Miền Đông Ukraine đã biến thành biển lửa với những trận chiến vô cùng ác liệt, đặc biệt là tại “điểm nóng” Bakhmut. Nga coi việc đánh chiếm thành phố này là chìa khóa để tiến tới kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, còn Ukraine thì quyết bảo vệ Bakhmut đến cùng, bởi đây là một phần trong chiến thuật mới của Kiev nhằm tiêu hao sinh lực của Nga trước khi tiến hành một cuộc phản công lớn.

Trước mắt, chưa bên nào có thể tạo cú đột phá mang tính quyết định. Xung đột đã bước vào giai đoạn tiêu hao, cả vật chất lẫn sinh lực, thử thách sức chịu đựng của hai bên. Những từ ngữ còn đọng lại để miêu tả về cuộc xung đột Nga-Ukraine trong năm 2022 là sự giằng co đẫm máu. Mùa đông băng giá đang lùi dần, cả Moscow lẫn Kiev đều cố tập hợp nguồn lực với hy vọng có thể giáng những đòn mang tính chiến lược nhằm thay đổi cục diện chiến trường.

leftcenterrightdel

 Xung đột Nga và Ukraine vẫn bế tắc sau gần 1 năm diễn ra. Nguồn: Washington Post

Không ai biết chiến sự sẽ còn kéo dài bao lâu nhưng những tác động tiêu cực mà nó gây ra thì đã rõ. Xung đột Nga-Ukraine đã trở thành cuộc chiến tàn khốc nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh lạnh. Số liệu do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) công bố vào tháng 1-2023 cho thấy, giao tranh kéo dài khiến gần 19.000 dân thường Ukraine thiệt mạng và bị thương, gần 13 triệu người, tức hơn 1/3 dân số Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nền kinh tế bị tê liệt. Ngân hàng Thế giới ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine bị thu hẹp 1/3, với thiệt hại lên tới 350 tỷ USD.

Cú sốc với nước Nga cũng không hề nhỏ. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm giảm doanh thu từ năng lượng, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga. 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga ở nước ngoài bị đóng băng. Các nước phương Tây không chỉ chặn tất cả nguồn đầu tư nước ngoài vào Nga, mà còn ngắt kết nối 3/4 lĩnh vực tài chính khiến GDP của Nga trong năm 2022 tăng trưởng -2,7%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2023.

Không dừng lại ở biên giới Ukraine và Nga, tác động kinh tế của cuộc xung đột có thể cảm nhận rõ trên khắp toàn cầu. Nguồn cung từ hai vựa lúa mì Nga và Ukraine sụt giảm đã đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng. Nguồn cung nhiên liệu bị gián đoạn bởi các biện pháp trừng phạt và đáp trả lẫn nhau giữa Moscow và phương Tây khiến châu Âu phải trải qua một mùa đông lạnh lẽo, giá năng lượng toàn cầu tăng cao, lạm phát ở nhiều nước vọt lên mức kỷ lục, kéo theo nguy cơ bất ổn xã hội. Kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức Cologne cho thấy, cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 1.600 tỷ USD. 

Cuộc xung đột cũng làm thay đổi quan điểm sau Chiến tranh lạnh về một khu vực châu Âu hòa bình và thịnh vượng. Hệ quả là sau nhiều năm giảm chi tiêu quốc phòng, nhiều nước thành viên NATO tăng cường đầu tư và sẵn sàng chi mạnh cho nhu cầu quân sự, đặc biệt những nước ở sườn phía Đông của khối này đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng trong thời gian ngắn. Quan hệ Nga-NATO chuyển từ đối tác sang đối đầu. Đỉnh điểm căng thẳng của mối quan hệ thù địch này là nguy cơ chạy đua vũ trang và sử dụng vũ khí hạt nhân. Phản ứng với việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine, Nga tuyên bố dừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), hiệp ước đóng vai trò như “hòn đá tảng” với an ninh toàn cầu. Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, thế giới rơi vào tình trạng không có bất kỳ giới hạn pháp lý nào để giám sát tiềm lực hạt nhân của Mỹ và Nga.

Chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trở thành yêu cầu cấp thiết, cho dù trong thời điểm hiện nay, các nhà phân tích nhìn chung đều nhận định một thỏa thuận ngoại giao dường như khó đạt được trong tương lai gần. Cả Nga và Ukraine đang thể hiện lập trường rất khác biệt trong nhiều vấn đề, trong khi Mỹ và một số nước châu Âu đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, đồng thời siết chặt thêm lệnh trừng phạt với Nga. 

Nhưng muốn có hòa bình thì phải cho hòa bình một cơ hội. Cơ hội đó chỉ mở ra khi hai bên xung đột đồng ý ngồi lại với nhau bên bàn đàm phán mà không kèm theo bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Bước tiếp theo là ký kết một thỏa thuận ngừng bắn, giúp hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời mở ra cơ hội để bắt đầu đàm phán hòa bình thực chất. Trong bối cảnh đối đầu căng thẳng như hiện nay, đây là điều không dễ dàng nhưng không phải là không thể. Vấn đề là phải chung tay hành động thì mới có hòa bình, đúng như Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định trong Thông điệp năm mới 2023: “Chúng ta không thể chấp nhận mọi thứ như hiện tại. Chúng ta cần tìm kiếm giải pháp và hành động”.

Hôm 23-2, Đại hội đồng LHQ khóa 77 đã nhóm họp phiên đặc biệt nhân sự kiện tròn một năm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tại diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: “Hòa bình thực sự và lâu dài cần phải đặt trên nền tảng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Xung đột càng kéo dài thì khó khăn càng nhiều”. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng thể hiện nỗ lực vì hòa bình của mình khi khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Việt Nam cũng nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. 

TƯỜNG LINH