Khẳng định cần phải xem xét nghiêm túc “những hồi chuông cảnh báo về AI đang được gióng lên”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ủng hộ đề xuất thành lập cơ quan quốc tế giám sát AI tương tự như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tiếp sau LHQ, Liên minh châu Âu (EU) cũng vội vã thông qua văn bản làm cơ sở cho một đạo luật trong tương lai điều chỉnh các hệ thống AI.

Lịch sử loài người được in dấu bởi những bước ngoặt nhờ các phát hiện, phát minh làm thay đổi cuộc sống con người, như phát hiện ra lửa, phát minh ra máy hơi nước, điện, internet... Sự ra đời của AI chính là một dấu mốc có tính bước ngoặt như vậy. Là một ngành khoa học liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh, AI có thể coi là trí tuệ của máy móc do con người tạo ra. Nó có thể tư duy, suy nghĩ, học tập... như con người nhưng với mức độ xử lý thông tin quy mô hơn, khoa học hơn và nhanh hơn.

leftcenterrightdel
 Trí tuệ nhân tạo AI là một đột phá trong kỷ nguyên mới, nhưng nếu không được sử dụng đúng cách, nó có thể trở thành thảm họa đối với con người.

(Ảnh minh họa: KT)


AI đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc sống, mang lại những lợi ích chưa từng có, mở ra nhiều khả năng có thể nói là vô tận, làm thế giới thay đổi nhanh chóng. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến cách các tổ chức vận hành, đưa ra quyết định và tương tác với những bên liên quan. Nó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sự đổi mới bằng cách tự động hóa các công việc, tối ưu hóa các quy trình và tạo ra những thông tin có giá trị. Với sự trợ giúp của AI, các kỹ năng của con người được tăng cường; trí nhớ, kiến thức và sự sáng tạo được cải thiện; các cơ hội mới như giáo dục trực tuyến, làm việc từ xa, các dịch vụ kỹ thuật số được mở ra...

Thế nhưng, khi AI phát triển đến mức có khả năng tư duy chẳng khác gì con người, thì người ta mới giật mình trước viễn cảnh trí thông minh này vượt ra khỏi tầm giám sát của con người rồi quay sang kiểm soát cả thế giới. Ngay từ năm 2014, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Anh Stephen Hawking đã cảnh báo: “Sự phát triển toàn diện của AI có thể sẽ hủy diệt loài người”. Ông nhận định loài người sẽ bị AI hoàn toàn thay thế trong 500 năm nữa nếu không cẩn trọng trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ nguy hiểm này. Nhà khoa học máy tính người Mỹ Eliezer Yudkowsky được coi là một trong những người sáng lập ra AI, thậm chí còn lo lắng hơn khi tuyên bố: “Rất có thể sẽ xuất hiện một mô hình AI với trí thông minh siêu phàm. Lúc đó, con người trên trái đất có nguy cơ sẽ chết theo đúng nghĩa đen. Không phải là có thể xảy ra mà đó là điều hiển nhiên sẽ xảy ra.

Không chỉ làm mờ ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo, AI có thể xâm phạm quyền riêng tư và bảo mật của người dân bằng cách thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý. Nó có thể làm tổn hại đến phẩm giá, quyền tự chủ và quyền tự quyết của con người bằng cách thao túng các lựa chọn hoặc tác động đến hành vi của con người. Thậm chí nó có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, hạnh phúc và bản sắc của con người, dẫn đến sự phụ thuộc, cô lập hoặc xa lánh.

Chưa hết, một khi AI có thể tự ra quyết định để ứng phó với sự biến đổi của môi trường xung quanh hoặc tự mình tìm giải pháp, thì loài người có thể sẽ không còn an toàn nữa. Khi áp dụng AI hỗ trợ các hệ thống quan trọng như điện lực, giao thông, y tế, tài chính..., nó có thể làm chủ và kiểm soát toàn bộ các hệ thống này và tự ra quyết định, tự ứng phó trong những tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, khi được tích hợp thêm các mục đích mang tính “dã tâm” có chủ đích, AI có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm rối loạn hệ thống giao thông khi vô hiệu hóa hệ thống đèn tín hiệu giao thông hay ngắt điện hệ thống vận hành tàu điện đô thị gây tai nạn liên hoàn...

AI còn có thể tạo ra những vấn đề chưa từng có tiền lệ đối với chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trong tương lai, quốc gia nào có khả năng dẫn dắt sự sáng tạo và kiểm soát được công nghệ AI sẽ nâng cao được sức mạnh quốc gia, năng lực kinh tế, quốc phòng, từ đó làm thay đổi sự cân bằng lực lượng trong môi trường chính trị-kinh tế quốc tế. Ngược lại, những nước không nắm bắt được có thể rơi vào tụt hậu, làm gia tăng nghèo đói và tình trạng bất ổn chính trị. Công nghệ AI cũng có thể bị lạm dụng để can thiệp vào những vấn đề chính trị của một quốc gia như tác động sâu hơn vào các cuộc bầu cử bằng cách triển khai nhiều chiến dịch thông tin, tung tin giả nhằm gây chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng đến kết quả các cuộc bầu cử.

Làm thế nào để bảo đảm rằng AI tôn trọng những giá trị, nhân phẩm và các quyền cơ bản của con người? Làm thế nào để ngăn chặn AI gây tác hại, phân biệt đối xử hoặc lừa đảo? Thời đại AI đòi hỏi chúng ta phải giải quyết những câu hỏi hóc búa này. Theo các nhà khoa học, để vượt qua thách thức này, chúng ta buộc phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức khi sử dụng hoặc phát triển AI; phải tôn trọng quyền và lợi ích của người khác, đồng thời đánh giá cẩn thận các ưu và nhược điểm của AI đối với bản thân và xã hội. Khi AI ngày càng giống con người, thì các yêu cầu minh bạch và trách nhiệm giải trình từ các nhà cung cấp và nhà phát triển AI càng phải được siết chặt. Họ phải bảo đảm rằng người dùng phải được thông báo trước về việc họ sẽ tương tác với danh tính AI (không phải con người) hoặc phải xác thực thông tin này trước khi sử dụng.

Con người luôn đứng giữa một bên là tham vọng không ngừng về những bước tiến nhảy vọt về khoa học công nghệ, chẳng hạn như AI, và một bên là nỗi lo sợ công nghệ sẽ chiếm dụng cuộc sống, làm chủ con người. Không cực đoan khi cho rằng AI chỉ toàn tác động tiêu cực nhưng lời cảnh báo từ AI cũng không thể xem thường.

TƯỜNG LINH