Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cho biết mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai nước không thiết lập một “liên minh quân sự-chính trị”. Điểm đặc biệt của mối quan hệ này là nó vượt lên trên mô hình quan hệ giữa nhà nước với nhà nước và có bản chất “không liên minh, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào nhưng lại có khả năng chống lại tác động từ bên ngoài”.

leftcenterrightdel

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự tiệc chiêu đãi tại Điện Kremlin ở Moscow ngày 21-3. Ảnh: Reuters.

 

Những năm gần đây, quan hệ Nga-Trung luôn trong đà phát triển và ngày càng trở nên gắn bó chặt chẽ. Chỉ trong vòng một thập kỷ, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau tới 40 lần. Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh lần này là một bước ngoặt, đánh dấu thời điểm quan trọng trong mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai cường quốc, mà như đánh giá của Tổng thống Nga Vladimir Putin là đang ở “điểm cao nhất trong lịch sử”.

Đây không phải là lời lẽ hoa mỹ mang tính ngoại giao mà là sự khẳng định trên thực tế mức độ gắn kết hiếm có của mối quan hệ chiến lược toàn diện Nga-Trung, với đặc trưng nổi bật là sự tin cậy rất cao về chính trị giữa hai nước. Có thể thấy trong hầu hết các vấn đề, hai bên đều có sự đồng nhất trong đánh giá, nhìn nhận, từ cục diện phát triển của thế giới, tương lai của trật tự thế giới, đến triển vọng của hệ thống quan hệ quốc tế cũng như các nguyên tắc định hình nên hệ thống đó.

Không khó khăn gì để hiểu vì sao Nga và Trung Quốc lại gắn kết chặt chẽ với nhau như vậy. Trong con mắt của Moscow và Bắc Kinh, thế giới đang biến động phức tạp, mà nổi lên là tham vọng của Mỹ và các đồng minh muốn áp đặt những luật lệ do mình thiết lập, tìm mọi cách ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc cũng như những nước không tuân theo trật tự thế giới do Mỹ áp đặt.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO từng hứa sẽ không “Đông tiến”. Ấy thế nhưng hiện nay, cỗ xe của khối quân sự NATO hùng mạnh nhất thế giới chẳng những tràn khắp Đông Âu mà giờ đã xộc vào không gian hậu Xô viết vốn được coi là khu vực ảnh hưởng của Nga. Những lệnh cấm vận hà khắc mà Mỹ và phương Tây áp đặt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra đang khiến nền kinh tế Nga gặp không ít khó khăn. Trung Quốc thì bị Washington coi là đối thủ tạo ra thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ cần ngăn chặn. Hết “cuộc chiến” thương mại đến các biện pháp hạn chế về công nghệ được Washington tung ra nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Trong bối cảnh cùng phải chịu sức ép từ Mỹ và các đồng minh thì việc Moscow và Bắc Kinh tìm đến nhau để tạo dựng đối trọng là điều tất yếu. Trong bài viết đăng trên báo Nga ngay trước chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định rõ Trung Quốc và Nga cần hợp tác để vượt qua các thách thức trong vấn đề an ninh, bao gồm “các hành vi bá quyền, thống trị và bắt nạt gây thiệt hại lớn”.

14 văn bản gồm tuyên bố, nghị định thư, bản ghi nhớ, thỏa thuận được ký kết chỉ trong chuyến thăm cho thấy quan hệ Nga-Trung đã vượt lên một tầm cao mới. Trong bối cảnh cán cân quyền lực quốc tế đang có sự dịch chuyển lớn, với tư cách là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là các nước lớn trên thế giới, Trung Quốc và Nga khẳng định mình có trách nhiệm cùng theo đuổi nỗ lực chung để thúc đẩy quản trị toàn cầu theo hướng đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế, xây dựng một cộng đồng vì tương lai chung cho nhân loại.

Để đáp ứng vai trò đó, Nga và Trung Quốc không hướng quan hệ phát triển theo mô hình đồng minh, không đưa ra cam kết bảo vệ lẫn nhau bằng việc hỗ trợ quân sự như phương cách của các nước NATO, mà định hình hai nước như là các đối tác chiến lược toàn diện, tương tác chiến lược thực sự. Động lực của sự gắn kết này là mục tiêu cùng hướng tới một trật tự thế giới đa cực, mà trong đó việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung là nhằm bảo đảm cho trật tự đó được thiết lập dựa trên công lý và công bằng quốc tế.

Để mối liên kết này trở nên mạnh mẽ, Nga và Trung Quốc xác định quan hệ song phương sẽ “không giới hạn” về lĩnh vực, “không hạn chế” về quy mô hợp tác, tập trung vào những lĩnh vực chiến lược để giải quyết những yêu cầu chiến lược của nhau. Để đối phó với việc các nước châu Âu tẩy chay mua dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga, Trung Quốc đã giúp bù đắp sự sụt giảm bằng cách mua thêm năng lượng từ Nga, trở thành thị trường quan trọng nhất với khí đốt và dầu thô của Nga. Hai bên đã thỏa thuận về kế hoạch xây mới tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia 2” để vận chuyển khí đốt của Nga qua Mông Cổ đến Trung Quốc, với công suất 50 tỷ m3/năm.

Thế chỗ các doanh nghiệp phương Tây đã rút ra khỏi thị trường Nga sẽ là các doanh nghiệp Trung Quốc. Thương mại song phương sẽ được nâng lên 200 tỷ USD ngay trong năm 2023 và sẽ tiếp tục tăng cao trong các năm sau. Trong trao đổi thương mại, đáng chú ý là Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi trao đổi hối đoái bằng đồng nội tệ để tiết giảm tối đa sự phụ thuộc vào đồng USD, mở ra một xu hướng đa phương tiện thanh toán quốc tế, tạo nền tảng về kinh tế cho mô hình trật tự thế giới đa cực. Thực tế hiện nay, có tới 2/3 thanh toán Nga-Trung là bằng đồng nhân dân tệ.

Phát biểu trong chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định không có quốc gia nào vượt trội so với các quốc gia khác, không có mô hình quản trị nào là phổ quát và không một quốc gia nào có thể áp đặt trật tự quốc tế. Lợi ích chung của toàn nhân loại là hướng tới một thế giới thống nhất và hòa bình, thay vì chia rẽ và bất ổn. Nga và Trung Quốc đang hướng tới một trật tự đa cực và bước ngoặt trong cuộc gặp thượng đỉnh Moscow chính là để tạo động lực chung cho mục tiêu đa cực đó.

TƯỜNG LINH