Trong cuộc cạnh tranh nội bộ của Đảng Bảo thủ để tìm thủ lĩnh mới, ông Sunak đã trở thành ứng cử viên duy nhất sau khi hai gương mặt ứng cử viên nặng ký nhất là cựu Thủ tướng Boris Johnson và nữ cựu Bộ trưởng Penny Mordaunt tự nguyện rời bỏ đường đua. Theo truyền thống, thủ lĩnh đảng có đa số phiếu trong Quốc hội Anh mặc nhiên được các đồng chí của mình giới thiệu lên người đứng đầu Hoàng gia Anh (hiện nay là vua Charles Đệ Tam) mời thành lập nội các mới.

Cuộc đời khá trớ trêu vì chính bà Liz Truss từng chiến thắng tương đối dễ dàng trong cuộc chạy đua nội bộ của Đảng Bảo thủ để giành vị trí thủ lĩnh trước ông Rishi Sunak. Tuy nhiên, vai trò đầu tàu của bà Truss chỉ hai tuần sau đó đã bị rung lắc mạnh vì dự toán “ngân sách mini” do nội các đưa ra đã làm xuất hiện những chấn động trên các thị trường. Và sự gì đến đã đến.

Tuy nhiên, việc Đảng Bảo thủ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trên chính trường Anh hiện nay, dù với một đại diện mới là ông Sunak, vẫn tiếp tục gây ra thêm nhiều câu hỏi cho tương lai của “hòn đảo sương mù”. Không ngẫu nhiên mà thủ lĩnh Công đảng Anh Keir Starmer đã phải lên tiếng kêu gọi tổ chức bầu cử toàn dân: “Những người thuộc Đảng Bảo thủ không thể đối phó với những trò vô tiền khoáng hậu mà họ đã gây nên bằng cách lại bấm nút và đẩy người của họ lên đỉnh mà thiếu sự đồng tình của quốc dân Anh. Họ không có đủ thẩm quyền để lại tiến hành một thí nghiệm nữa trong nước: Anh quốc không phải hang ổ riêng của họ mà họ muốn làm gì thì làm.

leftcenterrightdel
 Tân Thủ tướng Anh

Rishi Sunak

. Ảnh: Rishi Sunak

Quốc dân Anh tương xứng để tham gia tạo lập tương lai cho mình một cách thích đáng. Chúng ta cần phải có cơ hội để bắt đầu một cuộc đời mới. Chúng ta cần một cuộc bầu cử toàn dân. Ngay lập tức!”. Tất nhiên, với một vương quốc tôn trọng tới sùng kính các truyền thống thì những cuộc đảo chiều ngoạn mục như thủ lĩnh Công đảng mong muốn sẽ không thể diễn ra.

Cũng phải thấy rằng, nước Anh chỉ trong vòng 6 năm gần đây (2016), kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về quá trình Brexit cũng đã phải chịu liên tiếp “ách thống trị” của 4 đời thủ tướng thuộc Đảng Bảo thủ (David Cameron, Theresa May, Boris Johnson và Liz Truss). Ở thời điểm hiện nay, nền kinh tế Anh đã bị đẩy tới điểm tối nguy cấp. Dù ai sẽ vào làm chủ ngôi nhà số 10 phố Downing thì cũng vẫn sẽ phải đối mặt với hàng loạt những thách thức cực kỳ nghiêm trọng mà phần lớn trong số đó đều do các chính trị gia của Đảng Bảo thủ gây nên.

Ngày hôm nay luôn bắt đầu từ ngày hôm qua và lâu hơn nữa. Trong những thập niên gần đây, cứ sau mỗi một đời thủ tướng thì “hòn đảo sương mù” lại càng ngày một trở nên yếu hơn, nghèo hơn và bị chia rẽ sâu sắc hơn. Lỗi của bà Truss trên cương vị lãnh đạo nội các chỉ là khiến cho nước Anh quá mau lẹ rơi vào thảm trạng sốc nặng và tê liệt. Không ngẫu nhiên mà Tạp chí The Atlantic cho rằng, tai họa đối với nước Anh hiện đại đã nảy sinh từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là thời điểm mà “bà đầm thép” Margaret Thatcher bàn giao quyền lực cho thủ tướng kế nhiệm John Major. Ở thời điểm đó, nền kinh tế Anh đã hồi phục phong độ hơn bất cứ lúc nào kể từ những năm 60 của thế kỷ 20. Thế nhưng, khi ông Major chuyển ghế thủ tướng cho ông Tony Blair thì danh tiếng của Đảng Bảo thủ trong điều hành kinh tế đã bị tổn thất khá nặng nề. Chính ông Major đã ký hiệp ước châu Âu mới tạo ra một điểm nóng định mệnh trong chính trái tim thành viên của nước Anh ở Liên minh châu Âu (EC). Sự thỏa hiệp của ông này đã cho phép “hòn đảo sương mù” có mặt trong EC nhưng vẫn phải ở bên ngoài hệ thống đồng tiền chung Euro.

Tất nhiên không nên đổ mọi tai họa đương đại của nước Anh cho một mình ông Major vì những đảng viên Đảng Bảo thủ kế nhiệm ông này trong ngôi nhà số 10 phố Downing đã có đủ thời gian và cơ hội để sửa chữa những sơ sẩy mà người tiền nhiệm để lại một cách thích đáng. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra trong giai đoạn cầm quyền của những “người nhỏ bé”, thuật ngữ mà báo chí Anh sử dụng để chỉ những người đứng đầu nội các sau bà Thatcher trên nước Anh. Và nước Anh tới năm 2010, khi ông David Cameron trở thành thủ tướng, đã không thể cưỡng lại được tình trạng ngày càng trở nên suy kiệt hơn. Và cũng theo Tạp chí The Atlantic, khi ngồi vào ghế chủ xị trong ngôi nhà số 10 phố Downing đầu tháng 9 vừa qua, bà cựu Ngoại trưởng Truss đã không hình dung hết được những thiệt hại mà các đời thủ tướng thuộc Đảng Bảo thủ trước bà trong suốt 12 năm qua đã gây nên cho nước Anh to lớn nhường nào. Và bà cũng không biết rằng đảo quốc của bà đang ở trong tình trạng kiệt quệ và dễ bị tổn thương đến mức độ nào. Vì vậy, những quyết sách tưởng như chứa đựng rất nhiều quyết tâm và năng lượng của bà trong điều hành kinh tế đã nhãn tiền gây ra những rối loạn mù mịt chưa từng có. Thêm vào đó, thái độ thù địch nhất quán và quyết liệt của bà trong quan hệ với nước Nga càng làm trầm trọng hơn những khủng hoảng xã hội trên chính “hòn đảo sương mù”. Đời sống người dân lâm vào những khó khăn chồng chất. Thể trạng nước Anh rất khó có thể cải thiện với thêm một thủ lĩnh cũng là “người nhỏ bé” như thế. Và về thực chất mà nói, do thời gian cầm quyền của nữ thủ tướng quá ngắn nên bà cũng chỉ là “người đổ vỏ” cho 3 đời thủ tướng tiền nhiệm!

Nhiều nhà quan sát cho rằng, dù ông Sunak đã trở thành thủ tướng mới của Anh thì cũng vẫn sẽ rất khó xuất hiện những thay đổi căn bản trong cách ứng xử của London đối với Moscow vì chính cách nhìn nhận đầy thiên vị của các chính trị gia Anh đối với Ukraine. Trong thời gian vận động tranh cử, ngay cả ông Sunak cũng đã từng đưa ra những phát biểu gay gắt về nước Nga. Và nếu thủ tướng mới không tập trung tâm lực của mình cho việc giải quyết các vấn đề đang tạo sức ép to lớn đối với sự phát triển và thịnh vượng của nước Anh mà cứ mải mê theo đuổi những kế hoạch “bình thiên hạ” theo kiểu ôm rơm rặm bụng như những người tiền nhiệm thì hẳn chính trường nước Anh sẽ còn phải bất ổn định thêm nhiều nữa.

HỒNG THANH QUANG