Phần Lan có thể là một quốc gia không lớn nhưng không yếu về kinh tế và quân sự. Theo các chuyên gia của NATO, quân đội Phần Lan ở thực trạng hiện tại có thể tự bảo đảm an ninh cho các vùng biên giới của mình. Hiện Phần Lan có gần 24.000 quân nhân đương nhiệm và hơn 900.000 quân nhân dự nhiệm đã trải qua các khóa huấn luyện quân sự. Trong tình huống bị tấn công, các đơn vị lục quân, hải quân và không quân Phần Lan có thể tăng quân số thêm 280.000 người nữa. Theo Phó giáo sư Jacob Westberg ở Đại học Quốc phòng Thụy Điển có trụ sở tại Stockholm, với số dân ở mức 5,5 triệu người thì quân đội Phần Lan có thể được coi là một quân đội tương đối lớn và mạnh. Để có thể hình dung rõ hơn, cũng nên biết rằng một thành viên “có máu mặt” vào loại hàng đầu của NATO là Đức, với số dân 82 triệu người và không có luật bắt buộc phải đi lính thì quân đội chỉ ở mức 183.000 người với 30.000 lính dự nhiệm. Theo lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Phần Lan đã không cắt giảm chi phí quốc phòng như các quốc gia khác. Vì thế, với tiềm năng quân sự hiện tại, trở thành thành viên NATO, Phần Lan có thể giúp cho sức mạnh quân sự của liên minh này trở nên hùng hậu hơn đáng kể. Ví như từ nay, NATO có thể trông cậy thêm vào 60 máy bay tiêm kích hiện đại của quân đội Phần Lan.

leftcenterrightdel
 Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số nhân vật bất đồng với chính sách đối ngoại của Điện Kremlin cho rằng, nước Nga đã bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm ngăn chặn quá trình “Đông tiến” của NATO, thế nhưng rốt cuộc đã rơi vào tình trạng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” khi Phần Lan đã gia nhập NATO. Thậm chí Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình nhân chuyến thăm Ba Lan tháng 2 vừa qua rằng, “Tổng thống Putin muốn “Phần Lan hóa” NATO, nhưng thay vào đó, ông đã phải chấp nhận việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO”. Liên minh phương Tây trở nên đông đúc hơn và Phần Lan không còn là một quốc gia trung lập (đối với Nga) như những thập niên trước đây. Nhìn trên bản đồ, sau sự kiện này, NATO đã tiến tới rất sát “kinh đô phương Bắc” của Nga, thành phố Saint Petersburg.

Thế nhưng, thực chất câu chuyện này không phải như thế. Ông Dmitri Peskov, người phát ngôn chính thức của Điện Kremlin cho rằng, “Phần Lan hóa” đã trở thành một thuật ngữ được sử dụng để chỉ những nước về hình thức vẫn bảo toàn nền độc lập nhưng thực chất luôn tuân thủ theo chỉ đạo của “đại ca” trong chính sách đối ngoại. Ở giai đoạn diễn ra thế chiến thứ hai, Phần Lan đã tồn tại theo đúng nguyên lý ấy. Chính vì thế, những ai gắn việc Phần Lan gia nhập NATO ở thời điểm hiện nay với việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là “ăn không nói có”. Một kịch bản như thế đã được soạn thảo ngay sau khi Liên bang Xô viết tan rã. Và phương Tây đã chưa bắt tay vào thực hiện ngay kịch bản đó chỉ khi Moscow chấp nhận ngậm bồ hòn làm ngọt để chịu lép vế trước họ như trong những năm 90 của thế kỷ trước.

Thế nhưng, chính quyền hiện nay ở Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin đã không nhẫn nhục hành xử như những chính trị gia Nga tiền nhiệm! Và đấy là nguyên nhân chính yếu khiến NATO tiếp tục và sẽ tiếp tục “Đông tiến”. Cũng theo lời ông Peskov, Phần Lan gia nhập NATO không mang lại đóng góp gì cho việc củng cố sự ổn định, nhưng lại tạo ra những đe dọa mới đối với Liên bang Nga. Điều này bắt buộc Moscow phải đưa ra những biện pháp mới để bảo đảm an ninh cho mình. Ở thời điểm hiện nay, chưa thể nói ngay những chi tiết cụ thể về các “biện pháp mới” đó vì còn cần đủ thời gian để cân nhắc mọi nhẽ. Nhưng: “những gì cần thiết để bảo đảm cho an ninh của chúng tôi thì sẽ được thực hiện!”, ông Peskov nhấn mạnh. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cũng lập tức tuyên bố rằng, để đáp trả việc Phần Lan gia nhập NATO, Moscow sẽ gia tăng sự có mặt về quân sự của mình ở khu vực Tây Bắc đất nước: “Chúng tôi sẽ gia tăng tiềm năng quân sự của mình ở khu vực phía Tây và Tây Bắc. Trong trường hợp triển khai trên lãnh thổ Phần Lan những lực lượng và vũ khí của các quốc gia thành viên NATO khác, chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp bổ sung để bảo đảm vững chắc an ninh quân sự của nước Nga”.

Việc Phần Lan gia nhập NATO diễn ra chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội mới ở Helsinki và Đảng Dân chủ-Xã hội (SDF) của nữ Thủ tướng Sanna Marin phải hứng chịu sự thất bại. SDF chỉ về đích ở vị trí thứ 3. Vì thế, Thủ tướng Marin đã phải đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sauli Niinisto. Bà Marin cũng phải rời khỏi ghế Chủ tịch SDF, vị trí mà bà đã giữ từ năm 2019. Trở thành nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới ở thời điểm nhậm chức (năm 2019), bà Sanna Marin đã phải chèo lái con thuyền đất nước trong những điều kiện rất khó khăn của đại dịch Covid-19. Không những thế, bà đã phải đứng trước một bài toán nan giải “em chọn lối nào?” khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ tháng 2-2022. Phần Lan với nữ Thủ tướng Sanna đã chối bỏ nguyên tắc trung lập truyền thống và xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, có lẽ không phải đó là lý do chính khiến SDF thất cử. Bởi lẽ, mặc dù có nhiều mâu thuẫn trong các vấn đề nội địa, nhưng hầu hết các chính đảng ở Phần Lan hiện nay đều có vẻ như khá nhất trí với nhau trong thái độ bài Nga. Theo chuyên gia an ninh Minna Alander từ Viện Quan hệ Quốc tế Helsinki, chính vì thế nên sự thay đổi nội các ở Phần Lan không ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại tương lai của nước này, nhất là trong thái độ đối với Moscow: “Chính sách của Chính phủ Phần Lan đối với nước Nga sẽ ngày càng dựa nhiều hơn trên sự kiềm chế chứ không phải là đối thoại như trước đây”. Một giai đoạn mới tiềm ẩn nhiều căng thẳng đang tới với không chỉ hai quốc gia láng giềng này mà có thể, cả với châu Âu và thế giới...

HỒNG THANH QUANG