Cuộc tập trận kết thúc, nhưng dư âm mà nó để lại không chỉ trong lĩnh vực quân sự đơn thuần, mà còn lan sang cả địa hạt chính trị và cho thấy một hình mẫu mới của căng thẳng Đông-Tây: Xác lập sự cân bằng địa chính trị bằng những cuộc tập trận.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, “Phía Tây 2017” có thể là một trong những cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc. Tuy nhiên, theo Văn kiện Vienna được ký năm 2011 giới hạn số lượng binh sĩ tham gia tập trận không vượt quá mức tối đa 13.000 người nên cả Nga và Belarus đều tuyên bố số lượng binh sĩ tham gia cuộc tập trận này là 12.700 người.

Để chứng tỏ sự minh bạch, ngoài các quan sát viên của hai nước chủ nhà, phía Nga và Belarus còn mời các quan sát viên quốc tế từ Ukraine, Lithuania, Latvia, Ba Lan, Thụy Điển, Na Uy tới quan sát cuộc tập trận. Theo ý kiến của đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Velle Hustard, cuộc tập trận diễn ra minh bạch và công khai.

Tuy nhiên, có vẻ như NATO khá “nóng mắt” đối với cuộc tập trận hỗn hợp “Phía Tây 2017”, và không chỉ vì cái tên “phía Tây” nhiều ẩn ý của nó. Hàng loạt cáo buộc được tung ra nhằm vào cuộc tập trận, trong đó nhiều nhất và tập trung nhất là gợi ý về khả năng cuộc tập trận là vỏ bọc cho một hành động quân sự đối với các nước láng giềng của Nga.

Nhưng với những ai nắm bắt đầy đủ thông tin thì có lẽ những tiếng nói bày tỏ “quan ngại” đó thật ra lại là vỏ bọc nhằm che đậy một thực tế khác, là phương Tây đã tiến hành song song, thậm chí là “đi trước” cả Nga và Belarus trong việc tiến hành các cuộc tập trận để “đáp trả” cuộc tập trận “Phía Tây 2017”.

“Phía Tây 2017” bắt đầu từ ngày 14 và kéo dài tới 20-9 thì kết thúc, nhưng từ 11-9, các lực lượng Mỹ và một số nước NATO khác đã tiến hành cuộc tập trận mang tên “Rapid Trident” ở thành phố Yavoriv nằm ở phía Tây của Ukraine. Cuộc tập trận này kéo dài tới tận ngày 23-9.

Trong khi đó, NATO cũng tiến hành một cuộc tập trận quân sự khác ở Latvia mang tên “Steadfast Pyramid”, mở màn từ ngày 10-9, có sự tham gia của 40 chỉ huy cấp cao từ các nước thành viên NATO cùng với Phần Lan và Thụy Điển. Cuộc tập trận có hai giai đoạn này kéo dài tới 22-9.

Bên cạnh các cuộc tập trận của NATO, quân đội Anh và Pháp cũng tham gia cùng các đơn vị từ Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Lithuania và Estonia trong cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây của Thụy Điển. Cuộc tập trận này kéo dài từ 11 đến 20-9, gần trùng khít với thời gian diễn ra cuộc tập trận “Phía Tây 2017” của Nga và Belarus. 

Có thể thấy gì từ những cuộc tập trận song song này?

Ngoài ý nghĩa tạo ra những sự “đối trọng” với cuộc tập trận của Nga và Belarus, các cuộc tập trận liên tiếp của NATO và phương Tây còn nhằm khoe “cơ bắp” trước Moscow và trấn an các đồng minh. Trong khi các cuộc tập trận của Nga và Belarus đều diễn ra trên lãnh thổ của họ, chỉ với lực lượng của chính họ, thì những cuộc tập trận của NATO đã cho phép mang quân đội các nước thành viên và của Mỹ tới sát biên giới với nước Nga. Đây thực sự là những lời cảnh báo nghiêm túc với Moscow. Người ta tự hỏi liệu Washington sẽ phản ứng thế nào nếu Moscow đưa ra đề xuất thành lập liên minh quân sự với một quốc gia châu Mỹ như Mexico chẳng hạn?

Bởi thế nên tình trạng các cuộc tập trận diễn ra hầu như đồng thời giữa hai phía nhiều khả năng sẽ còn diễn ra trong tương lai. Thay vì sự cân bằng chiến lược thời “Chiến tranh lạnh” bằng số tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, tàu ngầm nguyên tử hoặc máy bay ném bom chiến lược thì tình trạng căng thẳng hiện nay đã xác lập sự cân bằng dựa trên những cuộc tập trận song song của cả hai phía. Trong những cuộc tập trận diễn ra gần như đồng thời như thế, chỉ một sai sót nhỏ cũng dẫn tới rủi ro lớn là đụng độ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

YÊN BA