Một lần nữa, vũ khí trừng phạt lại được đem ra áp đặt với mục tiêu làm suy giảm tiềm lực kinh tế của Nga. Biện pháp chưa từng có tiền lệ này được khởi xướng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6-2022. Theo đó, dầu lửa Nga sẽ bị áp giá trần và các nước chỉ có thể mua dầu của Nga với mức ngang bằng hoặc thấp hơn giá trần.

Hiện nay, khoảng 95% đội tàu chở dầu toàn cầu mua bảo hiểm thông qua Nhóm câu lạc bộ bảo vệ và bồi thường quốc tế, một tổ chức có trụ sở tại London, Anh. Bởi tổ chức này hoạt động theo luật pháp châu Âu, nên phương Tây có thể ép buộc các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được cung cấp bảo hiểm cho những lô hàng dầu thô của Nga nếu chúng được bán từ mức giá trần trở xuống. 

leftcenterrightdel
 Chất phụ gia được bơm từ bồn chứa tại nhà máy lọc dầu của Công ty MOL ở Hungary - một thành viên của EU - Ảnh: AFP

 

Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới với sản lượng khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 12% nguồn cung toàn cầu. Khoảng 70-85% khối lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu. Một khi giá trần được áp đặt, các đầu mối nhập khẩu dầu muốn mua bảo hiểm sẽ phải đưa ra bằng chứng rằng họ mua dầu của Nga với mức giá bằng hoặc thấp hơn mức trần, bất cứ ai không tuân thủ quy tắc này sẽ bị trừng phạt.

Trong toan tính của châu Âu, “con bài” giá trần chẳng khác nào “một mũi tên trúng hai đích”. Trước hết, việc áp giá trần thấp hơn giá thị trường sẽ giáng một đòn mạnh về tài chính với Nga bởi nguồn thu từ xuất khẩu dầu sụt giảm. Nga được cho là cần bán dầu với giá 60-70USD/thùng để cân bằng ngân sách, mức này được gọi là “điểm hòa vốn tài chính”. Nếu giá trần được thiết lập khoảng 50USD/thùng, nó sẽ gây cho Nga nhiều khó khăn vì nguồn thu sụt giảm. Nga lại khó có thể ngừng xuất khẩu dầu bởi dầu mỏ chiếm tới 20% tổng sản phẩm quốc nội và 40% ngân sách của nước này. Thế kẹt đó buộc Nga phải tính toán thiệt hơn trước những yêu sách mà phương Tây đưa ra liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, với “chiếc van” giá trần trong tay, phương Tây có thể điều chỉnh độ mở khi cần thiết. Thị trường dầu lửa thế giới chẳng những không bị gián đoạn bởi nguồn cung từ Nga, mà còn bớt bị chao đảo bởi giá lên xuống thất thường.

Một kịch bản được dàn dựng hoàn hảo, nhưng việc hiện thực hóa không phải là điều dễ dàng. Ngay trong quá trình bàn thảo, nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đã bị chia rẽ sâu sắc. Trong khi Ba Lan, Lithuania và Estonia cho rằng mức giá đề xuất hiện là quá cao và sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho Nga, thì Cyprus, Hy Lạp và Malta, những nước mà ngành vận tải đường biển có nguy cơ thua lỗ nếu hoạt động vận chuyển dầu xuất khẩu của Nga bị cản trở, lại cho rằng mức giá này là quá thấp và yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại mà những nước này phải gánh chịu. 

Nhiều nhà phân tích thì cho rằng kịch bản của châu Âu không tính hết phản ứng của Nga. Châu Âu từng tin rằng Nga sẽ không dám cắt khí đốt sang các đối tác EU không chịu thanh toán bằng đồng ruble bởi sẽ mất nguồn thu. Nhưng thực tế cho thấy, bất cứ quốc gia nào không đáp ứng yêu cầu thanh toán của Moscow đều đã bị cắt nguồn cung. Không những thế, Nga còn biến khí đốt thành “con bài” trong cuộc đối đầu với các lệnh trừng phạt của châu Âu. Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng là đối tác mua nhiều năng lượng nhất của Moscow, đang lao đao bởi dòng khí đốt từ Nga bị cắt giảm mạnh. Hiện Nga cảnh báo sẽ không xuất khẩu năng lượng cho các nước áp dụng cơ chế bắt buộc hạn chế giá mua. 

Nga cũng có không ít giải pháp để né biện pháp trừng phạt của châu Âu. Các đội tàu vận chuyển dầu Nga có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm của Nga để lách quy định giá trần. Các nhà cung cấp bảo hiểm trong nước như Ingosstrakh và Công ty Tái bảo hiểm quốc gia đã bắt đầu cung cấp các hợp đồng bảo hiểm cho những tàu vận chuyển dầu của Nga. Công ty nhà nước Sovocomflot của Nga hiện sở hữu hàng chục tàu chở dầu, có thể đáp ứng một phần nhu cầu vận chuyển dầu thô của nước này. 

Một trở ngại nữa đối với thành công của phương án áp giá trần là làm sao thuyết phục được những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga hiện nay là Trung Quốc và Ấn Độ tham gia vào kế hoạch chung của châu Âu. Với mối quan hệ truyền thống về kinh tế và an ninh, lại đang được mua dầu thô của Nga với mức chiết khấu khá lớn so với dầu chuẩn Brent, không lý do gì Bắc Kinh và New Delhi lại phá bỏ tình thân với Moscow chiều theo ý muốn của phương Tây. Không như mong muốn của Mỹ và châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ lại đang gia tăng mua dầu của Nga.

Việc áp đặt biện pháp phi thị trường là giá trần cũng khó có thể nhận được sự ủng hộ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và các đối tác (OPEC+). Chiếm tới 40% tổng lượng dầu thô của thế giới, OPEC+ có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều tiết giá dầu thế giới. OPEC+ không muốn vai trò của mình bị đe dọa bởi tác động từ yếu tố bên ngoài. Mức giá trần thấp với dầu của Nga có thể đe dọa lấy mất thị phần của các nhà sản xuất dầu khác trong OPEC+, khiến tổ chức này bị xáo động. Trên thực tế, OPEC+ luôn tỏ ra độc lập trong các quyết sách của mình. Với vai trò đứng đầu OPEC+, Saudi Arabia từng bác bỏ yêu cầu của Mỹ và châu Âu đòi tăng sản lượng để kìm hãm giá dầu vì cho rằng điều đó không hợp lý.

Áp giá trần dầu Nga thực sự đang là kịch bản “nói dễ hơn làm”. Tác động tiêu cực tiềm ẩn của nó đến thị trường năng lượng thế giới khiến người ta không thể không thận trọng.

TƯỜNG LINH