Ít người có thể phủ nhận vai trò không gì thay thế được của Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nói riêng trong việc góp phần xử lý các vấn đề ngày một phức tạp và mâu thuẫn của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, đã xuất hiện ngày một rõ nhu cầu cải cách cơ cấu và hoạt động của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này.
Một trong những đối tượng được yêu cầu phải cấp bách cải cách của LHQ là HĐBA.
Còn nhớ, trong cuộc họp của HĐBA LHQ trung tuần tháng 12-2022, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Korosi (người Hungary) cực chẳng đã đã phải nhắc nhở các thành viên HĐBA rằng, những quyết định mà họ thông qua có tác động tới tình cảnh của 8 tỷ người trên hành tinh chúng ta. Ông Korosi nhấn mạnh: “Quý vị phải góp phần cải thiện các điều kiện sống của những người đang trông cậy vào quý vị. Và quý vị phải làm việc này trong giai đoạn những thay đổi toàn cầu và sự phân cực sâu sắc”.
Theo ông Korosi, thật kỳ lạ là trong suốt giai đoạn từ khi bùng nổ chiến sự ở Ukraine cho tới thời điểm đó, HĐBA đã không thông qua được bất cứ một nghị quyết nào để khắc phục cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, mặc dù lý do để sinh ra LHQ chính là nhiệm vụ phải ngăn chặn những cuộc khủng hoảng như thế. Thế gian từ trước tới nay luôn phải khổ không chỉ vì những hành động mà cả vì sự không hành động, bó tay thúc thủ của Đại hội đồng và trước hết là của HĐBA...
Đây thực ra vẫn tiếp tục là một câu chuyện “xưa như trái đất”! Tuy nhiên, có một sự trớ trêu là hầu như tất cả đều thống nhất về nhu cầu đó, nhưng lại rất “ông chẳng bà chuộc” khi đi vào những chi tiết cụ thể về việc cần đưa thêm những quốc gia nào vào HĐBA. "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay", giữa phương Tây và các phương còn lại của thế giới đều có những phương án rất khác nhau trong vấn đề này.
Chính vì thế nên cho tới gần đây, những tranh luận và thảo luận xung quanh việc cải cách HĐBA đã diễn ra rất cầm chừng, không thể đi tới một kết luận chung nào. Tuy nhiên, tất cả đều nhận thức được tính thời sự và tầm quan trọng của vấn đề này nên nó liên tục được nhắc tới trong các cuộc gặp mặt quốc tế ở những tầm cỡ cao nhất, không chỉ trong khuôn khổ LHQ. Mọi sự càng trở nên cấp bách hơn kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
|
|
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters
|
Đầu tháng 2 năm nay, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đều đồng thanh lên tiếng về nhu cầu phải mở rộng HĐBA. Đầu tháng 3 vừa qua, các nước tham gia cuộc đối thoại 4 bên QUAD (Australia, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản) tổ chức tại New Delhi cũng lên tiếng kêu gọi mở rộng HĐBA. Một quốc gia khác là Thổ Nhĩ Kỳ cũng thường xuyên lên tiếng kêu gọi cải cách HĐBA.
Nói chung thì ít có ý kiến khác phản bác. Tuy nhiên, khi đi vào cụ thể thì lập tức nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn. Và mọi sự vì thế, cho tới nay vẫn như ném đá ao bèo. Bởi lẽ, HĐBA LHQ vẫn là nơi tập trung những góc nhìn trái ngược nhau về rất nhiều vấn đề và xét theo thực tế, hố sâu ngăn cách những thành viên của HĐBA LHQ đang có xu hướng ngày một gia tăng.
Mới đây nhất, trong phiên họp ngày 24-4 của HĐBA LHQ mà LB Nga nắm vai trò Chủ tịch, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã tuyên bố rằng tình hình mới đòi hỏi những giải pháp mới và đa số nước thành viên hiện đều đang mong muốn cải tổ HĐBA. Thế nhưng, như nhiều nhà quan sát nhận định, ở thời điểm hiện nay, câu chuyện về cải cách LHQ vẫn chỉ là một việc “nói lấy được” chứ chưa thể có điều gì cụ thể. Về bản chất, vấn đề này được đưa ra chẳng qua như một nỗ lực "cố đấm ăn xôi" của phương Tây nhằm nhồi thêm đồng minh của mình vào HĐBA để “pha loãng” nồng độ "vodka" Nga trong thiết chế này của LHQ. Và đó là điều mà Moscow không thể chấp nhận vì ngay ở thời điểm hiện nay, như Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nhấn mạnh, trong HĐBA, phương Tây đang lấn át phần còn lại của thế giới quá rõ.
Thực sự, cộng đồng các nước phương Tây và đồng minh của họ ở những khu vực khác muốn sử dụng câu chuyện cải cách LHQ và mở rộng HĐBA như một cách làm khả dĩ giúp tạo ra sự suy giảm ảnh hưởng của Moscow trong tổ chức quốc tế này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thậm chí trong năm 2022 còn không chỉ một lần đưa ra yêu cầu khai trừ Nga ra khỏi HĐBA. Tất nhiên, ý kiến này đã bị nhìn nhận như một sự ngẫu hứng quá đà từ phía Ukraine. Đến mức ngay cả đại diện của Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield, cũng phải công nhận rằng ở thời điểm hiện nay, không thể nào loại bỏ nước Nga ra khỏi thành phần HĐBA.
Người Nga, hiểu rõ thâm ý của các đối thủ, dĩ nhiên là rất khó có thể gật đầu với những phương án mà phương Tây đưa ra trong câu chuyện năm người mười ý này. Các đại diện của LB Nga luôn nhấn mạnh, muốn loại Moscow ra khỏi HĐBA thì chỉ có cách thay đổi Hiến chương LHQ. Mà muốn thay đổi Hiến chương LHQ thì cần phải nhận được phiếu ủng hộ của 2/3 Đại hội đồng LHQ và sau đó cần được phê chuẩn bởi 2/3 thành viên LHQ, kể cả những thành viên thường trực HĐBA. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngay từ năm 2022 đã tuyên bố: “Không tồn tại con đường hợp pháp nào khác cho việc thực hiện một kế hoạch tương tự...”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã thẳng thắn thừa nhận trong phiên họp hạ tuần tháng 4 của HĐBA (mà ông ngồi ghế chủ tọa) rằng LHQ đã lâm vào một “sự khủng hoảng sâu sắc”, bởi lẽ ở thời điểm hiện tại, “thế giới có lẽ đã đi đến một ranh giới còn nguy hiểm hơn cả thời Chiến tranh lạnh”. Nhưng theo ông Lavrov, có thể cần mở rộng HĐBA, nhưng không phải bằng những đại diện của các nước phương Tây, mà phải bằng những đại diện của các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.
HỒNG THANH QUANG