Đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy cộng đồng quốc tế thực sự coi trọng vai trò của Việt Nam với vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới, đánh giá cao chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cũng như các nỗ lực và đóng góp mang tính xây dựng, có trách nhiệm của Việt Nam vào giải quyết các thách thức chung toàn cầu.

Được coi là một trong những tổ chức có ảnh hưởng nhất trên hành tinh, G7 là diễn đàn giúp các nước phát triển hàng đầu thế giới tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất quan điểm, lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế. Với tiềm lực và ảnh hưởng bao trùm khi chiếm tới 47% GDP toàn cầu và hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, G7 cùng với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có vai trò quan trọng trong việc định hình, củng cố cấu trúc và quản trị toàn cầu.

Không chỉ tăng cường hợp tác nội khối, G7 còn tích cực thúc đẩy các nước đang phát triển tham gia và đóng góp vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng đã đáp ứng xu thế đó với sự xuất hiện của đại diện từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tạo dựng đủ uy tín và năng lực để được mời tham dự diễn đàn quan trọng này, lại với tần suất khá dày như Việt Nam, thì không phải ai cũng có cơ hội. 

leftcenterrightdel

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo các nước G7 mở rộng. Ảnh: baochinhphu.vn 

Gần 4 thập kỷ đổi mới đã đem đến cho Việt Nam một diện mạo hoàn toàn khác. Đã qua rồi thời kỳ đất nước chỉ được nhắc đến như địa chỉ cần ưu tiên cho các khoản viện trợ phát triển với những điều kiện ưu đãi. Mở cửa và hội nhập đã tạo dựng một vị thế mới cho Việt Nam. Cuối năm 2022, dựa trên các yếu tố quy mô kinh tế ngày càng tăng, quyền lực mềm và sức ảnh hưởng được công nhận rộng rãi, hãng US News & World Report đã đưa ra đánh giá Việt Nam là quốc gia hùng mạnh thứ 30 trên thế giới.

Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và nguy cơ suy thoái của nền kinh tế thế giới, năm 2022, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng mà báo chí thế giới mô tả  là “đáng kinh ngạc” với 8,02%. Lần đầu tiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt con số 700 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong lĩnh vực đầu tư, “miền đất hứa” Việt Nam tiếp tục trở thành trọng điểm quan tâm của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, như Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP...

Đó là cơ sở để Việt Nam tự tin bước vào Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, nắm lấy cơ hội để tiếp tục khẳng định lập trường nhất quán, nỗ lực hết sức mình cùng cộng đồng quốc tế đề xuất, triển khai các biện pháp thực chất, hiệu quả nhằm tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19, cũng như xử lý các vấn đề toàn cầu trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, như bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, bình đẳng giới...

Thực tế cho thấy những quan điểm, sáng kiến, đề nghị mà Việt Nam đưa ra trong phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị, nhất là những thông điệp về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng, cho thấy một vai trò mới của Việt Nam. Đã qua rồi thời Việt Nam đến các diễn đàn quốc tế như người quan sát và tìm hiểu. Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế, với tinh thần trách nhiệm, Việt Nam cho thấy mình là một đối tác luôn tham gia chủ động, tích cực, nỗ lực đóng góp cho hòa bình, phát triển và các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Đây chính là sự cụ thể hóa trên thực tế những định hướng lớn mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hơn. Đó là hoạt động đối ngoại đa phương phải chuyển mạnh từ “tham gia” sang “góp phần định hình các cấu trúc mới, luật chơi mới”, mà các trọng tâm là đảm nhận vai trò rộng lớn hơn thông qua các sáng kiến, ý tưởng, đóng góp chính sách, nhân lực, tài chính; chủ trì, điều phối, khởi xướng ý tưởng, dẫn dắt; hoàn tất các cam kết quan trọng như Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu...

Bước vào những diễn đàn lớn như Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng đem lại những cơ hội cho Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác với các nước G7, nhất là trong chuyển đổi mô hình kinh tế và phục hồi kinh tế hậu Covid. Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn. Đây là những lĩnh vực mà G7 có nhiều kinh nghiệm, công nghệ, nguồn lực mà Việt Nam có thể tận dụng. G7 hiện đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên hợp tác năng lượng.

Mỗi sự kiện đối ngoại là một bước tiến góp phần củng cố thêm vị thế của Việt Nam. Đó là một Việt Nam đang vững bước đi lên với tư thế mới của người làm chủ và biết làm chủ vận mệnh của mình; với vị thế mới của một đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định đang trên đà phát triển; với tầm ảnh hưởng mới của một đối tác đang chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các cấu trúc mới, luật chơi mới”, một đối tác luôn có trách nhiệm trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu.

TƯỜNG LINH