hành của các hoa tiêu hàng hải Ukraine. Đồng thời, thỏa thuận Istanbul cũng đã loại trừ sự hộ tống quân sự đối với các con tàu chở lương thực.

Để thực hiện việc quán xuyến chung, tại Istanbul sẽ thành lập một trung tâm phối hợp dưới danh nghĩa LHQ với sự tham gia của các đại diện Nga, Ukraine, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trung tâm này cũng có quyền kiểm tra tất cả phương tiện ra-vào các cảng dành cho việc xuất khẩu lương thực.

Việc ký kết một thỏa thuận như ở Istanbul nhìn chung được đánh giá như một tiến bộ có ý nghĩa trong quá trình tìm kiếm hòa giải giữa không chỉ Nga với Ukraine mà với cả phần còn lại của thế giới. Theo người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ SAGEDER, Yunus Emre Kanat, dựa vào bước tiến bộ trong vấn đề lương thực, Kiev và Moscow có thể tiếp tục chuyển động đi lên trong cả vấn đề chính trị.

Xem ra, hiện nay, Ankara đang rất muốn có những đóng góp thích đáng vào quá trình môi giới hòa bình này. Cũng theo nhận định của ông Kanat, Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng đối với việc tổ chức một cuộc gặp cấp cao thứ hai tại trung tâm nghỉ dưỡng nổi tiếng của mình Antalya với sự tham gia của hai Ngoại trưởng LB Nga và Ukraine. Cuộc gặp tương tự đã từng diễn ra lần đầu vào ngày 9 và 10-3 vừa qua.

Cũng phải nói rằng, thỏa thuận Istanbul có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Ukraine. Theo người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu lương thực thực phẩm và sử dụng đất đai Ukraine, Oleg Niviyevsky, trong giai đoạn trước khi chiến sự xảy ra, một phần năm nền kinh tế Ukraine đã phải phụ thuộc vào việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và 40% thu nhập bằng ngoại tệ của Ukraine là từ lĩnh vực này. Và ở giai đoạn trước đây, 80% lượng hàng hóa xuất khẩu từ Ukraine là theo đường biển.

Trong góc nhìn của chính giới Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan tâm của nước này đối với việc môi giới thương thảo giữa Moscow với Kiev dựa trên cơ sở các bên cùng có lợi. Trong những đặc thù quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và với Ukraine trong giai đoạn hiện nay, Ankara có thể tìm được những điểm chung giữa Nga với Ukraine.

Phương Tây đang có cách nhìn ít nhiều tích cực đối với thỏa thuận Istanbul. Người phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đánh giá thỏa thuận Istanbul là “một bước đi đúng hướng”. Thế nhưng, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố rằng việc ký thêm biên bản ghi nhớ giữa LB Nga với LHQ đã càng làm rõ hơn sự nhân tạo của những nỗ lực nhằm “đục nước béo cò” từ phương Tây với mục đích đổ cho nước Nga mọi tội lỗi trong những khúc mắc của việc đưa lương thực ra thị trường thế giới.

Ông Lavrov cho rằng, nhiệm vụ chính của thỏa thuận phải là bảo đảm việc đưa lương thực và phân bón của Nga ra thị trường thế giới một cách thông đồng bén giọt nhất. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, Moscow không cản trở việc đưa lương thực của Ukraine ra bên ngoài. Theo người đứng đầu Điện Kremli, chính Kiev đã phong tỏa bằng mìn các hải cảng của mình và ngăn cản không cho tàu vào ra. Ông Putin cũng cho rằng, đang tồn tại những cách thức khác để đưa lương thực ra thị trường thế giới, qua các nước Romania, qua Ba Lan hay Belarus... Cũng theo cách nhìn của Điện Kremli, những cuộc thương thuyết chính trị giữa Nga với Ukraine trong bối cảnh hiện nay rất khó có được các kết quả tích cực. Khoảng cách tồn tại giữa hai bên vẫn còn đang quá lớn.

Chính vì thế nên bất chấp những lạc quan về tương lai của thỏa thuận Istanbul, hiện vẫn tồn tại những lo ngại về việc khả thi của nó. Theo trang tin điện tử Topnews.ru, các chuyên gia quân sự đã tìm ra một mối đe dọa khá nghiêm trọng đối với thỏa thuận Istanbul. Đó là sự thiếu vắng kế hoạch cụ thể tổ chức tháo gỡ mìn cho các hải cảng. Trong thực tế, tại hải phận do Kiev kiểm soát hiện hầu như không tồn tại những hải trình an toàn và bất cứ một con tàu nào di chuyển ở đó đều có thể vấp phải nguy cơ dính những quả mìn trôi nổi trên mặt nước. Kiev dĩ nhiên là có bản đồ thả mìn trên Biển Đen và những hải trình có thể đi qua được, nhưng không ai rõ những thông tin này sẽ được công khai đến đâu... 

HỒNG THANH QUANG