Hơn 105.000 người bị ảnh hưởng xấu. Những con số này vẫn gia tăng thêm nữa. Và nguy hiểm hơn, chính cơn thiên tai đó còn đang làm lung lay chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống ngày lại một gần hơn.
Thực sự bức tranh thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ rất hãi hùng. Nhiều kênh truyền hình quốc tế đã tung lên theo chế độ online những hình ảnh các tòa nhà cao tầng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực bị động đất đua nhau sụp đổ. Xuất hiện những bức ảnh chụp vết nứt khổng lồ hình thành sau động đất. Giám đốc cơ quan đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, Hans Kluge, đánh giá hai vụ động đất trên là “những vụ thiên tai khổng lồ nhất xảy ra ở khu vực châu Âu trong suốt 100 năm qua”... Một số chuyên gia cho rằng, thiệt hại ở mức thấp nhất vì động đất có thể lên tới 50-60 tỷ USD. Còn theo Bloomberg, con số này có thể lên tới 84 tỷ USD, tức là bằng khoảng 10% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ.
|
|
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tặng bánh mỳ bộ đội Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn. Ảnh: vĂN HIẾU
|
Trong thảm họa, lòng trắc ẩn và tình nhân đạo luôn có cơ hội để thể hiện. Không ít quốc gia thành viên NATO đã làm như có thể tạm gác những bất đồng sâu sắc với Tổng thống Erdogan trong nhiều đại sự quốc tế để ngay lập tức bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả của động đất. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam ta, cũng cử ngay những đội cứu hộ giỏi của mình sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất. Hy Lạp, quốc gia từ lâu đã ở trong tình trạng “ông chẳng bà chuộc” với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng lập tức bày tỏ nguyện vọng được “xắn tay áo” vào giúp Ankara. Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia đang gặp trở ngại trên con đường gia nhập NATO vì thái độ “chọc gậy bánh xe” của Ankara, cũng đã bỏ ra cả triệu euro để giúp Thổ Nhĩ Kỳ...
Tất nhiên, như nhiều nhà quan sát nhận xét, các hoạt động nhân đạo trong cứu trợ thiên tai có thể tạo nên những cảm xúc tích cực ở một bộ phận dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt ở những người phải trực tiếp chịu ảnh hưởng tiêu cực vì thiên tai, nhưng lại chưa chắc đủ sức làm thay đổi một cách thực chất mối quan hệ đang chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa Ankara với Brussels. Thậm chí, không hiếm công chức có trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ, sống trong những ngôi nhà tốt hơn, ở những khu vực được bảo vệ chắc chắn hơn trước thiên tai, lại coi những hoạt động cứu trợ từ châu Âu đối với các nạn nhân động đất như thể những trò diễn mang tính “giả lễ chúa Mường”...
Trớ trêu hơn, trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập đang tận dụng cơn thiên tai để tấn công đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Những nhà quan sát cho rằng, trong các cuộc bầu cử sắp tới, sẽ diễn ra trận thư hùng thực sự sống mái giữa lực lượng của ông Erdogan và lực lượng của phe đối lập.
Phe đối lập đang buộc tội chính quyền chìm sâu vào nạn tham nhũng và không đủ năng lực để bảo vệ người dân. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan đã gần như ngay lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh miền Đông Nam. Hơn bao giờ hết, ông Erdogan hiểu rằng, cần phải thể hiện hiệu quả và vai trò không thể thay thế được của mình trong việc xử lý các sự cố. Bởi lẽ, chính trường Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa quên nhiều bài học về những thất bại vì để thiên tai lấn át. Năm 1999, Chính phủ Liên hiệp do ông Mustafa Bulent Ecevit đứng đầu đã không khắc phục kịp thời những hệ lụy từ cuộc động đất xảy ra ngày 17-8 ở khu vực thành phố Izmit, khiến gần 40.000 người chết. Và đó là một trong những nguyên nhân chính yếu khiến Đảng Dân chủ Cánh tả (DLP) của ông Ecevit bị thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2002 trước một chính đảng mới được thành lập trước đó không lâu: Đảng Công lý và Phát triển (JDP), do ông Erdogan đứng đầu...
Không ngẫu nhiên mà ngay sau khi xảy ra động đất, ông Erdogan đã trực tiếp tới với người dân tại những vùng bị nạn. Ở đâu ông cũng nhắc tới vai trò của nhà nước trong việc giải quyết hậu quả của động đất và nhấn mạnh rằng, không thể để cho những người không tốt lợi dụng để chính trị hóa chuyện thiên tai...
Những lời đe nẹt của tổng thống không làm cho phe đối lập nao núng. Ngược lại, họ đang không ngừng thực hiện việc nâng quan điểm, biến chủ đề động đất thành một mối quan tâm nhạy cảm của xã hội. Thủ lĩnh Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) Kemal Kilicdaroglu cũng đã nhấn mạnh rằng, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng không thể để ông Erdogan xáo trộn kế hoạch bầu cử... Những người đối lập đã đua nhau với đương kim tổng thống trong những chuyến đi thực địa tới các vùng bị nạn để kêu gọi ủng hộ cho những thay đổi chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Kilicdaroglu đã xới lại những lùm xùm liên quan tới hàng tỷ lira (đơn vị tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ) tiền “thuế động đất” mà chính quyền đã thu từ sau thảm họa thiên tai năm 1999.
Một trong những chủ điểm khác mà phe đối lập muốn sử dụng để tấn công chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là những lệnh ân xá xây dựng mà chính phủ thỉnh thoảng vẫn ban hành từ những năm 1960 đến nay. Lần gần đây nhất là vào năm 2018. Theo đánh giá của Bộ Môi trường và Đô thị hóa, gần một nửa số nhà xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ được hoàn thành với những vi phạm. Thậm chí ngay cả khi xây dựng những tòa nhà cao cấp thì các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng vẫn bị vi phạm đều đều. Hai trận động đất vừa qua đã “cháy nhà ra mặt chuột” khi nhiều tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng thiên tai thi nhau đổ sập như đồ chơi bằng cát...
HỒNG THANH QUANG