Dấu mốc đáng nhớ này được kỷ niệm tại Hội nghị cấp cao ASEAN-EU diễn ra ngày 14-12, tại Brussels (Bỉ). Đây là lần đầu tiên ASEAN và EU phối hợp tổ chức hội nghị cấp cao kỷ niệm quan hệ hai bên và việc nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN và EU cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu gặp gỡ nhau là sự kiện mang tính lịch sử, chưa từng diễn ra trong quá khứ.

Trên thế giới không ít các mô hình liên kết khu vực, nhưng hiếm có tổ chức khu vực nào hợp tác thành công như ASEAN và EU. Năm 1977, ASEAN và EU thiết lập quan hệ đối thoại, sau đó chính thức thể chế hóa với việc ký Hiệp định hợp tác ASEAN-Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) vào năm 1980. Năm 2007, với việc thông qua Tuyên bố Nuremberg, quan hệ đối thoại ASEAN-EU được nâng lên thành quan hệ đối tác tăng cường. Tiếp đà phát triển tích cực, tháng 12-2020, ASEAN và EU chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Hiện nay, EU là đối tác toàn diện nhất của ASEAN với khoảng 20 diễn đàn đối thoại khác nhau.

leftcenterrightdel
Hai bên đang phối hợp triển khai kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU giai đoạn 2023 - 2027. Ảnh: EU 

 

Chặng đường dài nhiều thách thức nhưng luôn hướng theo chiều tích cực kể trên là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hợp tác ASEAN-EU ngày càng toàn diện, năng động, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai khu vực, cũng như trên toàn cầu. Đây là hệ quả tất yếu từ thực tế ASEAN và EU là hai đối tác tự nhiên chia sẻ nhiều mối quan tâm và nguyên tắc chung, đặc biệt là mong muốn gắn kết, cùng nhau vươn tới thịnh vượng. 

Với ASEAN, sự tham gia ngày càng sâu rộng của EU vào Đông Nam Á được các nước trong khu vực chào đón bởi những lợi ích kinh tế, những quy chuẩn cao, phù hợp xu thế về phát triển bền vững, môi trường, luật pháp, thể chế, cùng những cam kết của EU bảo vệ vị trí trung tâm và ủng hộ tiến trình hội nhập của ASEAN. Những điều này đã thúc đẩy ASEAN coi EU là một trong những đối tác đáng tin cậy, khuyến khích EU hợp tác vì các mục tiêu của Hiệp hội trên cơ sở tăng cường lòng tin, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, qua các cơ chế do ASEAN chủ trì.

Trong khi đó, với EU, đối tác chiến lược với ASEAN mở ra cho tổ chức này những không gian rộng lớn để tăng cường ảnh hưởng trong các lĩnh vực như an ninh-chính trị, kinh tế-thương mại, giao lưu nhân dân... Thêm vào đó, với mục tiêu tăng cường “tự chủ chiến lược” trong chiến lược toàn cầu mới, EU quan tâm gắn kết với ASEAN bởi điều này gia tăng khả năng hành động của EU, giúp bảo vệ lợi ích của EU trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chính sự gắn kết tự nhiên bởi lợi ích song trùng đã giúp quan hệ ASEAN-EU phát triển theo cấp số nhân trong 45 năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Dù cách xa về địa lý, hai bên đã kết nối chặt chẽ với nhau. Hiện tại, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của ASEAN. Theo số liệu của ASEAN, năm 2021, tổng trị giá thương mại hai chiều đạt 268,9 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2020; tổng số vốn đầu tư của EU vào ASEAN là 26,5 tỷ USD, tăng 42,9% so với năm 2020.

Không dừng ở hợp tác phát triển và hỗ trợ kinh tế, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như chính trị-an ninh. Hai tổ chức thường xuyên trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, cùng chia sẻ nhận thức về việc cần bảo đảm một môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, tạo thuận lợi cho mục tiêu phát triển kinh tế. Mặc dù không phải là các cường quốc an ninh lớn nhưng EU và ASEAN vẫn có thể tìm được con đường hiệu quả trong quan hệ đối tác chiến lược, đạt được thống nhất về các vấn đề an ninh phi truyền thống như chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo, an toàn thực phẩm, quản lý thiên tai và dịch bệnh...

45 năm kết nối ASEAN và EU đã mang lại cho mối quan hệ này tầm vóc chiến lược. Vấn đề là làm sao nâng tầm chiến lược của mối quan hệ đối tác này trong tương lai. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-EU lần này tại Brussels, Bỉ, hai bên thông qua Tuyên bố chung khẳng định các định hướng lớn thúc đẩy quan hệ tiếp tục phát triển. Trong thời điểm địa chính trị căng thẳng và bất ổn như hiện nay, hội nghị không chỉ củng cố thêm mối quan hệ song phương EU-ASEAN mà còn gửi một thông điệp rằng, EU và ASEAN “cùng nhau lựa chọn hợp tác thay vì gia tăng cạnh tranh”.

Là một trong những thành viên nòng cốt của ASEAN, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong việc hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU. Tại các hội nghị của hai khu vực, Việt Nam luôn khẳng định thông điệp mạnh mẽ là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay với các nước để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết đối với các thách thức cấp bách, mang tính toàn cầu, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trong hợp tác ASEAN-EU, Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của khối trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương.

Thách thức phía trước không ít nhưng nền tảng của mối quan hệ ASEAN-EU là tiềm năng của một cộng đồng 37 quốc gia với 1,1 tỷ người, chiếm tới 23% GDP toàn cầu, đang kết nối với nhau chặt chẽ; là triển vọng của những không gian hợp tác rộng lớn đang mở ra với hai khu vực, từ kết nối hạ tầng cứng và mềm, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, thương mại bền vững đến chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu... Nhưng trên hết, thành quả của hành trình hợp tác và gắn kết 45 năm sẽ là hành trang quan trọng nhất để quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU tiếp tục tiến xa.

TƯỜNG LINH