Và cũng ngay lập tức, thái tử Charles được đưa lên ngai vàng với danh xưng Charles Đệ tam vì đất nước không thể một ngày thiếu vua. Tất nhiên, lễ đăng quang chính thức của Charles Đệ tam sẽ chỉ được tổ chức sau lễ tang nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị và cũng phải cần thêm một thời gian không ngắn nữa để chuẩn bị, nhưng ngay từ bây giờ, ông đã phải bắt tay vào thừa kế và phát triển những di sản do mẫu thân để lại. Và đó là một nhiệm vụ không hề đơn giản.

leftcenterrightdel
 Nữ hoàng Anh Elizabeth II tới dự một sự kiện của tàu sân bay mang tên bà HMS Queen Elizabeth ở Portsmouth, phía Nam vùng England, ngày 22-5-2021. Ảnh:TTXVN 

 

Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị, như nhiều người đã biết, sinh năm 1926, vào ngày 21-4, mặc dù sinh nhật của bà vẫn được các thần dân xứ sở sương mù, theo thông lệ của hoàng gia, kỷ niệm chính thức vào ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 6 hằng năm. Ngay từ nhỏ, công chúa Lilibeth (tên gọi thân mật của nữ hoàng tương lai) đã được chính cha mình đảm trách dạy dỗ cùng những người thầy được lựa chọn kỹ càng. Cũng từ thời thơ ấu, công chúa Lilibeth đã tỏ ra rất sáng dạ, hiếu động, say mê mọi sự và rất thích tìm hiểu các ngôn ngữ. Nhờ những cung nữ bảo mẫu người nước ngoài mà nữ hoàng tương lai ngay từ bé đã thông thạo tiếng Pháp...

Lilibeth chính thức trở thành công chúa thừa kế ngai vàng năm lên 10 tuổi (1936), khi cha cô lên ngôi vua với tên gọi George Đệ lục, thay người anh là vua Edward Đệ bát tự nguyện rời ngôi báu để lấy vợ là một phụ nữ Mỹ đã ly hôn. Năm 1947, công chúa thừa kế Elizabeth đã kết hôn với một trung úy hải quân-hoàng tử Hy Lạp Philip Mountbatten, người mà về sau bà đánh giá là “chỗ dựa suốt đời” của mình. Khi đức vua George Đệ lục qua đời vào ngày 6-2-1952, công chúa thừa kế Elizabeth đang đi thăm Kenya trong một chuyến công du chính thức đại diện cho vua cha. Từ Kenya, bà trở về Anh với tư cách nữ hoàng mới của vương quốc. Lễ đăng quang đã được tổ chức sau đó hơn một năm, vào ngày 2-6-1953...

Trong giai đoạn nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị trị vì, người dân Anh quốc đã phải chứng kiến nhiều biến động to lớn, cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế. Chỉ vài năm sau khi bà lên ngôi đã xảy ra cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, khiến Anh cùng với Pháp phải chuốc lấy thất bại chính trị hoàn toàn trong mục tiêu kiểm soát con đường giao thông cực kỳ quan trọng này. Trong những năm 60 của thế kỷ trước cũng đã diễn ra mạnh mẽ quá trình phi thực dân hóa, khiến cho số lượng các thuộc địa của London giảm mạnh.

Nếu Ấn Độ bắt đầu thoát khỏi vòng tay của Anh quốc từ khi cha bà còn trị vì thì những thuộc địa của Anh ở châu Phi đã “ly dị” với mẫu quốc chính dưới thời nữ hoàng ngồi trên ngôi báu, dẫn tới sự giải thể của đế quốc Anh. Không ít sự việc đã xảy ra như cuộc xung đột vũ trang ở Bắc Ireland hay những mâu thuẫn giai cấp và làn sóng bãi công của thợ mỏ trong giai đoạn “bà đầm thép” Margaret Thatcher làm thủ tướng. Theo dòng thời gian, vai trò của nước Anh như một siêu cường thế giới đã suy giảm không ngừng. Và việc “hòn đảo sương mù” mới đây quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) cũng không phải là sự kiện vui vẻ gì...

Mặc dù thế, trên cương vị người đứng đầu hoàng gia, nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị luôn được coi như một biểu tượng cho sự đoàn kết, cân đối, vững chãi cho “hòn đảo sương mù” và là một sự bảo đảm sáng giá cho sự tồn tại và phát triển của Khối thịnh vượng chung Anh với 54 quốc gia thành viên. Bà đã tỏ ra rất chú ý duy trì những giá trị truyền thống của đất nước, nhưng cũng nhạy bén với những thành tựu mới của khoa học công nghệ và tư duy cởi mở thời hiện đại. Mặc dù về nguyên tắc, hoàng gia Anh không chủ trương can thiệp trực tiếp vào việc điều hành quốc gia mà các chính phủ phải đảm đương, nhưng nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị không hoàn toàn “mũ ni che tai” trước các biến động xã hội. Các con số thống kê cho thấy, trong thời gian trị vì của mình, bà đã hơn 30 lần phủ quyết các dự án luật khác nhau và đó chính là việc trực tiếp điều chỉnh hành vi của các cơ quan lập pháp và hành pháp thực tế.

Tuy nhiên, với kiến thức sâu rộng và phong phú, cũng như bản tính khéo léo, anh minh, bà đã luôn duy trì được những quan hệ lành mạnh với những nhà lãnh đạo thực tế trong xã hội Anh. Bà cũng khéo léo xây dựng các mối quan hệ văn minh và hướng tới những sự tốt đẹp với lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới. Không ngẫu nhiên mà sau khi bà qua đời, nước Anh đã nhận được nhiều lời chia buồn chân tình và ít nhiều thiện cảm.

Ngay cả đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi điện chia buồn tới nước Anh với những lời lẽ hướng tới lẽ công bằng và sự thấu cảm: “Những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử gần đây của Vương quốc Anh gắn bó chặt chẽ với tên của nữ hoàng. Trong nhiều thập kỷ, nữ hoàng Elizabeth II đã nhận được sự yêu mến và tôn trọng của người dân, cũng như uy tín trên trường quốc tế...” Ai cũng biết rằng, London trong những năm gần đây, dưới các thời thủ tướng khác nhau, đã nhất quán tiến hành chính sách thù địch với Moscow. Ngay cả trong bối cảnh đó, Điện Kremli vẫn không cho rằng nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị phải có trách nhiệm lớn về sự "chẳng hay ho" này trong quan hệ giữa hai quốc gia... Có bà, nhiều sự có thể không tốt hơn lên, nhưng rõ ràng là đã đỡ trở nên phức tạp hơn.

Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị không chỉ để lại cho con cháu mình một gia tài lớn về vật chất và tinh thần. Điều quan trọng mà bà để lại cho các hậu duệ chính là di sản chính trị và một vị thế nổi bật của hoàng gia Anh trong đời sống quốc gia và quốc tế. Và điều đó cũng sẽ tạo ra những áp lực không nhỏ cho người kế vị là Charles Đệ tam. Nước Anh là quốc gia của những truyền thống. Chế độ quân chủ là một bộ phận rất quan trọng trong di sản truyền thống của nước này. Trong suốt những năm trị vì của mình, nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị hiểu rất rõ điều này và đã cố gắng hết sức mình để bảo vệ truyền thống đó. Và phải nói rằng, bà đã đạt được không ít kết quả... Sự ra đi của bà về thế giới bên kia sẽ tạo ra những hụt hẫng không dễ lấp đầy trong đời sống của hoàng gia... 

HỒNG THANH QUANG