Trong nhiều thập niên, chính sách của Mỹ tại Trung Đông dựa trên sự phối hợp với các đồng minh hàng đầu khu vực như Israel, Saudi Arabia. Tuy nhiên, từ năm 2011, Mỹ điều chỉnh chiến lược, từ bỏ can thiệp trực tiếp với quy mô lớn vào khu vực. Trung Đông trở thành “mỏ vàng khổng lồ” hút các nước lớn, đặc biệt là những đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Nga.

leftcenterrightdel
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cùng 3 nước Ai Cập, Jordan và Iraq (GCC+3) ở Jeddah (Saudi Arabia) ngày 16-7. (Ảnh: AFP/TTXVN) 


Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và cuộc khủng hoảng giá dầu làm lộ rõ sự khác biệt quá lớn giữa Washington với các đồng minh then chốt tại Trung Đông, cũng như sự sứt mẻ vị thế của Mỹ. Bất chấp sự vận động của Washington, không đồng minh nào trong khu vực đồng ý áp lệnh trừng phạt với Nga, ngoại trừ Israel, nhưng cũng chỉ với các biện pháp ít ỏi. Các nước xuất khẩu dầu lửa vùng Vịnh cũng làm ngơ trước đòi hỏi của Mỹ tăng sản lượng để hạ giá dầu.

Đến khi đề nghị của Nhà Trắng giàn xếp điện đàm giữa ông Joe Biden với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) bị từ chối thẳng thì Washington hiểu rằng, ngoại trừ Israel, các đồng minh truyền thống khác như Saudi Arabia đã không còn hành động theo các quy tắc giao kết trước đây. Lập trường mới mẻ này là một bước ngoặt trong quan hệ của vùng Vịnh với Mỹ, cho thấy tâm lý không hài lòng trước các chính sách của Washington, đồng thời phản ánh tư duy rằng ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông đang suy yếu.

“Chúng tôi sẽ không bỏ đi và sẽ không để lại khoảng trống cho Trung Quốc, Nga hay Iran nhảy vào lấp đầy”, tuyên bố hùng hồn của ông Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước Arab ở thành phố Jeddah, Saudi Arabia ngày 16-7 có thể coi là thông điệp quan trọng nhất trong chuyến đi Trung Đông lần này của ông chủ Nhà Trắng. 

Phải nói rằng với sự kiên trì và nhẫn nại, thậm chí sẵn sàng từ bỏ tuyên bố trước đây sẽ biến Saudi Arabia thành “quốc gia bị gạt ra ngoài lề” do sát hại nhà báo đối lập Khashoggi, ông Joe Biden cũng đã phần nào đạt được mục đích. Gác lại quá khứ tranh cãi xung quanh vấn đề nhân quyền, Mỹ và Saudi Arabia đã ký 18 thỏa thuận nhân kết thúc chuyến thăm, mở cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, không gian và y tế, trong đó có thỏa thuận hợp tác thăm dò chung Mặt Trăng và Sao Hỏa giữa Cơ quan không gian Saudi Arabia và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Nhằm tái kích hoạt và hồi sinh các liên minh của Mỹ trong khu vực, tại chặng dừng chân ở Israel, ông Joe Biden đã cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Israel Naftali Bennett và Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm đối thoại I2U2 theo hình thức trực tuyến, thảo luận về vấn đề an ninh cũng như hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, chống biến đổi khí hậu, năng lượng và các lợi ích chung quan trọng khác.  

Mỹ và các nước trong khu vực cũng đạt được quan điểm chung về tầm quan trọng của việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, trong đó có ngăn chặn và cắt đứt các nguồn tài trợ cho tổ chức al-Qaeda và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hai bên cũng đã chia sẻ và đưa ra cam kết về các vấn đề mà các quốc gia Arab và Hồi giáo khác đang phải đối mặt, trong đó có Palestine, Syria, Liban và Afghanistan.

Tuy nhiên, hy vọng thiết lập đồng minh cùng chí hướng của ông Joe Biden đã bị “giội gáo nước lạnh” khi Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud cảnh báo rằng nếu Washington chỉ muốn giao thiệp với những nước chia sẻ 100% giá trị và nguyên tắc của Mỹ thì Mỹ không thể giao thiệp với bất kỳ nước nào ngoại trừ NATO, rằng việc cố gắng áp đặt các giá trị của quốc gia này với quốc gia khác bằng vũ lực là phản tác dụng, thể hiện qua những thất bại của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

Ông Joe Biden còn không đạt được một trong những mục tiêu quan trọng là thuyết phục các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, tổ chức mà Saudi Arabia có vai trò quan trọng, tăng sản lượng dầu nhằm hạ nhiệt giá năng lượng, giúp giảm sức ép lạm phát đang lên mức cao nhất trong 40 năm qua tại Mỹ. Saudi Arabia cho biết sẽ không tăng sản lượng dầu thô lên hơn 13 triệu thùng/ngày như mong muốn của Mỹ. Nước này thậm chí còn cho rằng các chính sách phi thực tế của Mỹ và các nước phương Tây liên quan đến các nguồn năng lượng sẽ chỉ dẫn đến lạm phát. 

Đặc biệt, với hai đồng minh quan trọng là Israel và Saudi Arabia mà ông Joe Biden ghé thăm, Mỹ vẫn trong thế kẹt. Mục tiêu thúc đẩy hội nhập của Israel-đồng minh tin cậy mà báo chí mô tả là “lính gác của Washington ở Trung Đông” với thế giới Arab thông qua Hiệp định Abraham mà Mỹ làm trung gian, nhất là hòa hoãn với Saudi Arabia, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ về dầu lửa và an ninh, đã không có bất cứ tiến triển nào. Saudi Arabia vẫn chưa bình thường hóa quan hệ với Israel bởi vấn đề Palestine, đồng thời khẳng định không tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào với Israel liên quan tới liên minh phòng thủ vùng Vịnh. 

Dù ông Joe Biden đã làm nên sự kiện lịch sử khi thực hiện chuyến bay thẳng lần đầu tiên từ Israel tới một nước thuộc thế giới Arab là Saudi Arabia, nhưng để biến chuyến bay thành biểu tượng cho xu hướng hòa giải trong khu vực với sự can dự của Mỹ thì vẫn chỉ là hy vọng. Nước Mỹ vẫn đứng trước sứ mệnh đầy thách thức bắt đầu một chương mới trong quá trình can dự ở Trung Đông, làm sao vừa hài hòa được các lợi ích của Mỹ với các quốc gia trong khu vực, vừa dung hòa được mối quan hệ hết sức phức tạp giữa các quốc gia ở Trung Đông.

TƯỜNG LINH