Thuật ngữ này nhằm chỉ các nền kinh tế mới nổi. Đó là tập hợp 4 chữ cái đầu trong tên gọi bằng tiếng Anh của 4 quốc gia Brazil, LB Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Khi nghiên cứu và mô tả những thị trường đang phát triển của 4 quốc gia trên, O’Neill dự đoán rằng trong tương lai 4 quốc gia đó sẽ trở nên ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới và nếu tụ lại cùng nhau thì tới năm 2050 có thể cùng giữ thế thượng phong trên quy mô toàn cầu.
Khởi đầu cho tiến trình hình thành BRIC (và sau này là BRICS) được ghi nhận từ tháng 10-2006, trong thời gian diễn ra kỳ họp lần thứ 61 của Liên hợp quốc (LHQ) tại New York. Khi đó, ngoại trưởng của Brazil, LB Nga, Ấn Độ và Trung Quốc lần đầu tiên cùng ngồi lại với nhau. Tới tháng 6-2009, nguyên thủ các nước BRIC lần đầu tiên hội ngộ tại Yekaterinburg (LB Nga) và nâng cấp độ hợp tác giữa họ lên mức hội nghị thượng đỉnh. Chính trong dịp đó, ngày 16-6-2009, vị nguyên thủ của 4 quốc gia nêu trên đã tuyên bố về việc thành lập một liên minh kinh tế toàn cầu nhằm phá hủy thế bá quyền của phương Tây và chấm dứt hệ thống đơn cực do Hoa Kỳ đứng đầu, bằng cách cải thiện tình huống kinh tế thế giới, cải cách các định chế tài chính và hỗ trợ sự hợp tác tốt hơn giữa các nước thành viên trong tương lai. Liên minh này được gọi là BRIC. Năm 2011, Nam Phi chính thức gia nhập “tứ tấu” này trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba của liên minh ở Trung Quốc. Và liên minh đã trở thành BRICS, với đội hình 5 quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn cả trên thế giới.
Hiện nay, BRICS được đánh giá là một trong những liên minh kinh tế quan trọng nhất thế giới, với những chỉ số phát triển cao đạt được của các nước thành viên trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy, các thành viên BRICS đều là những gương mặt đang có nhiều tiềm năng nổi trội trên thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ hiện đứng đầu thế giới về dân số. Hai quốc gia này cũng giữ vị trí thứ hai và thứ ba trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới. LB Nga là quốc gia có diện tích lãnh thổ rộng nhất thế giới. Brazil là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất ở châu Mỹ Latin. Còn Nam Phi là nền kinh tế lớn thứ ba ở “lục địa Đen”. Nhìn tổng thể, các nước BRICS hiện chiếm tới 40% diện tích toàn cầu. Dân số cũng chiếm tới 40% dân số thế giới.
|
|
Quốc kỳ các nước thuộc khối BRICS. Ảnh: VCG
|
Trên nền móng vững chãi của những của nả đang sở hữu, các nước BRICS phấn đấu trở thành đối thủ cạnh tranh trong thực tế trước G-7 (hiện đang nắm giữ tới 60% của cải trên thế giới). Để đạt được mục đích này, họ đang có đủ các công cụ. Năm 2014, tại thành phố Fortaleza của Brazil đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh BRICS và trong dịp này đã thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) với số vốn điều lệ là 100 tỷ USD. NDB có nhiệm vụ cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng và những dự án bảo đảm việc tăng trưởng bền vững cho các nền kinh tế đang phát triển. Năm 2022, NDB đã kết nạp thêm Uruguay, UAE, Bangladesh và Ai Cập.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS đã ký thỏa thuận về dự trữ đề phòng những trường hợp bất trắc không lường trước được (CRA) và thành lập quỹ tiền tệ dự trữ trị giá 100 tỷ USD để bảo đảm việc bảo vệ khỏi sức ép toàn cầu trong thanh khoản.
BRICS hiện cũng đang thực hiện dự án thành lập đồng tiền thống nhất có thể chấm dứt tình trạng độc quyền của đồng USD trong nền kinh tế thế giới. Tháng 6-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo rằng, Moscow đang cùng các thành viên của BRICS tiến hành xây dựng một đồng tiền dự trữ quốc tế mới trên cơ sở vốn liếng chung của liên minh. Ngoài ra, BRICS còn đang xây dựng một hệ thống thanh toán đa phương, tương tự như SWIFT, để bảo đảm an toàn cho các thanh toán thương mại và loại bỏ khả năng tiến hành các biện pháp trừng phạt gây sức ép từ phía Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của BRICS sẽ diễn ra từ ngày 22 tới 24-8 tại Johannesburg, Nam Phi. BRICS hiện đang cố gắng trở thành một trong những cực chính trị chủ yếu trên thế giới và tìm kiếm các lợi ích từ việc thay đổi trật tự thế giới sau khi kết thúc những gì đang diễn ra tại Ukraine. BRICS hy vọng sẽ gia tăng số lượng thành viên và đa dạng hóa đội hình của mình theo xu hướng thành lập các liên minh địa chính trị mới. Theo đại diện của Chính phủ Nam Phi tại BRICS Anil Suklal, hiện đang có tới 20 quốc gia đã đệ đơn xin gia nhập tổ chức này. Đại diện Nam Phi tại BRICS cũng cho biết, còn có khoảng trên dưới 20 nước cũng bày tỏ mong muốn (một cách không chính thức) được gia nhập BRICS: “Và điều đó chứng tỏ độ tin cậy đối với công việc mà BRICS đã thực hiện được trong 15 năm tồn tại vừa qua của mình”.
Trong số những nước mong muốn được gia nhập BRICS, có 7 quốc gia Arab, trong đó có 5 nước khai thác dầu mỏ: Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Algerie, Bahrain, Ai Cập và Sudan đã chính thức làm đơn xin gia nhập BRICS. Một loạt nước châu Phi cũng có mong muốn này. Nigeria, Senegal, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, quần đảo Comoro và Gabon cũng chính thức tuyên bố mong muốn gia nhập BRICS. Có thông báo rằng, đơn xin gia nhập BRICS của Iran đang được xem xét. Một loạt nước như Argentina, Mexico, Nicaragua, Thái Lan, Uruguay, Venezuela, Cuba, Kazakhstan và Indonesia cũng bày tỏ mối quan tâm tới tổ chức này.
Tất nhiên, không phải cứ muốn là được vì để trở thành thành viên đầy đủ của BRICS, cần có sự đồng thuận của tất cả thành viên chính thức hiện có. Thêm vào đó, còn một số tiêu chí quan trọng khác. GDP của mỗi quốc gia thành viên BRICS phải đạt mức không dưới 200 tỷ USD.
Trong quan hệ quốc tế, không ai trải thảm cho ai trên con đường tiến tới tương lai. Nhưng sức hấp dẫn của BRICS vẫn ngày một cao hơn trong góc nhìn của nhiều quốc gia đang phát triển. Họ hy vọng vào những điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của mình khi trở thành thành viên của liên minh này. Trước họ đã có thí dụ nhỡn tiền, như Nam Phi chẳng hạn, nền kinh tế nhỏ nhất trong BRICS. Năm 2021, GDP của Nam Phi mới chỉ ở mức 163 tỷ USD, còn hiện nay, con số này đang là 419 tỷ USD...
ĐẶNG ĐÌNH NGUYÊN