Tướng Mark Milley nhận xét, sự đối đầu trong “chiến tranh lạnh” đã diễn ra giữa hai siêu cường duy nhất là Hoa Kỳ và Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trong một thời gian không ngắn, trên thế giới chỉ tồn tại một siêu cường duy nhất là Mỹ. Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay và có lẽ trong một số thập niên nữa, thế giới đang và sẽ phải sống trong một trật tự quốc tế đa cực với tối thiểu là 3 siêu cường (Mỹ, Nga và Trung Quốc). Đó là yếu tố khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn rất nhiều trên bàn cờ chính trị toàn cầu. Không những thế, yếu tố “tam hổ” đối đầu hiện nay có thể còn làm nảy sinh chuyện một số nước lớn khác cũng bắt đầu tìm kiếm những vai trò mạnh mẽ hơn trong địa bàn khu vực của mình và trong tương lai không xa lắm, có thể cũng sẽ giành được vị thế siêu cường như Mỹ, Nga và Trung Quốc... Chính vì thế, theo dự báo của tướng Milley, trong những thập niên sắp tới, với cơ chế 3 siêu cường, thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau.
|
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters |
Trong cách hiểu đương đại, siêu cường phải là một quốc gia có tư thế chính trị, kinh tế hay quân sự lớn vượt trội đại đa số các nước trên thế giới. Siêu cường phải có đủ khả năng tung hứng tùy ý tiềm năng quân sự (như tên lửa, các căn cứ quân sự, phi cơ hạm, chiến hạm...) để bảo vệ những lợi ích chính trị và kinh tế của mình trên khắp thế giới. Siêu cường quốc cũng phải có một cộng đồng dân cư có trình độ học vấn toàn phần, tiềm năng khoa học và công nghiệp cao, cùng mạng lưới dịch vụ xã hội bao phủ rộng rãi.
Thuật ngữ siêu cường lần đầu tiên được gán cho Moscow từ năm... 1944! Khi đó, Liên Xô đã được gọi là siêu cường trong một cuốn sách viết về “Bộ ba thần thánh”. Tổng thống Mỹ thứ 32 Franklin Roosevelt (1882-1945) cũng đã gọi Liên Xô là “siêu cường” trong một cuộc trò chuyện với lãnh tụ Xô viết Stalin (1878-1953) lần dự hội nghị Yalta 1945. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, các nhà lãnh đạo Xô viết đã cố gắng tránh sử dụng thuật ngữ siêu cường khi nói về quốc gia của mình. Chỉ tới năm 1971, trong văn kiện của Đại hội lần thứ XXIV Đảng Cộng sản Liên Xô thì một thuật ngữ mang nội hàm tương tự mới được đưa ra. Điều này đã được thể hiện trong bài phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrey Gromyko (1909-1989) tại đại hội, trong đó nhấn mạnh rằng: “Tương quan lực lượng trên thế giới đã thay đổi một cách căn bản. Chỉ cách đây không lâu chúng ta còn phải bắt buộc cân nhắc rất kỹ càng hết lần này đến lần khác, trước khi thực hiện một bước gì đó về đối ngoại, phản ứng có thể có từ phía Mỹ hay từ phía Pháp. Thế nhưng, giai đoạn đó đã kết thúc...”. Và ông Gromyko khẳng định, ở thời điểm đó, Liên Xô muốn cái gì thì sẽ nhận được cái đó: “Dù họ có gào thét điều chi ở đó thì tương quan lực lượng hiện ở mức mà họ không thể dám động đậy việc gì. Chúng ta thực sự đã trở thành một cường quốc vĩ đại!”.
Còn nhớ, ngay từ năm 2015, ấn phẩm theo khuynh hướng bảo thủ National Interest của Mỹ đã lập ra danh sách 5 siêu cường quốc duy nhất trong toàn bộ lịch sử trái đất.
Theo đó, siêu cường là đất nước có đủ nguồn lực để duy trì sự vượt trội hơn hẳn của mình trước tất cả đối thủ. Và những đất nước như thế trong mấy nghìn năm qua là đế quốc La Mã, Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn, đế chế Anh, Liên Xô và Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama cuối năm 2017 trong một cuộc họp báo ở Berlin cũng đã tuyên bố, ngược với nhiều phát biểu trước đó của chính ông, rằng, nước Nga là một siêu cường quân sự, có ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới và khu vực của mình. Ông Obama nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi về nước Nga không thay đổi kể từ ngày đầu tiên tôi lên làm tổng thống. Nga là một đất nước quan trọng, một siêu cường quân sự, họ có ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Họ đang giải quyết vô số vấn đề, chúng ta cần phải làm việc cùng với họ. Tôi hy vọng vào những mối quan hệ có tính xây dựng đối với nước Nga...”. Tiếc thay, những Tổng thống Mỹ sau ông Obama đã không làm theo định hướng này của người tiền nhiệm.
Thực ra đối với Moscow, định danh siêu cường không phải là mục tiêu nhất thiết cần phải hướng tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng không chỉ một lần tuyên bố rằng, nước Nga “không cố gắng để trở thành một siêu cường”, bởi lẽ trong định danh này ẩn chứa “một số yếu tố gắn với việc duy trì ảnh hưởng của mình đối với một số quốc gia khác và thậm chí cả một khu vực”. Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn quay về với tình thế mà Liên Xô từng duy trì, khi áp đặt cho hàng xóm láng giềng, trong đó có các nước Đông Âu, lối sống, mô hình chính trị của mình và những thứ tương tự. Điều này không có tính xây dựng, quá tốn kém và không có triển vọng lịch sử.”
Thế nhưng, ở giai đoạn hiện nay, dù đang phải thực hiện vô số sứ mệnh khó khăn và đầy trắc trở, nhưng Moscow đang trở thành một trong những sự lựa chọn khách quan của lịch sử để phối hợp với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc-siêu cường thứ ba, đặt nền móng cho một trật tự thế giới mới thực sự đa cực và không còn là con rối để cho những trung tâm quyền lực lớn ở phương Tây, đặc biệt là Washington, giật dây nữa. Sức hấp dẫn không ngừng gia tăng của nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn BRICS hiện nay là một minh chứng cho xu hướng này. Không ngẫu nhiên mà BRICS (hiện có 5 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã là mục tiêu xin gia nhập của hơn 30 quốc gia chủ đạo trên thế giới.
Có thể nói không quá rằng, thế giới đang ở ngưỡng cửa của những chuyện sao đổi ngôi trên bầu trời toàn cầu. Và quá trình này có gây ra nhiều sự đau thương, hủy hoại hay không thì còn phụ thuộc vào chính sự nhận thức về những tương quan lực lượng tất yếu giữa các siêu cường quốc.
HỒNG THANH QUANG