Xung đột Nga-Ukraine là ví dụ điển hình cho thấy các tổ hợp công nghiệp quân sự khổng lồ của phương Tây đã kiếm lợi như thế nào. Với hàng chục tỷ USD vũ khí đang được gửi đến Ukraine, cuộc xung đột địa chính trị lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai trở thành cỗ máy in tiền cho giới buôn bán vũ khí Mỹ và châu Âu.
Trong khi nhà thầu quốc phòng Raytheon của Mỹ gấp rút thu gom các hệ thống tên lửa chống tăng Javelin với giá thành của mỗi quả tên lửa khoảng 78.000USD và giá phóng tái sử dụng là 100.000USD để chuyển đến Ukraine thì Lockheed Martin nhận tin vui khi Mỹ quyết định cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa cơ động cao M142 (HIMARS) do hãng này sản xuất. Còn Olin-nhà cung cấp đạn cỡ nhỏ lớn nhất của quân đội Mỹ thì có thể hài lòng với những khoản lợi kếch xù từ hàng chục tỷ viên đạn viện trợ cho Ukraine.
Các lái súng châu Âu cũng không chịu chậm chân. Nhà thầu quân sự BAE Systems của Anh liên tục nhận được đơn hàng viện trợ cho Ukraine, hết lựu pháo 155mm đến xe bọc thép Stormer, rồi đủ các loại đạn cho vũ khí cỡ nhỏ. Hãng Thales nổi tiếng của Pháp thì trúng gói thầu cung cấp vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới NLAW. Còn nhà thầu quân sự Dynamit Nobel của Đức thì nhận được hợp đồng chế tạo 3.000 vũ khí chống tăng Panzerfaust 3 cùng với 5.100 vũ khí chống tăng MATADOR để chuyển cho Ukraine.
Dữ liệu tuần báo Tin tức quốc phòng của Mỹ và nền tảng thông tin tài chính của Nga cho biết, kể từ thời điểm xung đột Nga-Ukraine nổ ra đến ngày 11-1-2023, tổng giá trị thị trường của 25 doanh nghiệp quân sự lớn của phương Tây đã tăng từ 579 tỷ USD lên 703 tỷ USD, tổng kim ngạch tăng trưởng đạt khoảng 124 tỷ USD, tương đương tăng 21,5%. Chẳng thế mà cổ phiếu của các công ty quốc phòng các nước phương Tây đang tăng “như diều gặp gió”. Và nếu như cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục kéo dài như dự báo, trong khi mức độ can dự của Mỹ và châu Âu duy trì như hiện nay, các công ty quốc phòng lớn của phương Tây sẽ còn kiếm lời nhiều hơn nữa.
Chưa hết, từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, Mỹ và NATO đẩy lên “mối đe dọa” Nga, làm gia tăng sự lo lắng về an ninh của các nước thành viên NATO, gián tiếp ép các nước này tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, ít nhất 15 quốc gia châu Âu đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng. Còn trong toàn Liên minh châu Âu (EU), các cam kết bổ sung ngân sách quốc phòng ước tính lên tới 200 tỷ euro, đặc biệt là Đức đã quyết định chi thêm 100 tỷ euro trong những năm tới để thành lập một quỹ đặc biệt nhằm nâng cấp thiết bị quân sự nhanh chóng, giúp Berlin đóng một vai trò nổi bật hơn trong NATO và các nhiệm vụ quân sự của EU.
Mức tăng này lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh lạnh và đây là tin vui đối với các công ty sản xuất vũ khí, đặc biệt là của Mỹ, bởi các đồng minh NATO sử dụng số lượng lớn vũ khí của Mỹ. Ước tính, hơn một nửa chi tiêu quân sự của các nước châu Âu trong thời gian gần đây đã được dồn cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ. Trong đó, Na Uy dành 83% ngân sách mua sắm vũ khí cho các lô hàng từ Mỹ. Với Anh, Italy và Hà Lan, con số này lần lượt là 77%, 72% và 95%.
Xung đột Nga-Ukraine cũng làm tăng mạnh giá trị của các giám đốc điều hành (CEO) vũ khí. Đây là những người đang được trả lương thuộc loại cao nhất trên thế giới, với mức lương lên tới hàng triệu USD để bảo đảm vũ khí được bán nhanh hơn và trở nên nguy hiểm hơn. Theo báo cáo mới đây của Forbes, mức thù lao trung bình cho CEO của các hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ là 21 triệu USD/năm. Con số này có xu hướng tăng lên khi doanh thu của các công ty vũ khí toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng trong 5 năm tới.
Các hợp đồng mua bán vũ khí đã trở thành miếng mồi béo bở mà bao quanh là những chiếc vòi bạch tuộc của các lái súng. Thị trường không phải được phân chia mà là tranh giành với những màn vận động hậu trường nhộn nhịp. Theo tờ The Guardian, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến một số công ty vận động hành lang quyền lực nhất của Mỹ làm một điều không tưởng: Vận động miễn phí. Nghe thì lạ những thực chất, các công ty này có thể kiếm hàng triệu USD từ các nhà sản xuất vũ khí.
Các lái súng còn tìm mọi cách tác động, thậm chí thao túng chính trường để làm lợi cho mình. Ngành công nghiệp vũ khí Mỹ có nhiều công cụ trong tay để gây ảnh hưởng lên các quyết định thúc đẩy chi tiêu của Lầu Năm Góc. Theo một báo cáo được xuất bản bởi POGO-tổ chức độc lập phi đảng phái có trụ sở ở Washington chuyên điều tra, phanh phui tình trạng lãng phí, tham nhũng, lạm dụng quyền lực-có tới 9 trong số 12 thành viên của Ủy ban Chiến lược quốc phòng Mỹ có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Cơ cấu trên sẽ có tác động lớn lên những tính toán và kết luận của Ủy ban này.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi 4 trong 5 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời gian gần đây đều xuất thân từ 5 nhà thầu vũ khí hàng đầu. Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nguyên là thành viên lãnh đạo của công ty vũ khí General Dynamics; Patrick Shanahan từng là CEO tại hãng Boeing nổi tiếng với loại máy bay ném bom B-52; còn Mark Esper nguyên là Trưởng bộ phận quan hệ với chính phủ tại hãng Raytheon. Sang thời ông Joe Biden, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin từng là thành viên ban lãnh đạo của hãng Raytheon Technologies.
Sẽ còn nhiều chuyện xung quanh cuộc đua kiếm lời của các lái súng.
TƯỜNG LINH