Hungary tới ngày 27-3 sẽ tổ chức bỏ phiếu ở Quốc hội về quyết định thôi cản trở việc Phần Lan xin gia nhập NATO. Theo nhiều nguồn tin thì mọi việc sẽ thuận lợi đối với Helsinki. Và có thể tới mùa hè này sẽ chính thức diễn ra sự kiện gây nên những phản ứng khác nhau ở hai khu vực Đông và Tây châu Âu đó.

Trong quá khứ chưa xa, Phần Lan đã là một trong những quốc gia Bắc Âu duy trì được vai trò độc lập của mình tương đối cao trong các cuộc chơi quốc tế. Thậm chí có những giai đoạn, đối với không ít người, Helsinki đã là một nhà môi giới khá uy tín đối với nhiều vấn đề gây tranh cãi trên trường quốc tế, như một thiện chí lớn trong dàn xếp mâu thuẫn và bắc cầu liên kết. Khi đó, Helsinki đã được cả phương Tây lẫn phương Đông cần như một đối tác bình đẳng cùng có lợi. Cũng ở giai đoạn đó, trong quan hệ với Moscow, Helsinki đã có được một tư thế đối tác bằng vai phải lứa được tôn trọng cả ở cấp cao nhất. Các phái đoàn từ Helsinki sang Moscow luôn được đón tiếp trọng thị. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, Nga và Phần Lan đã không còn mức độ quan hệ như trước nữa. Với việc Phần Lan xin gia nhập NATO, một chiến tuyến mới đang dần hình thành giữa hai quốc gia láng giềng từng có một thời gian dài hữu hảo này. Giữa Moscow và Helsinki gần như không còn hoạt động qua lại cùng nhau ở những cấp cao.

leftcenterrightdel

 Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: sputniknews.vn

Thế nhưng mới đây, vào trung tuần tháng 3, sau chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới Washington, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto lại bất ngờ ngỏ ý muốn nối lại những cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyện xảy ra ngay sau khi ông trở về từ những ấn tượng không vui vì sự tiếp đón cố tình tỏ ra lạnh nhạt ở nước Mỹ.

Ông Sauli Niinisto đã tới Washington cùng với đội ngũ đại diện doanh nghiệp khá đông đảo. Có thể thấy rằng, Helsinki muốn qua hoạt động ngoại giao ở cấp cao nhất này để tìm kiếm những hỗ trợ tương xứng từ giới chức Mỹ. Điều này vô cùng quan trọng trong bối cảnh Phần Lan thời gian vừa qua đã rất nỗ lực để tỏ ra nhất quán trung thành với Washington, đến mức còn bày tỏ mong muốn trở thành “tuyến phòng thủ phương Bắc” của NATO sát cạnh biên giới với nước Nga.

Nhiều phương tiện thông tin đại chúng cho biết, các chính trị gia ở Washington đã tỏ ra khá lãnh đạm với chuyến công du nước Mỹ của nguyên thủ Phần Lan. Đây là một cách, như đánh giá của nhiều nhà quan sát là “có chủ ý”. Có vẻ như sau khi nhận được từ Helsinki mọi thứ cần thiết, Nhà Trắng muốn làm cho Phần Lan hiểu rõ và đúng hơn những mức độ ưu tiên khác nhau trong chính sách đối ngoại hiện tại của Hoa Kỳ.

Tại Washington, Tổng thống Phần Lan đã không phải quá vất vả để tham gia các cuộc gặp gỡ với chính giới Mỹ. Thậm chí trong lịch làm việc chính thức đã không có kế hoạch tiếp cận trực tiếp với ông Joe Biden. Chỉ trong thời gian ông Niinisto gặp gỡ với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ là Jake Sullivan, Tổng thống Mỹ mới làm như tình cờ xuất hiện trong giây lát. Hai vị tổng thống chỉ trò chuyện với nhau “dăm câu ba điều” và cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm. Trong cuộc họp báo tối muộn ngày 10-3 tại Washington, Tổng thống Phần Lan cho biết rằng, trong những phút giây ngắn ngủi đó, ông đã được Tổng thống Mỹ cam kết rằng Washington vẫn tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO: “Ông Joe Biden kêu gọi chúng tôi hãy tiến lên phía trước”. Còn nhớ, cách đây khoảng một năm, khi Phần Lan chưa chính thức ký vào đơn xin gia nhập NATO, chủ nhân Nhà trắng, chắc cũng đã bận bịu như hiện nay, nhưng vẫn tìm ra được thời gian để tham gia một cuộc gặp gỡ chính thức với Tổng thống Phần Lan. Hiện tại có lẽ Washington ngầm ngỏ ý về việc họ không còn muốn tham gia vào cuộc chơi như thể mọi thành viên đều bằng vai phải lứa với nhau. Với người Mỹ, không một quốc gia nào quan trọng hơn những gì mà nó có thể giúp cho nước Mỹ đạt được những mục tiêu chính trị quốc tế và lợi ích của mình.

Cũng phải nói rằng, một bộ phận chính giới cũng như giới làm ăn ở Phần Lan vì sao đấy bỗng nhiên lại tỏ ra hy vọng vào những lợi ích có thể có từ sự hợp tác “cùng có lợi” trong lĩnh vực công nghệ với Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ những trải nghiệm khá đắng đót từ việc Microsoft mua đứt Nokia năm 2014 có lẽ đủ để nhắc nhở những người còn tỉnh táo ở Helsinki về việc đừng nên theo đuổi những mơ ước dã tràng như thế. Cho tới bây giờ, người Phần Lan vẫn đang cố gắng quên đi câu chuyện mang tính ngụ ngôn này.

Kết thúc chuyến thăm Washington, Tổng thống Niinisto trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Bloomberg đột nhiên nói rằng, ông “tuyệt đối” muốn trò chuyện với Tổng thống Putin. Vấn đề còn lại ở đây là, liệu ông Putin có còn muốn ngồi lại để trò chuyện với ông Niinisto hay không. Mới đây nhất, ngày 16-3, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đã bày tỏ ý tiếc nuối về việc Phần Lan, cũng như Thụy Điển, xin gia nhập NATO. Bởi lẽ, Moscow không hề làm gì mang ý đe dọa Helsinki cả! Ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ một lần lấy làm tiếc về một sự định hướng như thế đối với việc làm thành viên trong NATO. Cả Phần Lan và Thụy Điển đều không tạo ra mối đe dọa đối với chúng tôi và cũng không có một mối đe dọa nào từ phía chúng tôi đối với họ”. Trong bối cảnh thế giới nói chung và châu Âu nói riêng đang bị chia rẽ bởi hố sâu vô đáy của những quyền lợi địa chính trị như hiện nay, những quốc gia ở vùng nhạy cảm giáp giới giữa những “phản lực” như Phần Lan rất khó có thể khoanh tay thúc thủ tọa sơn quan hổ đấu. Nhưng chọn bạn nào để chơi lâu dài mà vẫn an toàn lại là câu hỏi vô cùng khó tìm lời đáp chuẩn xác.

Không rõ nếu sắp tới cuộc gặp giữa hai Tổng thống Phần Lan và Nga cuối cùng vẫn có thể được sắp xếp thì đại diện của Helsinki sẽ phải nói gì với chủ nhân Điện Kremlin để tìm kiếm một mối quan hệ khả dĩ hơn hiện nay?

HỒNG THANH QUANG