Vẫn những lời lẽ ngoại giao hoa văn nhưng điện chúc mừng mà Mỹ và các thành viên NATO gửi đến ông Erdogan khác thường ở chỗ đi kèm với nó là lời nhắc khéo rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đại diện của khối phương Tây và là “thành viên quan trọng của NATO”. Trong khi tờ Le Monde của Pháp mô tả kết quả cuộc bầu cử tạo ra “bóng ma tương lai u ám” ở Thổ Nhĩ Kỳ, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin hết lời ca ngợi chiến thắng của ông Erdogan, coi đó là cơ hội mở ra “một đại lộ mới” trong quan hệ giữa hai nước.

Là một trong những thành viên lâu đời nhất của NATO (gia nhập từ năm 1952), lại có tiềm lực quân sự khá mạnh khi sở hữu đội quân lớn thứ hai trong khối, Thổ Nhĩ Kỳ được Mỹ và NATO đánh giá cao. Vị trí địa lý ở sườn Đông Nam NATO khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành người bảo đảm an ninh quan trọng cho liên minh quân sự này. Không phải ngẫu nhiên mà nước này được Washington tin tưởng chọn là nơi cất giữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở châu Âu. 

leftcenterrightdel

 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Time

Có điều, tư cách đồng minh trong NATO không phải lúc nào cũng đưa Washington và Ankara cùng nhìn về một hướng. Không những thế, trong nhiều vấn đề, quan điểm của hai bên đối đầu “như nước với lửa”. Trong khi Mỹ liên tục chỉ trích vấn đề nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, thì Tổng thống Erdogan công khai cáo buộc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016 nhằm lật đổ ông. Ankara cũng không hài lòng việc Washington từ chối dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ giáo sĩ Gulen, người mà ông Erdogan nghi là chủ mưu cuộc đảo chính. Cũng chính vì cú “ngáng chân” của Ankara mà lộ trình gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan bị kéo dài.

Thổ Nhĩ Kỳ còn bất đồng gay gắt với Mỹ liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này ở Syria. Trong con mắt của Ankara, lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đã phát động cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ để đòi độc lập. Trong khi đó, lực lượng này lại được Washington coi là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Chưa hết, nằm trong liên minh phía Tây nhưng Ankara lại cứ nhìn sang phía Đông, sẵn sàng bắt tay với những đối tác mà Mỹ và NATO coi như đối thủ là Nga và Trung Quốc. Bất chấp lời cảnh báo của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết bỏ ra 2,5 tỷ USD mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 20 tỷ USD cũng là công trình được Nga xây dựng. Cuộc xung đột Nga-Ukraine càng làm rõ sự rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây. Không như các nước thành viên NATO khác, Ankara không hưởng ứng lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với Nga. Không những thế, dòng dầu lửa của Nga không thể chảy sang châu Âu bởi lệnh cấm vận thì lại đổi hướng đổ vào những nơi khác như Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, Ankara và Moscow còn thỏa thuận biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm cung ứng khí đốt quan trọng với nguồn bảo đảm từ Nga.

Nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu với cách hành xử, mà như chỉ trích của Ngoại trưởng Mỹ là “không giống ai” của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu nhìn vào vị trí địa lý của nước này thì mới thấy ông Erdogan đã khôn khéo thế nào khi tận dụng yếu tố địa chính trị để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho đất nước. Nằm ở ngã 3 giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là cầu nối giữa các châu lục. Đất nước này lại được tự nhiên ưu đãi khi án ngữ tuyến đường biển quan trọng từ Biển Đen qua eo biển Bosphorus ra Địa Trung Hải rồi vươn tới Đại Tây Dương. Tàu quân sự của Mỹ và NATO muốn vào Biển Đen qua eo biển Bosphorus phải được Thổ Nhĩ Kỳ cho phép đi. Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ chẳng còn tầm vóc chiến lược nếu như bị nhốt trong Biển Đen, không vươn được tới các đại dương trên toàn cầu.

Chính vì thế, các nước lớn đều quan tâm đến Thổ Nhĩ Kỳ, tạo cho nước này nhiều lợi thế. Nhưng nếu không khéo tận dụng yếu tố địa chính trị này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải hứng chịu nhiều hệ lụy. Rất may, Thổ Nhĩ Kỳ đã không để mình rơi vào tình thế khó xử. Điển hình như trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, bất chấp là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì mối quan hệ cân bằng giữa các bên xung đột. Hơn ai hết, ông Erdogan hiểu rằng cuộc xung đột nào rồi cũng sẽ qua đi, toan tính của các siêu cường lại thật khó lường, chẳng dại gì để xảy ra sự nghi kỵ, đối đầu, thù hận với những người hàng xóm Nga và Ukraine bởi nó có thể ám ảnh muôn đời.

Chính sách đối ngoại độc lập, đa chiều, đề cao tự chủ chiến lược đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ duy trì quan hệ cân bằng với cả đối tác và đối thủ, không bị biến thành nơi đối đầu, không rơi vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các siêu cường. Nó giúp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm giữa các cuộc xung đột và tranh luận quốc tế lớn. Chính nhờ vai trò trung gian hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã được tổ chức trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được ký kết giữa Nga và Ukraine cũng là nhờ sự tác động của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tương lai, Ankara vẫn duy trì quan hệ mang tính xây dựng với Nga để tận dụng nguồn lợi từ năng lượng và du lịch, mở rộng quan hệ với Trung Quốc để tìm lợi ích về kinh tế và an ninh...

Cái mác “đồng minh khó bảo, đối tác khó lường” mà Mỹ và NATO gắn cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến Ankara khó chịu. Nhưng xem ra, đó là cách hành xử khôn khéo khi bị rơi vào vị trí địa lý với những yếu tố địa chính trị đầy lợi thế nhưng cũng không ít rủi ro.

TƯỜNG LINH