Từ một nước gặp rất nhiều khó khăn khi mới ra đời, Trung Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt từ đứng lên, giàu lên để nay hướng tới mục tiêu trở lên hùng cường, hiện thực hóa công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa. Trong hàng thập kỷ kể từ khi cải cách, mở cửa, những cú bứt tốc thần kỳ với tốc độ tăng trưởng GDP luôn ở mức hai con số đã đưa Trung Quốc lần lượt vượt qua Anh, Đức, Nhật Bản và đang tiến gần tới mục tiêu vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới. Hiện Trung Quốc là một trong những đầu tàu của nền kinh tế thế giới, đóng góp tới gần 30% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lớn nhất trong tất cả quốc gia và cao hơn cả mức đóng góp của Mỹ, EU và Nhật Bản. 

leftcenterrightdel
 Bên ngoài Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, nơi thường diễn ra các cuộc họp quan trọng của

Trung Quốc

- Ảnh chụp màn hình Tân Hoa xã

Giờ đây, nhắc đến Trung Quốc, người ta không chỉ còn hình dung đây là “công xưởng thế giới”, mà là cường quốc công nghệ hàng đầu với những thành tựu nổi bật, như đưa người lên vũ trụ, xây dựng trạm không gian Thiên Cung, thực hiện đáp thành công tàu thăm dò vũ trụ lên bề mặt Sao Hỏa, đưa vào sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu phủ sóng toàn cầu, công nghệ đường sắt cao tốc dẫn đầu thế giới với tổng chiều dài gần 38.000km...

Đặc biệt, trong hai nhiệm kỳ gần đây, Trung Quốc đã tạo những bước tiến mạnh mẽ. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7 năm ngoái, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chính thức tuyên bố Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu “100 năm lần thứ nhất” vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921-2021), xây dựng thành công toàn diện “xã hội khá giả” trên mảnh đất Trung Hoa. Với tốc độ tăng trưởng dao động từ 6,5 đến 9%, GDP của Trung Quốc đã tăng từ 8.000 tỷ USD (năm 2011) lên 16.640 tỷ USD (năm 2021). Xét về tổng tài sản, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới với tài sản ròng lên tới 120.000 tỷ USD vào năm 2020, so với 90.000 tỷ của Mỹ. Với tầng lớp trung lưu đông đảo lên tới gần 400 triệu người, Trung Quốc là nước có số dân thu nhập trung bình lớn nhất thế giới. 

Để trở thành “xã hội khá giả”, Trung Quốc đã làm nên “chiến thắng” được coi là mang tính lịch sử, khi chỉ trong vòng 10 năm đã đưa gần 100 triệu người thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Còn nếu tính từ khi Trung Quốc đặt ra mục tiêu thoát nghèo cách đây 4 thập kỷ, số người thoát nghèo là 770 triệu. Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã đầu tư gần 1.600 tỷ nhân dân tệ cùng với hàng loạt biện pháp để xóa đói, giảm nghèo. Trong đó có chỉ đạo 14 thành phố giàu có ở miền Đông hỗ trợ 14 tỉnh, khu tự trị và thành phố nghèo ở miền Tây; 307 cơ quan trung ương hỗ trợ 592 huyện nghèo, quân đội hỗ trợ 4.100 làng nghèo tại địa bàn đóng quân... Công cuộc xóa nghèo đã trở thành biểu tượng và ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành xây dựng toàn diện “xã hội khá giả” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra.

Hoàn thành mục tiêu “100 năm lần thứ nhất”, Trung Quốc đang tiến tới mục tiêu “100 năm lần thứ hai” trở thành quốc gia hiện đại toàn diện vào năm 2049, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo kế hoạch “hiện đại hóa lần thứ 5”, Trung Quốc sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia, xây dựng Trung Quốc trở thành một “nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, hùng mạnh”, hoàn thành thống nhất đất nước và đạt được thịnh vượng chung. Trước mắt, từ nay đến năm 2035, Trung Quốc sẽ duy trì quỹ đạo tăng trưởng để thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.

Để đi tới mục tiêu đó, Trung Quốc sẽ tập trung vào mô hình phát triển “tuần hoàn kép”, kết hợp thị trường nội địa và thị trường nước ngoài, trong đó lấy thị trường nội địa là trụ cột. Thay vì tập trung vào các thị trường nước ngoài như trước đây, Trung Quốc sẽ dựa vào chính mình nhiều hơn và phát triển một nền kinh tế tập trung hơn vào nội lực để duy trì tăng trưởng. Nhằm giải phóng tiềm năng tiêu dùng, Trung Quốc sẽ tập trung mở rộng nhóm thu nhập trung bình từ 400 triệu hiện nay lên 800 triệu vào năm 2035, biến nước này thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Cùng với đó là tham vọng vượt lên trong lĩnh vực khoa học-công nghệ đặc thù của thời đại công nghệ 4.0, như trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, mạng 5G, điện toán đám mây... Đây là cuộc đua mà Trung Quốc không thể chậm chân bởi “bất cứ bên nào thắng cũng sẽ có quyền thay đổi cả thế giới”. Để trở thành cường quốc công nghệ, đóng vai trò như “trung tâm đổi mới trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới” vào năm 2030, Trung Quốc sẵn sàng chi hơn 7% GDP mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời chú trọng thu hút nhân tài khoa học từ nước ngoài vào nước này làm việc. Chương trình “Made in China” với mục tiêu nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc, bao gồm 10 lĩnh vực công nghệ cao, như đất hiếm, vật liệu đặc biệt, robot, động cơ máy bay, năng lượng mới, y học cao cấp, tàu cao tốc... nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài cũng tiếp tục được đẩy mạnh. 

Vạch ra mục tiêu của tương lai, Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ là dấu mốc lịch sử trong quá trình vươn tới hùng cường, xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt, hoàn thành công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại.

TƯỜNG LINH