Nó khẳng định những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ QCN, quyền công dân theo hiến pháp và pháp luật, đồng thời thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về QCN.
Đây cũng là minh chứng khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả lĩnh vực. Sự kiện này cho thấy thế giới không chỉ đánh giá tích cực những đóng góp mà còn kỳ vọng vào vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy QCN trên thế giới.
|
|
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)
|
Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy QCN là chính sách nhất quán của Việt Nam. Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm QCN được đặt ở vị trí trung tâm; mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều hướng đến mục tiêu cao nhất vì con người, cho con người.
Để có cơ sở pháp lý thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm QCN, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hầu hết công ước quốc tế về QCN do LHQ và các tổ chức quốc tế ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về QCN và 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Với các công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.
Cùng với việc tham gia các điều ước quốc tế về QCN, Việt Nam tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về QCN. Đến nay, trên tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, QCN, quyền công dân đã có luật điều chỉnh và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ QCN ở Việt Nam. Bộ luật cơ bản này đã dành hẳn một chương riêng về “QCN, quyền và nghĩa vụ công dân”, cho thấy QCN ở Việt Nam đã thực sự trở thành quyền hiến định.
Trong nỗ lực bảo đảm QCN của Việt Nam, điểm nổi lên là quan điểm “người dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể”, mọi chính sách đều phải hướng tới nhân dân. Chủ trương xuyên suốt này được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, đặc biệt là trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội công bằng, hướng tới mọi đối tượng. Mục tiêu vì dân đã đưa đến những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cuộc sống của người dân, sự công bằng, an toàn và an sinh xã hội. Sau hơn 35 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với tổng sản phẩm nội địa (GDP) chỉ 14 tỷ USD (năm 1985), Việt Nam đã đưa tổng GDP vượt lên mức 368 tỷ USD vào năm 2021, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Với tỷ lệ người nghèo giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020), Việt Nam được LHQ coi là điểm sáng về phát triển con người, nhất là trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, công bằng và tiến bộ xã hội.
Đặc biệt, những kết quả, thành tích mà Việt Nam đạt được trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và kinh tế toàn cầu suy thoái khiến thế giới phải ngạc nhiên và đánh giá cao. Không phải là nước giàu có, điều kiện y tế còn nhiều thiếu thốn nhưng trong thử thách khắc nghiệt này, Việt Nam lại nổi lên như một hình mẫu mà thế giới nhắc tới với những chủ trương đầy tính nhân văn: “Sức khỏe, tính mạng con người là trên hết”; “Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Song hành với tiến trình hồi phục, phát triển kinh tế phải là công bằng xã hội”.
Có thể nói, với người dân Việt Nam, nhân quyền không phải là khái niệm trừu tượng, những câu chữ trong các văn bản mà là tiêu chí sống, môi trường sống, được hiện thực hóa qua các giá trị vật chất-tinh thần mà tất cả người dân đều được thụ hưởng. Nhân quyền không chỉ thể hiện qua quan niệm, chủ trương, chính sách mà còn hiển thị qua những việc làm thiết thực để QCN thật sự trở thành giá trị xã hội, tài sản của nhân dân.
Bên cạnh việc bảo đảm QCN ở trong nước, Việt Nam còn chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ, thúc đẩy QCN trên thế giới. Nhiều sáng kiến mang bản sắc riêng mà Việt Nam khởi xướng hoặc đồng bảo trợ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử; xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng QCN...
Với việc lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ có điều kiện đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì QCN. Trong nhiệm kỳ 2023-2025, với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các QCN-cho tất cả mọi người”, Việt Nam sẽ cùng với các nước thành viên của Hội đồng Nhân quyền tham gia thúc đẩy những sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
Điều này không chỉ góp phần giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các QCN, quyền công dân ngày càng tốt hơn. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam hiện thực hóa chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
TƯỜNG LINH