Tuy nhiên, xem ra Washington đã không thành công trong nỗ lực lôi kéo New Delhi vào một mặt trận chung để chống lại những đối thủ tiềm tàng của nước Mỹ.

Mặc dù đã lên cầm quyền tới 9 năm và không chỉ một lần công du sang Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên ông Modi thực hiện một chuyến thăm cấp cao nhất-cấp nhà nước, tới Washington. Nước Mỹ cũng đã chuẩn bị kỹ càng cho một sự biểu diễn cảm xúc mới đối với chuyến thăm quan trọng này của vị thủ tướng quốc gia đang đông dân nhất thế giới, một thị trường lớn tiềm tàng nhiều nguồn lợi trong tương lai. Trước khi hội đàm chính thức, Thủ tướng Ấn Độ cùng tham gia bữa ăn tối ở tầm quốc gia với vợ chồng Tổng thống Mỹ, mà như tờ The Washington Post mô tả, bộ máy Nhà Trắng đã cố gắng dồn hết sức để tổ chức. Ông Modi cũng trở thành nhà lãnh đạo thế giới thứ hai, sau Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, có được hai lần phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ chiều 22-6 (lần đầu ông có bài phát biểu tại đó là vào tháng 6-2016).

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 22.6. Ảnh: REUTERS

 

Trước cuộc hội đàm ngày 22-6 với Thủ tướng Ấn Độ, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố rằng, “quan hệ giữa Ấn Độ với Hoa Kỳ sẽ trở thành một trong những mối quan hệ quyết định đối với thế kỷ 21”. Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cuộc đối thoại 4 bên về an ninh với sự tham gia của Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản (QUAD). Về phần mình, Thủ tướng Modi bày tỏ về “một chương mới trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta” và “tình hữu nghị giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ tạo thêm sức mạnh cho toàn thế giới”.

Cuộc hội đàm cấp cao trong Nhà Trắng ngày 22-6 nhìn chung diễn ra suôn sẻ, ngoại trừ một chi tiết nhỏ là ông Biden, như đã xảy ra nhiều lần trước đó, đã nói nhịu chức danh của ông Modi và gọi ông Modi là ... “tổng thống”. Dẫu sao, cuộc hội đàm cũng dẫn tới hàng loạt thỏa thuận và hợp tác quan trọng giữa hai bên trong rất nhiều lĩnh vực. Hai bên cũng dỡ bỏ các rào cản và tranh cãi để thúc đẩy kinh tế, thương mại; thống nhất tham gia các sáng kiến khu vực và toàn cầu; đầu tư năng lượng sạch; chống biến đổi khí hậu; tăng cường giao lưu nhân dân. Đồng thời, Mỹ và Ấn Độ cũng thúc đẩy quan hệ đối tác quốc phòng thông qua hợp tác sản xuất động cơ máy bay phản lực, mua sắm máy bay không người lái, xây dựng lộ trình quốc phòng mới.

Bài phát biểu của ông Modi trước hai viện Quốc hội Mỹ trong chiều 22-6 đã được hoan nghênh. Trong cách bày tỏ thái độ của không ít ông nghị Hoa Kỳ, Ấn Độ hiện nay rất thích hợp với vai trò đồng minh quan trọng và là đối tác quan trọng về quốc phòng, công nghệ và năng lượng.

Thế nhưng, hoạt động ngoại giao này không chỉ có mục đích như thế. Mặc dầu các đại diện chính thức ở Nhà Trắng không ngớt lời tuyên bố rằng việc củng cố quan hệ giữa Hoa Kỳ với Ấn Độ chỉ là câu chuyện riêng giữa hai nước, nhưng các phương tiện truyền thông ở Mỹ đều cho rằng, Washington đang muốn tận dụng cuộc đối thoại với New Delhi để tạo thêm một công cụ trong cuộc chơi địa chính trị toàn cầu. Không ngẫu nhiên mà tờ The Washington Post đoán chắc rằng, cuộc hội đàm giữa ông Biden với ông Modi là một tín hiệu về sự củng cố một liên minh mà người Mỹ muốn sử dụng để kiềm chế Trung Quốc (nước luôn có “những vấn đề hàng xóm láng giềng” cần xử lý với Ấn Độ). Còn tờ The New York Times thì cho rằng, ông Biden nhìn nhận chuyến thăm này trong tương quan với những nỗ lực của ông về chuyện “xây dựng một liên minh” chống lại Moscow và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ đã rất tỉnh táo để xác định rõ ràng những ranh giới cho “tình hữu nghị” giữa hai nước. Là một chính khách dày dạn kinh nghiệm và từng có những sự tai nghe mắt thấy khá đắng đót trên chính trường, hẳn ông Modi cho tới giờ vẫn không quên được những lần Washington từng áp đặt lệnh cấm vận với Ấn Độ và cả chuyện cá nhân ông bị Washington áp đặt lệnh cấm vận vì những hồ sơ được ngụy tạo hoàn toàn. Ông biết giá trị của đất nước ông chỉ có thể được bảo vệ nếu gìn giữ được vị thế “độc lập tác chiến” một cách hợp lý trên bàn cờ chính trị quốc tế. Không ngẫu nhiên mà cũng chính trên tờ The Washington Post, các nhân viên của Nhà Trắng đã phải công nhận rằng, Ấn Độ “không hề muốn từ bỏ sự độc lập chiến lược của mình và vị thế bằng vai phải lứa với NATO hay phương Tây. Ngay trước khi lên máy bay sang thăm Mỹ lần này, ông Modi trong bài trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal rằng, trong vấn đề Ukraine, New Delhi ủng hộ cho các giải quyết xung đột bằng ngoại giao và thương lượng, điều mà các quốc gia phương Tây hiện nay không hề mong muốn. Ngày 21-6, tại New York, nơi dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Mỹ, ông Modi cũng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm nhân Ngày Yoga quốc tế rằng, Yoga, cũng như đất nước Ấn Độ, cần phải trở thành “nhịp cầu kết nối các quốc gia”.

Theo như nhận xét của tờ The Washington Post, trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ “sẽ không bao giờ trở thành đồng minh của Mỹ”. Và điều này sẽ không thay đổi ngay cả nếu trong cuộc bầu cử sắp tới người trở thành Thủ tướng Ấn Độ không phải là ông Modi. Vấn đề ở đây không nằm ở việc ai cầm quyền tại New Delhi, mà ở những nguyên tắc nền tảng trong chính sách đối ngoại của quốc gia này. Ngay ở thời chiến tranh lạnh dài dằng dặc nhiều thập niên, New Delhi cũng luôn duy trì đường lối “không liên kết”. Và có lẽ trong tương lai, đất nước này vẫn chỉ chấp nhận làm đối tác với các quốc gia khác chứ không thể trở thành đồng minh của bất cứ nước nào, đặc biệt là những nước phương Tây. Trí nhớ tập thể của dân tộc sinh sống cạnh sông Hằng đã, đang và sẽ không bao giờ quên những ký ức tủi nhục thời còn là thuộc địa của phương Tây. Và vì thế, đối với họ, cũng như với người Việt, “không có gì quý hơn một nền độc lập”! 

HỒNG THANH QUANG