Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Hội nghị Paris là bài học tiêu biểu về kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Trong suốt quá trình đàm phán tại Paris, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cũng đã tranh thủ được sự đồng tình của dư luận quốc tế, kể cả dư luận tiến bộ Mỹ, góp phần tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam.
Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có những giai đoạn truyền thông quốc tế đánh giá còn mờ nhạt, chưa rõ ràng về cuộc chiến đấu giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn diễn ra Hội nghị Paris, chúng ta đã phát huy được tinh thần chính nghĩa, sức mạnh chiến trường, sức mạnh truyền thông và đấu tranh dư luận, giúp truyền thông quốc tế hiểu rõ thêm rằng đây là cuộc kháng chiến giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam.
Tại cuộc đàm phán, hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã làm rõ trước thế giới lập trường: Mỹ đưa quân vào Việt Nam gây chiến tranh, vì vậy Mỹ phải rút quân vô điều kiện. Mục tiêu trước sau như một là độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, nước Việt Nam là một, người Việt Nam dù ở miền Nam hay miền Bắc đều có quyền và nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược. Những lý lẽ trên đã tỏa đi khắp các nước, khơi dậy tình cảm mến phục đối với một dân tộc nhỏ dám đứng lên chống lại nước lớn để bảo vệ quyền được sống trong độc lập, tự do.
Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam giai đoạn này đã vượt lên trở thành tiếng nói của chính nghĩa, vì lương tri, phẩm giá của con người, có giá trị thức tỉnh nhân loại tiến bộ. Vì thế, chưa ở đâu và chưa bao giờ trong lịch sử thế giới, phong trào đoàn kết quốc tế vì một quốc gia lại có sức mạnh như thế. Một phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn đã hình thành bao gồm không chỉ người cộng sản mà còn là những người yêu chuộng hòa bình, kể cả người “có thành kiến với cộng sản”, “không tán thành chủ nghĩa xã hội”. Một số chính phủ nước tư bản cũng đứng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Trong suốt thời gian dài diễn ra cuộc đàm phán tại Paris, có thể nói không có tuần nào, tháng nào mà không có các cuộc mít tinh, biểu tình hay các hoạt động khác đoàn kết với Việt Nam diễn ra tại các nước châu Âu. Phong trào ủng hộ Việt Nam nở rộ và dâng cao với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Những “Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam”; những ngày, tuần, lễ, tháng hành động vì hòa bình ở Việt Nam, “Con tàu cho Việt Nam”... được tổ chức khắp nơi, từ Pháp, Italy, Đức đến Thụy Sĩ, Anh...
Ngay tại Mỹ, các cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Hãy đem chiến tranh về trong nước” diễn ra trên quy mô lớn, quy tụ mọi tầng lớn nhân dân tham gia, có lúc đã làm tê liệt cả bộ máy chính quyền và các hoạt động bình thường trong xã hội. Báo chí Mỹ mô tả: “Đây là phong trào chống chiến tranh không những chưa từng có ở Mỹ, mà cũng chưa từng có trong lịch sử nhân loại”. Phong trào chống chiến tranh phát triển ngay trong Quốc hội Mỹ. Chính Quốc hội Mỹ đã nhiều lần thông qua nghị quyết cắt giảm chi phí chiến tranh, đòi rút quân Mỹ về nước.
Trong thành công của Hội nghị Paris còn phải nhắc đến vai trò của Đảng Cộng sản Pháp (PCF), một lực lượng chính trị rất mạnh ở Pháp lúc bấy giờ. PCF đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ vô điều kiện, sự ủng hộ của tình đồng chí, tình anh em. PCF đã chuyển toàn bộ Trường đảng Trung ương Maurice Thorez đi nơi khác để nhường địa điểm cho đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng suốt 5 năm, đồng thời cử nhiều đảng viên của đảng đến phục vụ 2 phái đoàn của ta như lái xe, nấu ăn, gác cổng... Ngoài sự giúp đỡ to lớn về vật chất, PCF còn tích cực tập hợp các lực lượng chính trị và nhân dân Pháp ủng hộ các cuộc kháng chiến của ta và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Liên tục trong 5 năm, PCF đã thường xuyên tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, hội họp để ủng hộ lập trường của các đoàn đàm phán của ta. Phía Pháp bố trí các cuộc họp giữa các đoàn tại Trung tâm hội nghị quốc tế trên phố Kleber, nằm cách Khải Hoàn Môn vài trăm mét. Trong lịch sử của Trung tâm hội nghị quốc tế Kleber, chưa có cuộc thương lượng quốc tế nào chiếm dụng phòng họp của Trung tâm liên tục gần 5 năm như cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ.
Sau này, nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel đã làm một bộ phim truyền hình “Cuộc chiến tranh Việt Nam: Ở trong tâm của các cuộc đàm phán bí mật”. Ông chia sẻ: “Tôi muốn chỉ ra rằng khát vọng hòa bình đã chiến thắng thế nào. Hiệp định Paris ký ngày 27-1-1973 là một câu chuyện thần kỳ, là kết quả của một quá trình thương lượng đối mặt giữa 4 bên trong gần 5 năm. Câu chuyện ấy còn kỳ diệu ở tình đoàn kết giữa đoàn miền Bắc với người dân ở Choisy Le Roi, hoặc ở gần đó, những người đã đón tiếp đoàn trong những bữa cơm gia đình; ở tình cảm của những người bạn Pháp, người phục vụ đoàn, người lái xe, người bảo vệ, đội y tế... Đó là những thời điểm kỳ lạ, đó là hàng trăm người trong 5 năm đã giúp đỡ đoàn miền Bắc, miền Nam, như một gia đình thực sự”.
Bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Việc Hiệp định Paris được ký kết đã góp phần quan trọng vào nỗ lực tạo nên bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, từng bước buộc Mỹ phải đi vào giải pháp, chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, hoàn thành mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút”. Với việc buộc Mỹ phải rút hết, trong khi ta duy trì được hoàn toàn lực lượng, Hiệp định mở ra một cục diện mới, so sánh lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về ta để tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đánh giá về sự kiện ký kết Hiệp định Paris, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio cho rằng đây là “chiến thắng vĩ đại của Việt Nam, của một đất nước từng đánh gục thực dân Pháp, đánh bại luôn đế quốc Mỹ”. Giáo sư Pierre Asselin, tác giả cuốn sách “Nền hòa bình mong manh: Washington, Hà Nội và tiến trình của Hiệp định Paris”, thì bày tỏ: “Tôi thật sự ngưỡng mộ về tài trí của Việt Nam trong quá trình đàm phán ở Paris, nó góp phần giúp tôi hiểu được vì sao người Việt Nam luôn tự hào về chiến thắng”.
Nói về Hiệp định Paris, Báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô viết: “Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam sẽ đi vào lịch sử như một trong những trang anh hùng nhất của cuộc đấu tranh giải phóng trên toàn thế giới”. Tổng thống nước Cộng hòa Cuba Osvaldo Dorticós đánh giá: “Đây là thắng lợi của cuộc đấu tranh trên 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao trong sự nghiệp anh hùng của nhân dân Việt Nam mà chúng tôi coi là sự nghiệp chung của các dân tộc trên toàn thế giới”. Chính phủ Chile thì cho rằng: “Chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam làm cho những nguyên tắc về chủ quyền và danh dự dân tộc thắng lợi”. Cựu Tổng thống Chile Salvador Allende khẳng định: “Sự kiện lịch sử này là một thắng lợi lớn của nhân dân Việt Nam và không có gì có thể ngăn cản được việc thống nhất đất nước Việt Nam”. Còn Chính phủ Algeria đánh giá: “Là thắng lợi về mặt chính trị và quân sự của một dân tộc vĩ đại. Đó là một trang chói lọi trong lịch sử của các dân tộc bị áp bức, thể hiện yêu cầu của họ được tham gia quyết định vận mệnh của loài người”.
|
|
Quang cảnh khi đoàn Việt Nam đến họp tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kleber. Ảnh tư liệu |
Khi Hiệp định Paris được ký kết, Tổng thống Mỹ Richard Nixon cho rằng, với việc ký Hiệp định, Mỹ đã đưa được hết quân Mỹ và tù binh Mỹ trở về, đồng thời vẫn duy trì được chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Nguyễn Văn Thiệu, với sự trợ giúp về quân sự, kinh tế của Mỹ. Nhưng 20 năm sau, năm 1993, Richard Nixon đã phải thừa nhận với nữ thư ký Monica Crowley rằng: “Khi nhìn lại, tôi nghĩ rằng khuyết điểm lớn nhất của Hiệp định hòa bình Paris năm 1973 là những điều khoản ngừng bắn cho phép quân đội Bắc Việt Nam được ở lại trong một số lãnh thổ của Nam Việt Nam mà họ chiếm được”.
Trong cuốn sách “Khoảng cách thời gian vừa phải” (Decent Interval), quan chức tình báo CIA tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh là Frank Snepp thừa nhận: “Hiệp định Paris thực sự chỉ là một hình thức bỏ chạy của Mỹ. Điều duy nhất được đảm bảo sẽ xảy ra là sự triệt thoái của Mỹ ra khỏi Việt Nam vì điều này chỉ cần một hành động đơn phương của Mỹ”. Nhà sử học Mỹ George C. Herring trong cuốn: “Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ” thì khẳng định: “Kết quả đạt được của Hiệp định quả thực là một sự trả giá quá đắt đối với Mỹ, ảnh hưởng to lớn đến niềm tin của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới vào uy tín, sức mạnh của siêu cường này... Mỹ đã ra khỏi cuộc chiến tranh với hình ảnh rất nhem nhuốc trong con mắt của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ”.
TƯỜNG LINH