Nhưng có lẽ phía Nga không nghĩ thế!
Bởi cuộc "khủng hoảng" này là cuộc khủng hoảng nào? Và bảo vệ nước sở tại khỏi ai?
Câu trả lời thì dường như ai cũng đã biết. Quan hệ Nga-NATO đã rơi xuống điểm thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và thực chất có thể gọi tên nó bằng từ "khủng hoảng"-tình trạng mà trong suốt một phần tư thế kỷ qua không ai nhắc đến. Các quan chức NATO cũng không buồn giấu giếm mục đích thực sự của những cuộc tăng cường quân và vũ khí dọc biên giới Nga diễn ra một cách liên tục là nhằm đối phó với Nga. Bấy lâu nay, đặc biệt kể từ năm 2014 trở lại đây, Nga đã bị gán cho cái nhãn "bất ngờ" và "nguy hiểm". Các văn kiện của NATO nhiều lần xem Nga là mối "đe dọa" đối với trật tự châu Âu.
Nhưng sự vật nào cũng có những lý do của nó.
Nếu như việc mở rộng NATO đến sát đường biên của Nga được xem như một quá trình khó có thể đảo ngược, thì Mát-xcơ-va lại không hề xem nhẹ sự vi phạm ổn định chiến lược có hệ thống ở châu Âu nghiêng theo chiều hướng bất lợi cho Nga. Đó là việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM ký năm 1972, còn gọi là Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo, theo đó hạn chế việc sử dụng các hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Không còn bị hiệp ước này "bó tay bó chân" nữa nên Mỹ đã cho triển khai các cơ sở cho hệ thống phòng thủ tên lửa này ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Đó là điều mà Nga khó chấp nhận.
Hơn thế nữa, phía Nga cho rằng, phương Tây có quá nhiều trách nhiệm trong việc ủng hộ những cuộc "cách mạng màu" ở trong không gian hậu Xô Viết, xem chúng như một hình thức "chiến tranh lai ghép" nhằm chống Nga hay ít nhất là loại bỏ dần vai trò của nước Nga ra khỏi nền chính trị lớn. Đó lại cũng là một điều mà nước Nga khó chấp nhận.
Nhưng khác với trước đây, khi các nước phương Tây hành động trước như ở Nam Tư, Áp-ga-ni-xtan hay I-rắc và Nga thường chỉ có thể hành động sau đó để đáp trả thì kể từ năm 2014, tình thế đã thay đổi hoàn toàn. Nga đã lựa chọn cách tiếp cận chủ động, có tầm nhìn xa, ra tay hành động nhanh và dứt khoát.
Cuộc khủng hoảng ở U-crai-na sau Maidan là một ví dụ. Các nước phương Tây đã sốc trước những hành động quyết liệt và bất ngờ của Nga.
Cuộc nội chiến ở Xy-ri là một ví dụ khác. Nga đàng hoàng tham chiến và đã có những tác động không nhỏ đến diễn biến ở đây, khiến cho cán cân trên chiến trường hầu như hoàn toàn đảo ngược, làm xuất hiện những cơ hội cho một giải pháp chính trị, điều mà trước đấy, do quá tin vào sự áp đảo về lực lượng đối với chính quyền của Tổng thống Ba-sa An Át-xát (Bashar al Assad), phương Tây không hề nghĩ đến.
Hay sự khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, lại là một ví dụ khác nữa về sự quyền biến trong chính sách của Nga trước thế bao vây cấm vận ngặt nghèo của phương Tây. Những tưởng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ của Nga, quan hệ giữa hai nước sẽ không thể hàn gắn, chí ít là trong một thời gian ngắn trước mắt. Vậy mà An-ca-ra và Mát-xcơ-va đã nhích lại gần nhau với tốc độ nhanh đến chóng mặt, trong sự ngỡ ngàng từ phía các đối tác phương Tây của cả hai bên!
Tất cả những động thái nêu trên cho thấy, phương Tây đã đánh giá thấp quyết tâm của Nga muốn tìm lại vị thế đã mất. Những tiếng nói cũng như lợi ích của nước Nga sẽ không bị phớt lờ trong một thế giới đang từ một cực để chuyển dần sang đa cực như trước đây.
YÊN BA