Tuần trước, các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc hai ngày đàm phán thương mại ở Geneva, Thụy Sĩ, với thỏa thuận dỡ bỏ và đình chỉ một số biểu thuế quan. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bùng phát vào tháng 2-2025 sau loạt động thái tăng thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến Bắc Kinh đáp trả mạnh mẽ. Trong khi Mỹ áp thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, thì Bắc Kinh trả đũa với mức thuế 125% nhằm vào hàng hóa của Mỹ.
Không khó để hiểu lý do áp thuế của Mỹ. Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Mỹ là trụ cột của nền kinh tế thị trường tự do trên thế giới. Nước Mỹ đã thúc đẩy thương mại tự do và thị trường mở, đồng thời dẫn đầu nỗ lực xây dựng hệ thống thương mại đa phương. Chính điều đó đã mang lại lợi ích cho thế giới, đồng thời góp phần vào sức mạnh kinh tế của chính nước Mỹ. Sau đại dịch Covid-19, Mỹ cũng là nước phục hồi nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế phát triển nào khác. Nói một cách khách quan, Mỹ vẫn duy trì sức mạnh kinh tế vượt trội so với các đối thủ.
    |
 |
Tàu container của Trung Quốc cập cảng Long Beach, Mỹ, ngày 28-4-2025. Ảnh: Bloomberg
|
Nhưng không phải tất cả người Mỹ đều có chung cảm nhận như vậy về nền kinh tế của họ. Những thị trấn hoang tàn xuất hiện tại các vùng công nghiệp từng một thời hưng thịnh vì sản xuất đã được chuyển ra nước ngoài do giá nhân công rẻ hơn. Hệ quả là nhiều người Mỹ mất việc, thu nhập trì trệ. Họ ngày càng tin rằng nền kinh tế Mỹ đã suy yếu một cách căn bản, cần phải có thay đổi.
Tình hình càng căng thẳng hơn khi tính đến quý I-2025, tổng nợ công của Mỹ đã lên tới con số kỷ lục là 36.000 tỷ USD. Chỉ riêng chi phí trả lãi hằng năm đã vượt quá 1.000 tỷ USD, cao hơn cả ngân sách quốc phòng của Mỹ. Thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước trong năm 2024 cũng lên tới con số khổng lồ 1.200 tỷ USD, riêng với Trung Quốc là 361 tỷ USD. Chính giới Mỹ ngày càng có cảm giác rằng họ đã nhượng bộ quá nhiều khi để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), rằng Trung Quốc đã cạnh tranh không công bằng khi trợ cấp nhiều cho công ty trong nước, dựng rào cản phi thuế quan và hạn chế công ty Mỹ tiếp cận thị trường nước này.
Đây chính là động cơ thúc đẩy ông Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và “cầu viện” tới thuế quan xuất nhập khẩu, coi nó như một thứ “phao cứu sinh” tối thượng, vừa để tái cấu trúc nền kinh tế Mỹ, vừa tái định hình thương mại thế giới. Thông qua “cuộc chiến” thuế quan, Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc, gây sức ép buộc Bắc Kinh từ bỏ điều mà Mỹ cho là mô hình kinh tế thiên về xuất siêu, đồng thời thúc đẩy nước này đóng góp nhiều hơn vào tiêu dùng toàn cầu.
Trong cuộc đối đầu thuế quan này, Mỹ có nhiều thế mạnh. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính khoảng 16 triệu việc làm của Trung Quốc gắn liền với việc sản xuất các sản phẩm cho thị trường Mỹ. Sau khi Mỹ áp thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, xuất khẩu của nước này sang Mỹ trong tháng 4 vừa rồi giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Do cuộc chiến thương mại, nhiều công ty Mỹ đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc hay cân nhắc phân tán chuỗi cung ứng để tránh rủi ro, không để tập trung quá mức ở Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc không phải là đối thủ dễ chơi. Sau động thái tăng thuế của Washington nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh ngay lập tức áp thuế đáp trả. Trung Quốc cho rằng hành động của Mỹ là sự can thiệp từ bên ngoài, đồng thời đề nghị Washington đối xử với họ như một đối tác ngang hàng trên trường quốc tế. Trung Quốc cũng nhanh chóng điều chỉnh thị trường xuất khẩu. Trong vài tháng gần đây, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 21% nhưng tổng xuất khẩu của nước này trong tháng 3-2025 lại tăng 8,1% so với cùng thời kỳ này năm ngoái.
Trong thế cân bằng như vậy, việc Mỹ và Trung Quốc đồng ý làm dịu căng thẳng thương mại có thể coi là “điểm dừng” phù hợp và đúng lúc. Theo đó, cả hai nước sẽ tạm thời dỡ bỏ hoặc đình chỉ một số thuế quan mà hai bên áp dụng hồi tháng 4. Các mức thuế bổ sung của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống 30%, trong khi thuế của Trung Quốc với hàng hóa Mỹ sẽ giảm từ 125% xuống còn 10%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đồng ý loại bỏ các biện pháp phi thuế quan, bao gồm hạn chế xuất khẩu khoáng sản chiến lược sang Mỹ. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong 90 ngày kể từ ngày 14-5.
Tuy vậy, nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ-Trung sẽ không dễ dàng và đòi hỏi rất nhiều thời gian, trong khi có thể không mang lại kết quả như ý. Nguyên nhân là cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra không sẵn sàng nhượng bộ các vấn đề liên quan đến ưu tiên chiến lược, khiến tranh chấp thương mại giữa hai nước có thể trở thành “căn bệnh kinh niên” không có liệu pháp chữa khỏi. Sự “xoa dịu thuế quan” lần này chỉ đóng vai trò như “liều thuốc an thần” ổn định thị trường tài chính, tỷ giá hối đoái, kiểm soát giá vàng và USD, giảm bớt sự xáo trộn bất ngờ với chuỗi cung ứng toàn cầu.
TƯỜNG LINH