Đây được coi là cuộc tập trận không quân chung lớn nhất trong những năm gần đây giữa Mỹ và Hàn Quốc. Năm nay, tham gia tập trận có gần 240 máy bay, trong đó có cả những máy bay hiện đại nhất của Mỹ. Theo kế hoạch, có tới 1,6 nghìn chuyến bay chiến đấu đã được thực hiện trong những ngày tập trận.

Trong cuộc tập trận này, Hàn Quốc và Mỹ còn tiến hành luyện tập cả “các thể thức thời chiến” bên cạnh việc “củng cố tiềm năng chiến thuật ổn định bằng cách tiến hành các chiến dịch đường không then chốt trong chế độ liên tục cả ngày lẫn đêm, ví như các chuyến bay của nhóm tấn công, việc bảo đảm phòng không-không quân và việc kịp thời cách ly các khu vực có chiến sự từ trên không” (trích thông báo của Không quân Hàn Quốc trước khi cuộc tập trận bắt đầu).

Theo các nhà quan sát, không khó hiểu thái độ đầy quan tâm từ phía Bình Nhưỡng đối với cuộc tập trận Vigilant Storm năm nay. Cho tới cuối năm 2017, Hàn Quốc và Mỹ đã liên tục tiến hành các cuộc tập trận lớn thường niên. Nhưng tới năm 2018, trong khuôn khổ những thỏa thuận với Bình Nhưỡng nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Seoul và Washington đã quyết định dừng các cuộc tập trận Vigilant Storm.

Vậy mà năm nay, hai nước lại khôi phục Vigilant Storm với lý do: Trong tình hình mới, xuất hiện những nguy cơ có thể nảy sinh từ việc Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên có thể sẽ tái thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Ai cũng biết rằng, việc chấp nhận không tái thử nghiệm vũ khí hạt nhân là một trong những điều kiện dẫn tới những thỏa thuận 3 bên năm 2018.

Nhìn chung, từ trước đến nay, trên dưới 30 năm qua, Washington đã thực hiện chính sách tối hậu thư đối với Bình Nhưỡng trong những gì liên quan tới phát triển vũ khí hạt nhân: Hoặc là từ bỏ vũ khí hạt nhân thì sẽ có quan hệ bình thường với Mỹ, hoặc sẽ bị đe dọa bằng vũ lực và cấm vận.

Thế nhưng, với nhà lãnh đạo đương nhiệm của CHDCND Triều Tiên, mọi sự không còn diễn ra như Washington mong muốn. Tháng 9 vừa qua, Chính phủ Triều Tiên đã thông qua luật cho phép tuyên bố CHDCND Triều Tiên là một “cường quốc hạt nhân”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un coi việc tuyên bố đó là “không thể đảo ngược được” và từ chối mọi cuộc thương lượng trong tương lai về việc phi hạt nhân hóa.

Ngày 1-11, Bình Nhưỡng đã lên tiếng kêu gọi Seoul và Washington từ bỏ cuộc tập trận mà Triều Tiên coi như hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố rằng, khu vực bán đảo Triều Tiên thêm một lần nữa lại sa vào cái bẫy của sự đối đầu vũ lực nghiêm trọng “vì các hành vi không ngừng và mất trí của Hàn Quốc và Hoa Kỳ”.

Với Bình Nhưỡng, việc bắt đầu Vigilant Storm, “kịch bản của Mỹ về cuộc chiến tranh hạt nhân giữa CHDCND Triều Tiên đã bước vào giai đoạn cuối”. Trong góc nhìn của Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà “mục đích của chương trình hạt nhân là nhằm lật đổ chế độ ở các nước khác.

Vì thế, người Mỹ “phải sẵn sàng đón nhận cái giá tương xứng phải trả trong trường hợp họ sử dụng vũ lực để chống lại CHDCND Triều Tiên”. Bình Nhưỡng đang sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, các công dân và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như xem xét các biện pháp nặng cân hơn nếu “Hoa Kỳ tiếp tục các hành động quân sự khiêu khích thô bạo”.

leftcenterrightdel
Máy bay chiến đấu KA-1 của Hàn Quốc và máy bay chống tăng A-10 của Mỹ trong cuộc tập trận không quân chung Buddy Wing, ngày 15-7-2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN) 

Với cách tư duy này, Bình Nhưỡng lập tức thực hiện những gì mà họ đã tuyên bố. Truyền hình Hàn Quốc ngay ngày 2-11 đã phải đưa tin vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Bình Nhưỡng về phía Hoàng Hải (vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên). Ngày 3-11, nguồn tin của Quân đội Hàn Quốc cho biết, CHDCND Triều Tiên cũng đã bắn khoảng 80 quả đạn pháo trong đêm vào vùng đệm quân sự tại Hoàng Hải.

Tiếp theo, hãng tin Yonhap dựa trên nguồn tin của Quân đội Hàn Quốc cũng đưa tin, vào ngày 5-11, ngày kết thúc cuộc tập trận không quân chung Hàn Quốc-Mỹ Vigilant Storm (kéo dài hơn dự kiến một ngày), Bình Nhưỡng tiếp tục bắn 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía Hoàng Hải. Chính việc kéo dài cuộc tập trận này thêm một ngày đã như đổ thêm dầu vào lửa và Bình Nhưỡng cho rằng, khi làm như thế, Hàn Quốc và Mỹ “đã phạm phải một sai lầm thô bạo không thể sửa chữa”. Và cũng chính vì thế nên cũng trong ngày 5-11, Seoul đã phải ra lệnh báo động lực lượng Không quân khi phát hiện trên bầu trời gần 180 máy bay của Triều Tiên.

Ngay trong ngày 3-11, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Đức, hai Ngoại trưởng Nhật Bản (ông Yoshimasa Hayashi) và Mỹ (ông Antony Blinken) đã cùng bày tỏ mối quan ngại về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và coi đây là “thách thức đối với cộng đồng quốc tế”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-sup cũng trong ngày 3-11, trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp ở Washington đã cam kết tìm kiếm các biện pháp mới để đối phó với những hoạt động trên của Bình Nhưỡng. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng đang lên kế hoạch nhóm họp vào giữa tháng này để bàn giải pháp đối với cái gọi là “vấn đề Triều Tiên”. Và nếu nó diễn ra thì đây sẽ là Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ-Hàn đầu tiên kể từ tháng 6-2022, khi các nhà lãnh đạo 3 nước gặp nhau tại Tây Ban Nha...

Cũng cần phải thấy rằng, trong lúc Hàn Quốc và nhiều thế lực ở phương Tây muốn "trăm dâu đổ đầu... Bình Nhưỡng" về những gì mới xảy đến với bán đảo Triều Tiên, thì cũng có những cường quốc khác lại tư duy theo kiểu ngược lại. Theo quan điểm của Moscow, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sở dĩ trở nên căng thẳng hơn chủ yếu là vì những hành động của Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Bắc Kinh cũng cho rằng, trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, Washington không nên hành động theo kiểu “cả vú lấp miệng em”, không nên dồn CHDCND Triều Tiên vào thế kẹt... Và cộng đồng quốc tế cần phải có cái nhìn thực tế hơn đối với Bình Nhưỡng.

HỒNG THANH QUANG