Đây là cuộc gặp cấp cao liên Đại Tây Dương lần thứ hai giữa hai bên, sau 7 năm “xa mặt” nên có nhiều sự “cách lòng”. Hội nghị có sự tham gia của 27 nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu các chính phủ thuộc EU cũng như 33 nhà lãnh đạo CELC. Trong danh sách khách mời có cả Tổng thống Brazil Lula da Silva, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Tuy nhiên, Tổng thống Nicaragua và Tổng thống Venezuela đã không tới Bruxelles mà chỉ cử ngoại trưởng và phó tổng thống đến.

Theo đại đa số các nhà quan sát, sự kiện lớn này đã là một thất bại về ngoại giao đối với EU bởi các nước thuộc CELC từ chối đưa vào thông cáo chung yêu cầu lên án đối với nước Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các nước Mỹ Latin cũng kiên quyết chối bỏ sự có mặt của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trên diễn đàn hội nghị. Mặc dù, Tổng thống Ukraine đã được người đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh này là Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đích thân mời tham dự.  

leftcenterrightdel
  Các lãnh đạo EU và CELAC tại hội nghị. Nguồn: AFP

Những quốc gia chống lại một cách gay gắt nhất ý tứ bài Nga mà châu Âu muốn cài vào các nội dung làm việc là Nicaragua, Cuba, Venezuela, Bolivia, Salvador và quốc đảo Saint Vincent và Grenadines. Phái đoàn Nicaragua đã từ chối ký tên vào thông cáo chung (đã được biên tập để trung dung hơn nhưng vẫn có từ “cuộc chiến tranh chống lại Ukraine”) ở cuối hội nghị và điều này đã được ghi vào trong chính thông cáo đó. Rốt cục là trong thông cáo chung, cái tên nước Nga đã hoàn toàn không bị nhắc tới mà các thành viên Hội nghị thượng đỉnh EU-CELC chỉ cùng nhau bày tỏ “sự lo ngại sâu sắc” vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong hội nghị, đương kim Chủ tịch CELC, Thủ tướng đảo quốc Saint Vincent và Grenadines, Ralph Gonsalves đã nhấn mạnh rằng, Ukraine không phải là một chiến trường hay khu vực xung đột quân sự duy nhất trên thế giới làm thiệt hại nhân mạng và phá hoại các nền kinh tế. Vì thế, không nên “nhất bên trọng, nhất bên khinh” mà cần phải có thái độ ứng xử hợp lý với tất cả điểm nóng đang tồn tại. Thí dụ như Haiti trong vùng Caribe chẳng hạn. Còn Tổng thống Honduras, Xiomara Castro, Chủ tịch tiếp theo của CELC, cũng đã yêu cầu thông qua một nghị quyết kêu gọi bãi bỏ cấm vận chống Cuba và yêu cầu chấm dứt “tình trạng cướp bóc và tịch thu các tài sản”, vì rằng “tất cả hiện nay đều bị đe dọa bởi viễn cảnh một ngày nào đó bỗng nhiên các tài sản dự trữ của mình bị đóng băng tại những ngân hàng nước ngoài”. Tổng thống Honduras cũng kêu gọi EU trả lại cho nhân dân Venezuela tất cả tài sản mà phương Tây đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp và “xóa bỏ những rào cản ngăn trở quá trình bình thường hóa các mối quan hệ giao thương của chúng tôi với các nước anh em như Nicaragua”.

Tổng thống Brazil, Lula da Silva cho rằng, những viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine chỉ làm kéo dài thêm chiến sự và khiến suy giảm sự chú ý của thế giới tới cuộc đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu... Chủ tịch Cuba, Miguel Diaz-Canel, cũng bày tỏ sự lo ngại của ông trước những theo đuổi dai dẳng của phương Tây nhằm thay thế hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế bằng cái gọi là “trật tự quốc tế dựa trên những quy tắc” không hề được thảo luận hay hiệp thương với tất cả quốc gia. Theo nhà lãnh đạo Cuba, đằng sau những lời lẽ rồng bay phượng múa của phương Tây là sự cướp bóc không thương tiếc những của cải của châu Mỹ Latin. Và sự liên kết chiến lược với phương Tây từng được khua chiêng gõ mõ rầm rộ trước đây, trong thực tế không hề mảy may tồn tại. 

Như thực tế cho thấy, “châu Mỹ Latin và Caribe không bao giờ là ưu tiên thực tế đối với EU”. Chủ tịch Cuba cảnh báo: “Châu Mỹ Latin và biển Caribe không còn là sân sau của Hoa Kỳ nữa”. Đây cũng không còn là những cựu thuộc địa cần được “mẫu quốc” cầm tay chỉ bảo. Ông tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận cách đối xử với chúng tôi như những nhà cung cấp nguyên liệu đơn giản”. Chủ tịch Cuba còn nhấn mạnh: “Chúng tôi là những quốc gia độc lập và có chủ quyền, cùng chung một cách nhìn về tương lai”. Ông Diaz-Canel nhắc nhở: “Cuộc cướp bóc thời thuộc địa và sự trấn lột tư bản chủ nghĩa đã biến châu Âu thành chủ nợ và biến châu Mỹ Latin và biển Caribe thành con nợ... Và hiện nay chính sách tài chính của EU tiếp tục tạo nên những cản trở đối với sự phát triển của CELC”.

CELC đã nêu ra yêu cầu các cường quốc châu Âu phải đền bù cho những thiệt hại trong quá khứ mà nạn buôn bán nô lệ và tình trạng nô lệ đã gây nên. Bằng cách này châu Mỹ Latin cũng bày tỏ sự đoàn kết với châu Phi, nơi đã đưa ra yêu cầu tương tự. Chính yêu cầu này đã làm thay đổi vai vế trong hội nghị: Các nước thuộc “lục địa già” không còn có thể tự đắc với vai trò bề trên có quyền dạy dỗ mà trở thành tội phạm phải trả giá cho những ác độc đã gây ra trong quá khứ đối với châu Mỹ Latin... CELC đã nhận thức được rằng, họ không tìm thấy sự đồng cảm và thấu hiểu từ phía EU, tổ chức chỉ “sáng tai họ, điếc tai làm” và chỉ chấp nhận những gì có lợi cho chính mình. Có lẽ vì thế nên tại hội nghị đã không đạt được mục tiêu chính là ký một thỏa thuận toàn diện về khu vực thương mại tự do giữa EU và tổ chức kinh tế châu Mỹ Latin MERCOSUR (bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay)... Những khoảng cách còn lại là quá xa.

Tờ báo Đức Die Zeit đã gọi đó là một Hội nghị thượng đỉnh “tai tiếng” vì đã giúp bóc trần cho người châu Âu thấy rõ gương mặt thật của họ trong nền ngoại giao quốc tế. EU đã thất bại trong những cố gắng muốn cho Điện Kremlin nói chung và cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin nói riêng mục sở thị về việc dường như họ đang bị cô lập hoàn toàn trên trường quốc tế. Chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phải cay đắng công nhận rằng dường như những lý do “đế quốc” Moscow đã nêu ra để tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang ngày càng tìm được nhiều hơn sự thấu hiểu và đồng cảm trên trường quốc tế.  Tuy nhiên, lãnh đạo EU ngay cả trong bối cảnh đó vẫn cố gắng tìm cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khi đứng trước giới truyền thông vẫn cứ tươi cười tuyên bố rằng, Hội nghị thượng đỉnh lần này là “một chương mới, lạc quan và tích cực” trong quan hệ giữa EC và châu Mỹ Latin. Thật trớ trêu thay!

HỒNG THANH QUANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.