Nhà văn, nhà báo Gerard Baker có thể được coi là một trong những người thấu hiểu hệ thống báo chí Mỹ nhất hiện nay. Và hiểu không chỉ từ bên ngoài nhìn vào mà còn từ bên trong nhìn ra. Baker từng là biên tập viên điều hành của Dow Jones và Tổng biên tập của The Wall Street Journal từ tháng 3-2013 đến tháng 6-2018...
Mới đây, ngày 4-2-2023, trong một bài viết đăng trên báo Anh The Times, Baker đã khẳng định rằng, những người thường dân Mỹ không mấy hài lòng với cách tác nghiệp của các nhà báo ở nước này. Câu chuyện liên quan tới những ầm ĩ xung quanh việc dường như cựu Tổng thống Donald Trump có những mối quan hệ với Moscow hay những tranh luận về tính khách quan của báo chí lại càng làm gia tăng thêm sự thất vọng của độc giả đối với các biên tập viên ở các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ.
|
|
Nhà văn, nhà báo Gerard Baker.
|
Theo ông Baker, sở trường và sở đoản của nền báo chí Mỹ, oái oăm thay lại ở cùng một nguyên nhân: Thái độ luôn luôn tự cao tự đại thái quá của những người làm báo. Không ai phủ nhận việc các phương tiện truyền thông ở Mỹ là một sức mạnh vô cùng to lớn và nếu điều hành đúng thì có thể “dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ”. Nhưng mặt khác,“gót chân Achilles” của nền báo chí Mỹ là ở chỗ phần lớn đội ngũ nhà báo Mỹ lại không đáp ứng được các tiêu chí cần thiết cho một quá trình tác nghiệp lành mạnh và chỉ có sự nhận thức lại một cách đúng đắn về sứ mệnh của mình mới có thể giúp cho cộng đồng nhà báo Mỹ có được một thái độ “tri nhân, tri kỷ, tri thiên mệnh” cần thiết.
Ông Baker đã đưa ra một ví dụ về sự tự tin thái quá của báo chí Mỹ về vai trò của họ trong xã hội. Chuyện là, ngày 11-9-2001, ngay sau khi xảy ra vụ máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, biên tập viên điều hành của tờ The New York Times (tức là người có vai trò thứ hai của tờ báo này), ở buổi sáng hôm đó đang là người trực tòa soạn, đã ngay lập tức gọi các biên tập viên cấp cao đến họp và yêu cầu mọi người trình bày về những việc mà họ sẽ làm nếu xảy ra một trường hợp khẩn cấp tương tự, khi mục tiêu tiếp theo của những kẻ khủng bố thuộc tổ chức Al-Qaeda có thể là trụ sở tòa soạn báo ở khu trung tâm Manhattan của thành phố New York.
Trong tư duy của lãnh đạo cơ quan báo chí này, hiển nhiên là sau Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc, Điện Capitol và Nhà Trắng thì chắc chắn những kẻ khủng bố sẽ phải tấn công vào một nơi cũng mang ý nghĩa to lớn như thế với tư cách là một trong những biểu tượng của quốc gia: Tòa soạn The New York Times-tờ báo mà họ cho rằng “quan trọng bậc nhất thế giới”(!) Chính thái độ “mục hạ vô nhân” lâu năm như thế của những người làm báo ở Mỹ khiến một người thấu hiểu nước Mỹ đến chân tơ kẽ tóc như ông Baker phải thú nhận rằng, ông thực sự cảm thấy kinh ngạc khi trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông nước này bắt đầu đưa ra những bài viết phân tích về hiện trạng nền báo chí Mỹ.
Tất nhiên, họ làm công tác “tự phê bình” đó theo cách riêng của họ: Dành hàng héc-ta diện tích các trang báo, hàng nghìn tỷ byte và hàng nghìn giờ phát sóng để phản ánh sâu rộng về tình trạng thực tế của các phương tiện truyền thông Mỹ. Với một thái độ không hẳn theo kiểu "mèo khen mèo dài đuôi" mà bằng cả những công trình nghiên cứu kiểu “phẫu thuật đại trực tràng” các căn bệnh đường ruột của chính mình. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Baker, dù có cố gắng đào bới sâu đến đâu trong chính hệ thống tiêu hóa của mình thì họ vẫn không tìm thấy những thứ họ muốn tìm kiếm. Bởi lẽ, họ không muốn nhìn ra một sự thật là giai đoạn hiện nay, độc giả ở Mỹ đã có thêm quá nhiều lý do để không còn tin vào chính các phương tiện truyền thông của đất nước Mỹ.
Thực ra, quá trình suy thoái của hệ thống truyền thông ở Mỹ không phải tới bây giờ mới được vạch ra. Còn nhớ, ngay từ giữa năm 1978, nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008, Giải Nobel Văn học năm 1970) trong một bài phát biểu tại Đại học Harvard với tựa đề “Một thế giới chia rẽ” đã nêu thẳng những căn bệnh chính của báo chí Mỹ mà ông đã phát hiện ra chỉ sau vài năm chuyển sang sống ở phương Tây. Solzhenitsyn nói: “Hời hợt và vội vàng-căn bệnh tâm thần của thế kỷ 20-đã hiện hình rõ nét nhất trên báo chí. Báo chí được chống chỉ định để đi vào chiều sâu của vấn đề, việc đó không có trong bản chất của báo chí mà nó chỉ tạo ra những cách quy chụp gây sốc...”. Ông phân tích: “Báo chí có khả năng và ngụy tạo dư luận xã hội, gò uốn nó một cách biến thái. Lúc thì tạo ra ánh hào quang siêu nhân cho những kẻ khủng bố, lúc thì tiết lộ ngay cả những bí mật quốc phòng của đất nước, lúc thì thô bạo can thiệp vào đời tư của những người nổi tiếng theo phương châm: “Mọi người đều có quyền biết mọi thứ... Con người của sự lao động sáng tạo chân chính và một đời sống đầy ý nghĩa không cần dòng chảy thông tin nặng nề, thừa thãi này...”.
Có lẽ, cách tác nghiệp như thế cộng với lối tư duy đầy mâu thuẫn bản năng của không ít người làm báo đã dần dà dẫn tới sự sụt giảm uy tín của hệ thống báo chí Mỹ trong con mắt độc giả. Và đó là một quá trình không thể gì ngăn cản. Còn nhớ, đã có thời điểm, tỷ lệ những người dân Mỹ tin tưởng báo chí ở mức rất cao, tới 72%. Đó là giai đoạn sau khi xảy ra vụ Watergate. Thế nhưng, theo bài viết đã dẫn trên The Times của ông Baker, cuộc thăm dò hằng năm mới nhất của Gallup về thái độ của người Mỹ đối với các định chế công cộng cho thấy, chỉ có 34% tin tưởng báo chí ở một mức độ nào đó. Tỷ lệ những người không tin tưởng báo chí là 38% và đây là con số cao nhất trong lịch sử. Ông Baker kết luận: “Uy tín của báo chí Mỹ trong vài thập kỷ qua đơn giản là đã sụp đổ”. Và rất đáng buồn là trên các phương tiện truyền thông Mỹ trong thời gian gần đây vẫn tiếp tục xuất hiện không ít bài báo có thể làm suy giảm hơn nữa uy tín của nghề vốn dĩ rất khả kính và hữu ích cho xã hội này...
HỒNG THANH QUANG