OPEC+ là nhóm gồm 13 nước thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Arab Saudi đứng đầu với 10 nhà xuất khẩu dầu mỏ khác, trong đó có LB Nga. Vài giờ trước khi quyết định trên được đưa ra, Nhà trắng thông qua hãng tin CNN đã tán phát những tuyên bố rất cứng rắn rằng, việc cắt giảm mức khai thác “vàng đen” có thể trở thành “một thảm họa toàn diện” và “một hành vi thù địch”. Thế nhưng, bất chấp những sự đe dọa từ bên kia đại dương, đoàn tàu OPEC+ đã không từ bỏ những gì mà họ nghĩ là có thể bảo vệ được lợi ích thiết thân nhất của họ.

Vậy là cực chẳng đã, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, Jake Sullivan, đã phải vớt vát tuyên bố rằng đương kim chủ nhân của Nhà trắng Joe Biden “đã rất thất vọng” về cái mà người Mỹ cho là “một quyết định thiển cận” của OPEC+ trong giai đoạn mà nền kinh tế thế giới đang phải bươn bả đối phó với những tác động tiêu cực không ngừng từ xung đột ở châu Âu. Theo ông Sullivan, trong lúc việc duy trì ổn định mức độ cung cấp dầu mỏ có ý nghĩa tối quan trọng thì quyết định cắt giảm khai thác “vàng đen” xuống chỉ còn 3 triệu thùng/ngày sẽ tác động xấu tới những quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình hiện đang phải khốn đốn vì giá dầu mỏ không ngừng nhảy nhót lên cao. Nữ phát ngôn viên của Nhà trắng, Karine Jean-Pierre, cũng lớn tiếng buộc tội OPEC+ “đang đứng về phía nước Nga”(?)

leftcenterrightdel

Về phần mình, ngay trong ngày 5-10, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ và Khoáng sản Arab Saudi, hoàng tử Abdulaziz Bin Salman Al Saud, lại cho rằng, quyết định của OPEC+ “không phải là một hành vi xâm lược và không theo đuổi mục đích gây hại cho bất cứ ai”. Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng Reuters về việc tại sao tổ chức này lại “thông qua một quyết định không phù hợp với lợi ích của Mỹ và châu Âu”?, hoàng tử Arab Saudi tuyên bố rằng: “Đây là một câu hỏi hết sức khiêu khích. Đây không phải là một bước xâm lược. Hãy chỉ cho tôi thấy đâu là hành động thù địch”. Trong góc nhìn của OPEC+: Mức độ không rõ ràng đang phải đối mặt hiện nay vượt quá mọi sự trù liệu. Cái giá của sự khoanh tay thúc thủ sẽ rất cao nếu OPEC+ không kịp thời đưa ra những biện pháp phòng ngừa trước! Cũng chung quan điểm đó, ngày 7-10, trong bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Arabiya, Tổng thư ký OPEC Haitham Al-Ghais cũng đã kiên quyết bảo vệ quyết định ngày 5-10 của OPEC+. Ông Al-Ghais nói rõ rằng đó không phải là chuyện “tự tung tự tác” của vài ba quốc gia riêng lẻ mà là một quyết định tập thể đã được cân nhắc kỹ càng. Và quyết định đó như một sự trù liệu trước những sự cố, sẽ giúp OPEC+ bảo đảm nguồn cung đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Với OPEC+, quan trọng nhất không phải là giá cả mà là làm sao để cung và cầu thích ứng với nhau hợp lý nhất.

Moscow một mặt cũng cho rằng, việc OPEC+ ngay trong tháng 11 tới sẽ giảm khai thác "vàng đen" xuống còn 2 triệu thùng/ngày là một sự vô cùng hy hữu vì từ hơn hai năm rưỡi qua chưa ai làm như thế cả. Tuy nhiên mặt khác, cũng phải thấy rằng, quyết định đó là rất cần thiết để cân bằng lại thị trường bên ngưỡng cửa của mùa đông đang tới. Theo những dấu hiệu gần đây nhất, có lẽ sắp tới, nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm chứ không tăng.

Thực tế là sau quyết định ngày 5-10 của OPEC+, giá “vàng đen” trên thị trường thế giới ngay lập tức đã tăng mạnh với tốc độ hai con số. Washington ngay lập tức cũng phải bắt tay và xem xét những biện pháp “chữa cháy”, thí dụ như việc xuất thêm dầu mỏ từ kho dự trữ, gia tăng hoạt động khoan dầu trong nước hoặc có thể thực hiện biện pháp quyết liệt hơn như hạn chế xuất khẩu “vàng đen” chẳng hạn... Theo Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan, Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo Bộ Năng lượng ngay trong tháng tới đưa vào thị trường thêm 10 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược, bổ sung cho 180 triệu thùng đã được quyết định bán ra từ tháng 3 năm nay. Ông chủ của Nhà trắng cũng đã kêu gọi các công ty năng lượng của Mỹ giảm giá bán tại các trạm cung cấp xăng, thu hẹp khoảng cách đang còn khá lớn giữa giá bán buôn và giá bán lẻ. Thêm vào đó, sau những sự việc vừa diễn ra, Nhà trắng cũng sẽ tham vấn quốc hội về những biện pháp và quyền hạn bổ sung nhằm làm giảm ảnh hưởng của OPEC+ đối với giá năng lượng vì hơn bao giờ hết, nước Mỹ càng nhận thức ra được tầm quan trọng của việc làm suy giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập từ nước ngoài.

Thực ra, trong những sự việc đang diễn ra hiện nay, Washington trước hết phải tự trách mình đã hành động không chuẩn để giữ được uy lực cần thiết đối với những nguồn cung cấp năng lượng chính trên thế giới. Báo chí Mỹ tố cáo việc chính quyền của ông Biden đã kiềm chế nhiều dự án giúp làm tăng nguồn cung năng lượng từ chính những nguồn nội địa. Đương kim Tổng thống Mỹ từng hy vọng ông sẽ buộc được các nước Arab chiều theo ý mình trong vấn đề khai thác "vàng đen". Tuy nhiên, điều đó đã là không tưởng. Theo nhiều nhà quan sát, ngay cả việc người phát ngôn của Nhà trắng đánh giá chuyện OPEC+ giảm mức khai thác dầu mỏ vừa qua là “tự đứng về phía Moscow” cũng không phải là một động thái tích cực mà chỉ càng đẩy Washington ra xa hơn tổ chức này.

Mọi việc không hề đơn giản một chiều như bà Jean-Pierre nghĩ. Arab Saudi chẳng hạn, trong câu chuyện dầu mỏ luôn hành động trước hết từ những lợi ích thiết thân của mình. Và họ rất lấy làm tự ái khi Washington muốn chụp cho họ cái mũ “thân Nga”. Không ngẫu nhiên mà trong cuộc họp báo ngày 5-10, hoàng tử Abdulaziz Bin Salman Al Saud trách cứ hãng tin Reuters đã công bố câu chuyện bịa đặt từ một nguồn tin ẩn danh về việc dường như “có một âm mưu” giữa Arab Saudi với LB Nga. Quyết định giảm khai thác dầu không chỉ liên quan tới những dấu hiệu của một cuộc suy thoái toàn cầu mới và mục tiêu của OPEC+ muốn duy trì mức giá cao hơn 90USD một thùng. Như nhiều nhà quan sát nhận xét, quyết định đó cũng là một phản ứng kinh tế và chính trị đối với việc phương Tây muốn thiết lập giá trần đối với dầu mỏ xuất đi từ Nga. Lụt lút cả làng, những nước hiện đang tham gia vào việc bán trao tay nguồn “vàng đen” đó tất yếu cũng sẽ bị ảnh hưởng nên không có gì lạ khi họ rất đồng tình với quyết định của OPEC+ giảm khai thác “vàng đen” ngay từ tháng tới.

HỒNG THANH QUANG