Quyết định này đồng nghĩa với việc ông cũng sẽ phải rời khỏi Văn phòng Thủ tướng Anh trên phố Downing. Tạm thời, ông sẽ tiếp tục thừa hành phận sự cũ (trên cả hai vai) cho tới khi Đảng Bảo thủ tìm ra thủ lĩnh mới vào mùa thu (tháng 10). Nhân vật đó, theo đánh giá của truyền thông, có thể là đương kim Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ben Wallace, người đang giữ chỉ số tín nhiệm cao nhất trong các cuộc thăm dò dư luận.
|
|
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu bên ngoài Phố Downing ngày 7-7 - Ảnh: REUTERS |
Mới trên dưới 3 năm cầm quyền nhưng ông Johnson cũng kịp gây nên khá nhiều sự việc ồn ào trong đời sống quốc gia và trên trường quốc tế. Chính vì thế mà nước Anh trở nên khó ở hơn trong 3 năm qua. Thành tựu lớn nhất mà Đảng Bảo thủ có thể hãnh diện sau thời gian ông Johnson làm thủ tướng là quá trình Brexit diễn ra, theo tinh thần của cuộc trưng cầu dân ý đã được tiến hành. Tuy nhiên, cũng chính Brexit đã làm xấu đi hơn bao giờ hết mối quan hệ giữa “hòn đảo sương mù” với Liên minh châu Âu. Và, như chính báo chí Anh nhận xét, vì Brexit nên uy tín của London trên trường quốc tế nhìn chung cũng bị suy giảm. Và hiện nay, nhiều công dân Anh, trong đó có cả những người từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit, cũng đang hối tiếc về điều đó vì coi đấy là một trong những lý do chính dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và việc giá cả gia tăng.
Theo nhà báo Anh Gideon Rachman, bình luận viên quốc tế chính của tờ Financial Times, di sản chính mà ông Johnson để lại cho “hòn đảo sương mù” chỉ là Brexit. Và sẽ tiếp tục tồn tại những hệ lụy nặng nề đối với London từ cuộc chia tay không giản đơn này. Bởi chính Brexit đã làm bất ổn định nền chính trị Anh quốc, phá hoại những mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa Anh với các đồng minh.
Tin ông Johnson quyết định từ chức càng khiến xuất hiện nhiều hơn những bài viết chống lại vị thủ tướng này. Nhiều bình luận viên chính trị đánh giá, ông Johnson là vị thủ tướng kém cỏi nhất ở Anh kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay. Nhà báo Gaby Hinsliff trên tờ The Guardian cho rằng, Đảng Bảo thủ Anh sẽ phải xin lỗi các cư dân của vương quốc này vì đã buộc họ phải chịu đựng một vị thủ tướng "y phục không xứng kỳ đức" như ông Johnson: "Họ phải xin lỗi vì đã lựa chọn ông ấy, khi biết rằng ông ấy là người nông nổi, dối trá đến mức độ nào và đã giữ ông ấy lại tới 3 năm, thậm chí sau cả khi những mối lo ngại của chúng ta đã trở thành hiện thực".
Khát vọng muốn tàn phá nước Nga của ông Johnson trên cương vị thủ tướng cũng đã trở thành trò "gậy ông lại đập lưng ông" đối với chính trị gia này. Mặc dù ông Johnson từng nói rằng, ông là vị Thủ tướng Anh mang "phong vị Nga la tư" nhất (vì tên ông do cha mẹ đặt cho là Boris, một cái tên rất thuần Nga), nhưng chính sách đối ngoại với Moscow mà ông duy trì từ khi làm chủ văn phòng trên phố Downing khiến Điện Kremlin không thể nào duy trì tình cảm tốt với ông được. Thậm chí có thể nói rằng, chưa bao giờ quan hệ giữa Anh và Nga lại trở nên căng thẳng tới độ quyết liệt như trong vài ba năm qua. Không phải ngẫu nhiên mà người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói thẳng tuột ra rằng, Thủ tướng Johnson "rất không yêu chúng tôi và chúng tôi thì dĩ nhiên cũng không yêu ông ấy". Khi hay tin ông Johnson từ chức, phía Nga đã bày tỏ hy vọng rằng, tới một lúc nào đó, ở Anh, những chính trị gia mới lên thay thế sẽ có tính chuyên nghiệp hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cho rằng, lý do chính dẫn tới việc ông Johnson phải "giữa đường đứt gánh" trên cương vị thủ tướng chính là thái độ bài Nga quá đà, tương tự như người tiền nhiệm là bà Theresa May. "Hòn đảo sương mù" sẽ phải chịu thêm vận hạn nếu cứ tiếp tục chạy trên con đường mượn tay người khác phá đám nước Nga.
Nước Anh đang suy nghĩ để điều chỉnh chính sách cho tương lai không có Thủ tướng Johnson. Và việc này sẽ có tác động không chỉ tới tương lai của riêng "hòn đảo sương mù".
HỒNG THANH QUANG