Được tổ chức trực tiếp lần đầu tiên sau hơn hai năm gián đoạn do dịch Covid-19, AMM-55 và các hội nghị liên quan vừa diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, đã hội tụ đông đủ nhất bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và các đối tác cả trong, ngoài khu vực. Điều này cho thấy vai trò, vị trí của ASEAN, cũng như mong muốn của các nước sớm nối lại trao đổi, hợp tác với khu vực để giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu.

leftcenterrightdel
Cờ ASEAN và các nước thành viên tại trụ sở Bộ Ngoại giao. Ảnh: Tuấn Huy  

Thế giới quan tâm đến ASEAN bởi đây là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất, một hình mẫu về hợp tác đa phương đáng để học hỏi kinh nghiệm. Là cộng đồng gồm 10 quốc gia, ASEAN có hơn 662 triệu dân với tổng GDP trên 3.000 tỷ USD. Tính theo sức mua, đây là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ. Tiềm năng đó cùng những giá trị mà khu vực tạo dựng, như là một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, một không gian di chuyển và làm việc rộng mở, một cộng đồng quan tâm, đùm bọc và chia sẻ đã tạo cho ASEAN sức mạnh để vượt qua các thử thách.

Thế giới và khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, từ tác động đa chiều của dịch Covid-19, lạm phát, nguy cơ suy thoái, căng thẳng giữa các nước lớn, diễn biến phức tạp tại Myanmar, Nga-Ukraine, đến các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai... Để ứng phó, Hội nghị AMM-55 và các hội nghị liên quan đã đề xuất hàng loạt biện pháp hợp tác sâu rộng và đa dạng nhằm ngăn chặn dịch bệnh, nâng cao năng lực y tế, thúc đẩy phục hồi, tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, hợp tác tiểu vùng; đồng thời đối thoại thẳng thắn và thực chất về nhiều vấn đề như tình hình Biển Đông, Myanmar, Triều Tiên, Ukraine và eo biển Đài Loan.

Thông qua các nỗ lực này, “vai trò trung tâm” của ASEAN trong cấu trúc khu vực ngày càng nổi rõ. Trung tâm ở đây không có nghĩa là ASEAN hoặc các quốc gia thành viên ASEAN phải là động lực thúc đẩy địa chính trị hoặc địa kinh tế của khu vực, mà là vị trí của ASEAN ở trung tâm trong các nỗ lực ngoại giao của khu vực, đặc biệt trong các thể chế và đối thoại đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này có thể thấy qua việc hàng loạt hoạt động trong các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)... diễn ra trong dịp tổ chức AMM-55 đều do ASEAN chủ trì.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt, có nguy cơ gây ra những rạn nứt, đổ vỡ trong quan hệ giữa các nước lớn, sự xuất hiện cùng lúc của ngoại trưởng các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga tại các hội nghị ở Phnom Penh để cùng bàn thảo về những vấn đề hợp tác cho thấy uy tín cũng như năng lực điều phối của ASEAN. Các nước lớn đều tôn trọng vai trò của ASEAN trong dẫn dắt hợp tác khu vực. Lập trường mang tính nguyên tắc của ASEAN về hòa bình, ổn định, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, tính hiệu lực và hiệu quả của những biện pháp giải quyết tranh chấp, cùng vị trí trung lập của khối đã giúp ASEAN đóng vai trò xây dựng tích cực.

Cam kết kiên định của ASEAN đối với các nguyên tắc tương tác rộng rãi, sự chung sống hài hòa của tất cả các thành viên, bất kể sự khác biệt về hình thức chính trị, cơ cấu kinh tế và quy tắc văn hóa, văn minh, đã cho phép ASEAN tạo ra một hệ thống các cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả. Thực tế đã chứng minh rằng nếu không có một trật tự như vậy, khu vực rất dễ bị chia cắt thành phe nhóm do các cường quốc đứng đầu, dẫn đến việc thu hẹp không gian hoạt động của ASEAN. Bên cạnh đó, nếu các thỏa thuận hợp tác mở rộng của khu vực lại chỉ hạn chế theo từng nhóm các quốc gia có “cùng chí hướng”, thì sẽ còn rất ít kênh liên lạc và tương tác, mà hậu quả là mâu thuẫn và chia rẽ sẽ ngày càng sâu sắc. ASEAN đã không chệch theo hướng đó mà tìm ra cách tiếp cận theo “con đường riêng” đối với quan hệ quốc tế dựa trên sự kiên nhẫn tìm kiếm điểm chung để có thể hợp tác.

Điều này giải thích vì sao ASEAN luôn được định vị ở vị trí quan trọng trong các chiến lược và tầm nhìn của các đối tác lớn, như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ hay EU. Nhiều ngôn ngữ về các vấn đề gây tranh cãi, được phát triển lần đầu tiên trong các cuộc thảo luận của ASEAN, đã trở thành ngôn ngữ được sử dụng chung cho các nước đối tác. Đây là thành tựu đáng chú ý đối với một thể chế bao gồm các quốc gia quy mô vừa và nhỏ, dễ bị rơi vào thế thụ động trong chính sách ngoại giao của các cường quốc.

Điều đó cũng giúp ASEAN liên tục có cơ hội phát triển. Tại AMM-55, lại có thêm 6 nước gồm Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Oman, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC). Là văn kiện có ý nghĩa quan trọng của Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN, TAC phản ánh cam kết của khối trong việc giải quyết mọi bất đồng và xung đột một cách hòa bình trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và nguyên tắc không can thiệp. Việc TAC tiếp tục mở rộng không chỉ nâng tổng số quốc gia thành viên của hiệp ước này lên thành 49 nước mà còn cho thấy sức cuốn hút của ASEAN, khẳng định những định hướng của ASEAN được thế giới chia sẻ và ủng hộ.

AMM-55 đã khép lại với nhiều đóng góp thiết thực. ASEAN lại tiếp tục bền bỉ trên con đường thực hiện mục tiêu xây dựng một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”, gắn kết, bao trùm và hợp tác, đồng thời phát huy “vai trò trung tâm” trong định hình tương lai khu vực.

TƯỜNG LINH