Một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong phát biểu của các nhà lãnh đạo quốc gia là việc bảo toàn và phát triển hệ thống đa phương trong trật tự thế giới theo đúng tinh thần gốc của Hiến chương LHQ. Dù có nhiều mâu thuẫn và khác biệt đến mấy, các nước thành viên LHQ vẫn cần phải tìm ra những điểm chung, bắt tay nhau để cải thiện tình hình trên thế giới.

Không ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ trong Lễ khai mạc khóa họp 77, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thêm một lần lại tha thiết kêu gọi các nước thành viên LHQ phải đoàn kết để vượt qua mọi thách thức chung. Theo ông, những vấn đề gây đau đầu cộng đồng quốc tế kể từ khóa họp 76 đến nay vẫn không suy giảm. Đó vẫn là những cuộc xung đột và tình trạng biến đổi khí hậu, việc hệ thống tài chính toàn cầu bị gián đoạn gây ảnh hưởng tới các nền kinh tế đang phát triển, tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng cũng như sự chia rẽ và mất lòng tin lẫn nhau sâu sắc như thể chưa bao giờ thế.

Và Tổng thư ký LHQ cũng đã phải chua xót công nhận rằng, những chia rẽ chiến lược giữa các trung tâm quyền lực lớn trên thế giới trong thời gian qua không những không suy giảm mà còn có xu hướng gia tăng ngày một trầm trọng hơn. Cũng chung góc nhìn này, Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa họp 77 Csaba Korosi trong phiên khai mạc cũng đã cảnh báo: Thế giới đang chứng kiến sự phân chia địa chính trị ngày càng rộng. Điều đáng mong mỏi nhất hiện nay, như ông Csaba Korosi bắt buộc phải nhấn mạnh: "Chúng ta phải cố gắng hết sức để duy trì và bảo vệ các giá trị và nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Phải cẩn trọng trong những thời điểm hỗn loạn và bất trắc nhất này. Chúng ta phải áp dụng một cách tiếp cận phòng ngừa". Phương châm hành động xuyên suốt nhiệm kỳ một năm tới có lẽ vẫn phải là “tìm ra các giải pháp thông qua đoàn kết, khoa học và phát triển bền vững”.

leftcenterrightdel

 Khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (UNGA 77). Ảnh: The Pacific Community

Thế nhưng, trong thực tế, các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên LHQ trong các bài phát biểu của mình gần như đều phải thống nhất rằng, hố sâu ngăn cách giữa họ có vẻ như vẫn tiếp tục gia tăng. Phát biểu trước ĐHĐ LHQ ngày 21-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tiếp tục duy trì thái độ thù địch với nước Nga và gần như là đã "chan tương đổ mẻ” vào tất cả những gì mà nước Nga đang tiến hành trong chiến dịch quân sự đặc biệt của mình. Ông Biden cũng nhìn thấy ở nước Nga một “tội đồ” gây nên những khó khăn mà phương Tây đang phải đối mặt ngày một trầm trọng hơn. Tuy nhiên, những phát biểu rất gay gắt của đương kim chủ nhân Nhà trắng không lôi kéo được tất cả đại biểu tham dự khóa họp 77 này. Hiện nay, Washington không chỉ phải coi Nga như đối thủ mà ngay cả một nước lớn rất quan trọng khác trên trường quốc tế là Trung Quốc cũng đang ở thế ngày một xa lạ hơn đối với Mỹ. Không ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ ngày 23-9 cũng buộc phải thẳng thắn tuyên bố: “Trung Quốc và Mỹ là hai cường quốc, có cả lợi ích chung và sự khác biệt sâu sắc, thực trạng này không thể thay đổi"... 

Về phần mình, đại diện của LB Nga trong khóa họp 77 ĐHĐ LHQ, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thẳng thừng cho rằng, hiện nay, lĩnh vực an ninh quốc tế đang bị “suy thoái mau lẹ” và trách nhiệm về việc đó thuộc về phương Tây, những người làm mất đi lòng tin đối với những định chế quốc tế vì đã tước bỏ của chúng các diễn đàn để đối thoại và trợ giúp. Theo ông Lavrov, chính vì thế nên thường xuyên xuất hiện những thông tin giả, những vụ dựng chuyện và những trò khiêu khích. Và đáng buồn hơn vì tất cả những biến thái này lại bộc lộ cả ở trong hoạt động của LHQ.

Đại diện cao cấp của Moscow cho rằng, về bản chất, hiện nay “đang phải giải quyết vấn đề về tương lai của trật tự thế giới”, vì mô hình hầu hạ phương Tây như “một tỷ vàng” nhờ nguồn lực của châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin đang đi vào dĩ vãng. Để thay thế cho hệ thống đơn cực có thể sẽ là một “thế giới dân chủ, công bằng” với nhiều cực, không dính dáng tới các trò hù dọa, tống tiền những ai không hợp ý, không còn tồn tại chủ nghĩa phát xít mới và chủ nghĩa thực dân mới. Moscow đã, đang và sẽ ủng hộ xu thế này. 

Theo Ngoại trưởng Nga, xu thế trên hiện nay đang bị Washington và “những thế lực cầm quyền hoàn toàn gọi dạ bảo vâng ở các nước phương Tây” cưỡng lại, coi như đó là mối đe dọa với mình. Moscow coi những biện pháp cấm vận mà phương Tây đang áp đặt chống lại các đối thủ mạnh, như nước Nga chẳng hạn, là biểu hiện của một chủ nghĩa bá quyền đã lỗi thời. Ông Lavrov cũng nhận định, những năm tháng mà phương Tây thả sức can thiệp vào đời sống các quốc gia khác không ở đâu cải thiện được tình hình, cả trong lĩnh vực nhân quyền lẫn công chuyện no cơm ấm áo. Và Ngoại trưởng Nga đặt ra câu hỏi: “Hãy thử nêu ra tên đất nước mà Washington từng dùng vũ lực can thiệp vào, đã có thể mang tới một cuộc sống tốt đẹp hơn?” 

Ông Lavrov nhắc lại rằng, LHQ được thành lập không phải “để đưa nhân loại lên thiên đường, mà để cứu nhân loại khỏi địa ngục” và vì thế, cần phải trở về với cội nguồn chính sách ngoại giao của LHQ...

Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự khóa họp 77 ĐHĐ LHQ, trong các bài phát biểu của mình cũng đã không chỉ một lần nhấn mạnh tới việc Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của LHQ trong quản trị toàn cầu và điều phối các nỗ lực, giải quyết các thách thức chung. Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cũng cho rằng, cần nỗ lực xây dựng LHQ hoạt động hiệu quả hơn nữa và với đầy đủ nguồn lực để đáp ứng tốt nhất nhu cầu và mong mỏi của các quốc gia thành viên.

Dù trong bất luận tình huống nào, để thế giới không bị hủy hoại nhiều hơn nữa, các nước thành viên LHQ cần biết gạt bớt đi những mâu thuẫn và khác biệt để cùng ngồi lại với nhau chân thành và thực chất hơn, bàn luận tìm các giải pháp thoát khỏi những bế tắc đầy thù nghịch hiện nay. 

HỒNG THANH QUANG