Không chỉ một năm nay, đặc biệt từ khi thủ lĩnh của Đảng Hành động và Đoàn kết (PAS) Maia Sandu trở thành Tổng thống Moldova năm 2020, nước cộng hòa này ngày càng thể hiện rõ ham muốn được gia nhập EU. Không có gì khó hiểu khi một nguyên thủ quốc gia như bà Sandu rất được hoan nghênh ở phương Tây. Và được ủng hộ gần như vô điều kiện trong các nỗ lực bài xích người láng giềng phương Đông từng rất gắn bó dưới thời Liên bang Xô viết là nước Nga. Phải nói rằng Tổng thống Moldova ngày càng không e ngại trong việc bộc lộ những cảm xúc không mấy thiện chí với Moscow. Đến mức, ngày 23-5, trả lời phỏng vấn cho ấn phẩm EuroNews Romania, bà Sandu đã tuyên bố rằng, Kishinev sẽ thực hiện quyết định của Tòa án Hình sự quốc tế và sẽ bắt giam Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông đặt chân đến Moldova. Không khó đoán ra thái độ của Điện Kremlin đối với lời tuyên bố này.

leftcenterrightdel
Tổng thống Maia Sandu phát biểu tại một cuộc họp ở Chisinau, Moldova. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Cũng chính nữ Tổng thống Sandu đã có sáng kiến đứng ra nhận Kishinev làm nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu vào ngày 1-6. Ngay trong tháng 5 vừa qua, bà đã tổ chức nhiều hoạt động ở Moldova để thể hiện quyết tâm chèo lái con thuyền đất nước tiến tới cập bến EU trong tương lai gần nhất. Ngày 21-5, tại Kishinev và 33 thành phố khác ở châu Âu, theo sáng kiến của bà Maya Sandu đã diễn ra Hội nghị Dân tộc “Moldova Âu châu”. Tham gia có nữ Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola và nữ Tổng thống Sandu. Mặc dù những người tổ chức cho rằng, hoạt động này mở cửa cho tất cả công dân Moldova ủng hộ con đường đi tới hòa nhập châu Âu và không mang tính chính trị nhưng định hướng chính trị của nó thì lại rất rõ ràng. Tại diễn đàn này, bà Sandu đã tuyên bố rằng, “cách tốt nhất để củng cố dân chủ và tự do ở Moldova là gia nhập EU”. Và những người tham gia Hội nghị Dân tộc “Moldova Âu châu” đã bày tỏ sự ủng hộ việc đưa yêu cầu Moldova gia nhập EU vào Hiến pháp.

Tiếp theo, ngày 25-5, Quốc hội Moldova đã thông qua nghị quyết về sự tất yếu không thể đảo ngược được của chính sách hòa nhập với châu Âu theo đúng tinh thần nghị quyết của hội nghị dân tộc “Moldova Âu châu”. Nghị quyết nêu rõ: “Sự tất yếu không thể đảo ngược được của quá trình hòa nhập với châu Âu và gia nhập EU trong giai đoạn tiếp theo vẫn là dự án quốc gia được ưu tiên của Moldova và toàn bộ xã hội, tất cả lực lượng chính trị đều phải thể hiện sự trưởng thành, thống nhất và đoàn kết để củng cố đối thoại chính trị và xã hội vì quyền lợi dân tộc-đưa Moldova gia nhập EU”.

Xã hội dân sự, các thủ lĩnh của dư luận xã hội, các chính đảng tham gia và không tham gia Quốc hội ở Moldova, theo nghị quyết trên, “đều cần phải ủng hộ vô điều kiện, không phụ thuộc vào quan điểm chính trị, thực hiện các yêu cầu của nghị quyết, cũng như các nghĩa vụ phải chấp nhận khi Moldova đệ đơn xin gia nhập EU”. Quốc hội Moldova cũng kêu gọi Chính phủ và các cơ quan khác của Nhà nước “đưa ra những nỗ lực thống nhất và hiệu quả để thực hiện mọi nghĩa vụ trước EU, bắt đầu đàm phán về việc gia nhập tổ chức này. Trong tinh thần đó, nghị quyết đã được 55 nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền ủng hộ (Quốc hội Moldova có 101 nghị sĩ). Thế nhưng, tỷ lệ những nghị sĩ không ủng hộ nghị quyết cũng không phải là quá nhỏ. Các nghị sĩ thuộc Liên minh những người cộng sản và xã hội Moldova đã phê phán sáng kiến trên, coi cuộc họp là một biểu hiện của “nền dân chủ quảng trường”. Họ chỉ ra rằng cần phải đưa những vấn đề tương tự (định hướng đất nước về đối ngoại) ra trưng cầu dân ý.

Cũng cần phải nói rằng, Moldova hiện đang trong tình trạng không hoàn toàn dễ để đạt được sự thống nhất dân tộc theo định hướng “Tây tiến”. Tại nước cộng hòa này từ lâu rồi vẫn luôn nóng bỏng chủ đề ly khai của khu vực Pridnestrovie. Moldova hiện cũng đang có hàng chục nghìn công dân là người gốc Nga chính hiệu. Khu vực Gagauzia thời gian gần đây cũng không còn yên tĩnh nữa và nguy cơ ly khai đã manh nha hình thành. Như nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, hoạt động của chính quyền ở Moldova hiện nay trong không ít lĩnh vực chịu ảnh hưởng quá mạnh từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Theo các phóng viên của tờ The Grayzone, với ham muốn sử dụng Moldova như một bàn đạp mới trong cuộc đối đầu với Moscow, Brussels và Washington đã và đang gần như mũ ni che tai trước tệ nạn tham nhũng trắng trợn ở cả những cấp cao nhất trong bộ máy quyền lực ở Moldova.

Không chỉ cung cấp những nguồn tài chính làm cho đục nước béo cò, phương Tây còn bắt tay vào thực hiện những dự án thực tế để có thể can thiệp vào tình hình Moldova một cách trực tiếp hơn với danh nghĩa hỗ trợ an ninh và dân chủ. Ngày 22-5, Hội đồng châu Âu tuyên bố bắt đầu hoạt động Phái bộ Đối tác của EU 22 tại Moldova (EUPM Moldova) nhằm gia tăng lĩnh vực an ninh của nước cộng hòa này, trong đó có việc chống lại sự tác động thông tin và can thiệp của nước ngoài. 

Thời hiệu của Phái bộ sẽ kéo dài tới năm 2025. Lãnh đạo phái bộ là phía Romania. Tích cực ủng hộ ý tưởng này nhất, ở thời điểm hiện nay là Đức, quốc gia đã và đang rất tích cực ủng hộ Ukraine trong sự đối đầu với Nga. Ngay ngày 24-5, tại cuộc họp cấp chính phủ liên bang của Đức đã quyết định cử một nhóm chuyên gia 15 người sang Moldova để tham gia hoạt động trong thành phần EUPM Moldova.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu chính phủ đương nhiệm ở Moldova để phương Tây dấn sâu như thế vào công chuyện nội bộ của nước mình, tương lai sẽ tiềm tàng nhiều ẩn họa, đặc biệt là khi chiến sự ở Ukraine đã đặt nước cộng hòa tí hon này vào vùng giáp ranh của một cuộc xung đột ở cấp độ toàn cầu. Lành ít, dữ nhiều. Bài học của Ukraine vẫn đang đỏ máu.

HỒNG THANH QUANG