Nhìn nhận về mối quan hệ này, trong cuộc điện đàm cấp cao mới đây giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo đều đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

 

leftcenterrightdel

Toàn cảnh buổi điện đàm cấp cao giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 29-3 - Ảnh: TTXVN


 

Vượt qua nhiều thách thức và nghi kỵ, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Với quan điểm nhất quán của Việt Nam “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, từ mở đầu bằng việc xây dựng niềm tin thông qua các vấn đề do chiến tranh để lại, như tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA), tái đoàn tụ các gia đình tị nạn, đến các chương trình nhân đạo, quan hệ Việt-Mỹ đã mở rộng trên nhiều mặt, cả về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, giáo dục...

Nhưng chỉ đến khi đối tác toàn diện Việt-Mỹ được thiết lập với việc xác định rõ 9 trụ cột trong hợp tác giữa hai bên, quan hệ Việt-Mỹ mới bùng nổ. Đến nay, có thể nói mối quan hệ này đã và đang phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Đánh giá về những kết quả đạt được trong 10 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định đó là sự tiếp nối nhưng cũng vượt xa các tiến bộ đạt được trong những năm trước đó.

Nền tảng quan trọng cho sự phát triển của mối quan hệ này là khẳng định của hai bên về các nguyên tắc cơ bản, như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điều này tạo cơ sở để hai bên tăng cường quan hệ về chính trị, ngoại giao với các chuyến thăm cấp cao và các cấp thường xuyên giữa hai nước, qua đó tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ. Đặc biệt, lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ vào tháng 7-2015. Nhân chuyến thăm, hai bên ra Tuyên bố tầm nhìn về quan hệ và nhấn mạnh các nguyên tắc, nhất là việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Trên cơ sở quan hệ chính trị ngày càng mở, hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư có bước phát triển mạnh. Là trụ cột, động lực thúc đẩy quan hệ giữa hai bên, hợp tác kinh tế đã để lại nhiều dấu ấn. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 240 lần, từ nửa tỷ USD năm 1995 lên hơn 120 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD, còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, một đầu mối quan trọng trong các chuỗi cung ứng hàng hóa có vai trò sống còn với nền kinh tế Mỹ, từ chất bán dẫn giúp vận hành điện thoại, ô tô... đến các tấm pin mặt trời thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số những nước đầu tư vào Việt Nam.

Không chỉ lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, các lĩnh vực khác như ứng phó với dịch Covid-19, phục hồi sau đại dịch, khoa học-công nghệ, giáo dục, môi trường cũng có những tiến triển tích cực. Mỹ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hai bên cũng phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, Tiểu vùng sông Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, như phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Những kết quả tích cực trên là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, phù hợp với mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Nó cho thấy sự cần thiết tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ phát triển mạnh mẽ, ngày càng thực chất, ổn định, đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Điểm thuận lợi là dư địa cho mối quan hệ này phát triển còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Trong thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng thương mại song phương liên tục đạt từ 17% đến 19% hằng năm, cho thấy hai nền kinh tế tương tác và bổ sung hiệu quả cho nhau.

Hiện nay, thế giới có 3 trung tâm kinh tế lớn là: Châu Á với các trụ cột như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ; châu Âu với Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ với Mỹ là cường quốc kinh tế số một. Với các đối tác châu Âu, Việt Nam có Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với EU. Với các đối tác châu Á, Việt Nam có thể hợp tác thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việc có thêm một khung kinh tế tương tự với trung tâm Bắc Mỹ là điều cần thiết.

Không gian phát triển đang rộng mở, vấn đề đặt ra là làm sao khai thác tiềm năng, đưa quan hệ Việt-Mỹ bước vào giai đoạn phát triển mới ngày càng hiệu quả. Đây là đòi hỏi mà hai bên cần xem xét và cập nhật các khuôn khổ chính sách sao cho phù hợp với đà tăng trưởng của quan hệ, tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác giữa hai nước. Nền tảng và kết quả tích cực của 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ sẽ cho phép hai bên có thể mở rộng tầm nhìn, từng bước nâng mối quan hệ đối tác này lên tầm cao mới, phục vụ cho lợi ích quốc gia của mỗi nước, cũng như đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển chung ở khu vực.

TƯỜNG LINH