Chính thức thì ông Joe Biden chưa tuyên bố ra tranh cử nhưng lịch sử cho thấy, các Tổng thống Mỹ hiếm khi từ bỏ cơ hội tranh cử nhiệm kỳ 2. Trường hợp hy hữu gần đây nhất xảy ra cách nay đã hơn nửa thế kỷ, khi ông Lyndon Johnson quyết định không tái tranh cử vào năm 1968 trong bối cảnh nhiệm kỳ tổng thống của ông bị "phủ bóng đen" bởi cuộc chiến tranh Việt Nam, khiến uy tín của ông sụt giảm.

Thêm vào đó, năm trước bầu cử luôn được coi là giai đoạn "bản lề" mà các tổng thống đương nhiệm thường tận dụng tối đa để tạo lợi thế trong cuộc đua tranh với đối thủ. Thực tế cho thấy, dù không phải là tuyên bố tranh cử nhưng thông điệp liên bang đã được ông Joe Biden khéo léo tận dụng như màn trình diễn đánh bóng hình ảnh bản thân, lôi kéo cử tri bằng việc tô vẽ bản thành tích trong nửa nhiệm kỳ.

leftcenterrightdel

 Tổng thống Mỹ Joe Biden có tranh cử vào năm 2024?

Cho rằng đại dịch Covid-19 không còn có thể “kiểm soát” cuộc sống của người dân Mỹ và nền dân chủ Mỹ vẫn được duy trì nguyên vẹn dù bị “bầm dập” bởi sự kiện Đồi Capitol “thất thủ” trước đám đông những người biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống hồi tháng 1-2021, ông Joe Biden liệt kê hàng loạt thành tích đạt được, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Nhấn vào các thống kê như tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 3,4%, mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ, hay trong số 12 triệu việc làm mới được tạo ra, có tới 800.000 là trong ngành sản xuất với mức lương hậu hĩnh, mức tăng trưởng mạnh nhất trong 40 năm trở lại đây, ông Joe Biden khẳng định: “Ai dám nói rằng người Mỹ không thể dẫn đầu thế giới về sản xuất thêm lần nữa? Trong quá nhiều thập kỷ, chúng ta đã nhập khẩu hàng hóa và xuất khẩu việc làm. Và giờ, cảm ơn những gì đã có, chúng ta đang xuất khẩu hàng hóa Mỹ và tạo ra việc làm cho người Mỹ”.

Một điểm nhấn khác mà ông Joe Biden tập trung làm nổi là cơ sở hạ tầng, lĩnh vực được đầu tư với 20.000 dự án, bao gồm các sân bay, cầu cảng, đường sá, tạo ra việc làm cho hàng nghìn người và kết nối các cộng đồng. Ông Joe Biden đặc biệt lưu ý đến các tiêu chuẩn mới về sử dụng vật liệu xây dựng trong các dự án cơ sở hạ tầng cấp liên bang, theo đó, quy định các mặt hàng phải được sản xuất tại Mỹ. Đánh giá chính sách mới này như một cuộc chuyển đổi, ông Joe Biden nhấn mạnh: “Dưới thời của tôi, những con đường của Mỹ, những cây cầu của Mỹ và những xa lộ của Mỹ sẽ được xây dựng hoàn toàn bằng các sản phẩm của Mỹ”.

Ông Joe Biden cũng không quên đưa ra hứa hẹn những điều "sát sườn" với người dân Mỹ, như kiên quyết bảo vệ Chương trình an sinh xã hội và chăm sóc y tế cho người lớn tuổi (Medicare), giới hạn giá thuốc theo đơn, thay đổi biểu thuế để buộc người giàu trả thuế nhiều hơn và bảo vệ quyền phá thai trước áp lực của phe Cộng hòa. Về chính sách đối ngoại, ông Joe Biden tập trung ca ngợi nỗ lực của chính quyền trong việc đoàn kết phương Tây đối đầu với Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng thời cam kết viện trợ cho Ukraine đến cùng. Ông Joe Biden cũng khẳng định, Mỹ sẽ kiên quyết đối đầu với “sự hung hăng” của Trung Quốc.

Có thể nói, ông Joe Biden đã thể hiện khá tốt màn trình diễn trước một Quốc hội vốn chia rẽ gay gắt với Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện. Nhưng liệu nỗ lực của ông Joe Biden có tạo được cú đột phá, phá tan sự nghi ngờ trong dư luận, nhất là về tình trạng bất ổn kinh tế, thì vẫn là câu hỏi. Theo một cuộc thăm dò mới đây do Washington Post và ABC News thực hiện, chỉ có 36% người Mỹ tin rằng ông Joe Biden đã làm được “rất nhiều” hoặc “rất tốt” kể từ khi nhậm chức, trong khi có tới 62% nói rằng ông đã làm được “không nhiều” hoặc “làm được ít hoặc không làm được gì”. Dù ông Joe Biden quảng bá đã thông qua nhiều đạo luật lớn mang tính lịch sử, có thể có tác động chuyển đổi đối với nền kinh tế Mỹ, nhưng các cuộc thăm dò lại cho thấy, phần lớn người dân không cảm nhận được chúng.

Với các cử tri Mỹ đang tìm kiếm tầm nhìn cho đất nước, sức nặng của thông điệp liên bang còn nhạt nhòa hơn bởi ít có điểm mới. Thậm chí, nhiều người cảm thấy bất ngờ và kỳ lạ khi ông Joe Biden quảng bá về chính sách “mua hàng Mỹ”, “xây dựng các nhà máy ở Mỹ” và yêu cầu gia tăng “chất” Mỹ trong sản xuất để lấy lại sức mạnh Mỹ cũng như niềm tự hào và giá trị của việc tìm lại công việc cho người Mỹ. Bởi đây chính là những thông điệp trong khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của người tiền nhiệm Donald Trump, điều mà ông Joe Biden từng chỉ trích gay gắt trong thông điệp liên bang năm ngoái.

Đặc biệt, dù rất nỗ lực nhưng ông Joe Biden vẫn chưa xóa bỏ được sự hoài nghi ngay trong nội bộ Đảng Dân chủ, nơi một số người bày tỏ lo ngại về tuổi tác có thể ảnh hưởng đến khả năng tái cử của ông. Tháng 11 tới, ông Joe Biden bước vào tuổi 80 và nếu tái đắc cử, ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ ở tuổi 86-mức kỷ lục với một Tổng thống Mỹ. Kết quả cuộc thăm dò mới đây của Associated Press và Trung tâm Nghiên cứu ý kiến quốc gia của Đại học Chicago (AP-NORC) cho thấy, chỉ 37% số người được hỏi nói rằng, họ ủng hộ ông Joe Biden tranh cử nhiệm kỳ 2. Còn theo ABC News và Washington Post, 58% đảng viên Đảng Dân chủ và những người độc lập có xu hướng ủng hộ Đảng Dân chủ cho biết, đảng này nên tìm người khác ra tranh cử tổng thống năm 2024.

Trong thông điệp liên bang, ông Joe Biden đầy tự tin thể hiện mình mạnh mẽ, có tầm nhìn xa và năng lực. Rằng ông có chiến lược đối ngoại mạnh mẽ và thành công. Rằng ông sẵn sàng và quyết tâm lãnh đạo nước Mỹ cũng như thế giới thêm 4 năm nữa... Nhưng sự tự tin đó hiện chưa vượt qua được những hoài nghi trong dư luận để ông có thể dễ dàng bước vào Nhà Trắng lần thứ hai.

TƯỜNG LINH