Dù Bắc Kinh không tiết lộ quyết định trên nhằm vào ai nhưng ai cũng hiểu đây là đòn mới nhất trong trận đại chiến công nghệ giữa hai siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới. Lâu nay, cạnh tranh Mỹ-Trung diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Nhưng theo thời gian, công nghệ ngày càng vượt lên thành tuyến đầu bởi tầm quan trọng cũng như tham vọng mà hai bên đặt vào. Với Washington, công nghệ là phương tiện bảo đảm cho sự thịnh vượng bền vững và vai trò bá chủ của Mỹ. Còn với Bắc Kinh, nó là chìa khóa cho sự sáng tạo đổi mới mà một cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc cần có. Vì thế, không cường điệu khi nói rằng cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung là “trận đấu quyết định” của thế kỷ 21.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Reuters

Với sức bật hiếm có, chỉ chưa đầy hai thập kỷ, Trung Quốc đã vươn lên để chen chân vào câu lạc bộ những nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, cho dù vẫn chưa đạt đến đỉnh cao về các loại chip nano nhỏ nhất, tiên tiến nhất. Trung Quốc và Mỹ cũng chia sẻ vai trò dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, từ chuyển đổi năng lượng đến kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI)... Theo một báo cáo của Tập đoàn tư vấn Boston, trong số 50 công ty sáng tạo hàng đầu thế giới, các “đại gia” công nghệ Mỹ chiếm 5 vị trí hàng đầu thì Trung Quốc cũng có tới 8 đại diện. Mỹ có Apple, Tesla, Amazon, Microsoft... thì Trung Quốc có Huawei, Tencent, Alibaba, BYD...

Có điều, Trung Quốc càng thành công bao nhiêu thì Washington lại càng lo ngại bấy nhiêu bởi vai trò siêu cường số 1 của mình bị thách thức. Ngăn chặn Trung Quốc giành ưu thế trong lĩnh vực công nghệ cao trở thành yêu cầu cấp bách với Mỹ. Năm 2018, Washington bắt đầu phát động cuộc chiến công nghệ nhằm vào Trung Quốc. Mới đây nhất, tháng 8-2022, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các loại chip điện tử cao cấp sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ tạo hình ảo, các trò chơi video cho đến các hệ thống điều khiển radar, vệ tinh, máy bay trinh sát...

Washington còn tìm cách hình thành một mặt trận công nghệ chung nhằm vào Trung Quốc bằng cách lôi kéo, thuyết phục các đồng minh Hà Lan, Nhật Bản, những mắt xích quan trọng trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn trên thế giới, hạn chế xuất khẩu chip cao cấp cho Trung Quốc. Tháng 2-2023, “liên minh chip 4” gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chính thức ra đời như một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chip ổn định và hạn chế sự tham gia của Trung Quốc.

Mặc dù việc nắm giữ kho dữ liệu khổng lồ tạo cho Trung Quốc ưu thế lớn trong các ứng dụng “máy học”, nhưng những tiến bộ trong lĩnh vực này sẽ không thể bền vững nếu thiếu công cụ có khả năng xử lý kho dữ liệu ngày càng lớn. Bằng cách chặn nguồn cung chip tốc độ cao mang tính quyết định trong lĩnh vực AI, Washington nhằm vào một trong những mắt xích yếu nhất trong chuỗi đổi mới của Trung Quốc. Không có các con chip tiên tiến của Mỹ hay Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các ứng dụng của Trung Quốc “sẽ kém thông minh”, mất đi khả năng cạnh tranh.

5 năm kể từ khi Washington phát động cuộc chiến công nghệ nhằm ngăn chặn Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn giữ thế thủ, cố gồng mình trước những cú đánh của đối thủ. Nhưng như nhận xét của ông Wang Huiyao, chuyên gia của Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG), Trung Quốc không thể “nuốt tất cả các viên thuốc độc mà vẫn mỉm cười”. Bằng quyết định hạn chế xuất khẩu các kim loại quý hiếm galli và germani, Bắc Kinh chính thức ra đòn trả đũa Washington.

So với việc chặn nguồn cung chip của Mỹ, cú phản đòn của Bắc Kinh hiểm hóc không kém bởi nó cũng nhằm vào tử huyệt của đối phương. Galli và germani là những thành phần không thể thiếu với công nghệ bán dẫn. Galli được dùng để sản xuất chip có độ truyền dẫn cao dùng trong vệ tinh, còn germani là vật liệu quan trọng để chế tạo ống kính camera hồng ngoại hay sợi cáp quang. Hiện thế giới phụ thuộc đến 60% vào galli và 80% với germani của Trung Quốc. Phương Tây không phải không biết nhưng vô hiệu hóa thế mạnh này của Trung Quốc không phải là dễ. Trong ngắn hạn, không ai có thể thay thế được nguồn cung này từ Trung Quốc. 

Bằng thông điệp mang tên “galli và germani”, Bắc Kinh muốn cảnh báo phương Tây rằng đã đến lúc cần nới lỏng vòng vây nhắm vào các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Hầu hết giới quan sát đều xem đây mới chỉ là “khúc dạo đầu” trong chiến lược phản công của Bắc Kinh. Nếu tình hình không được cải thiện, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng danh sách sản phẩm cấm xuất khẩu. Hệ quả là hàng loạt mảng công nghệ của tương lai, từ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đến không gian, từ pin mặt trời đến những công nghệ cần thiết trong tiến trình chuyển đổi năng lượng sẽ gặp khó khăn khi mất nguồn cung nguyên liệu.

Chưa biết chính trường Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước đòn phản công của Trung Quốc nhưng thương trường Mỹ-Trung thì vẫn nhộn nhịp như thường. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, các ông chủ nhiều tập đoàn lớn của Mỹ liên tiếp xuất hiện ở Bắc Kinh. Đầu tháng 6, Elon Musk-ông chủ tập đoàn Tesla đã thăm Trung Quốc và đưa ra lời ca ngợi “sức sống và tiềm năng phát triển của Trung Quốc”. Trước đó, tỷ phú Bill Gates đã đến Bắc Kinh và được tiếp kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình. Cùng thời gian, Giám đốc ngân hàng JP Morgan lớn nhất của Mỹ Jamie Dimon cũng thăm Trung Quốc, nơi ông đưa ra lời thúc giục Nhà Trắng “không tách rời” khỏi Trung Quốc, cũng như không làm tổn thương “người dân của họ”.

Quan hệ Mỹ-Trung phức tạp và nhạy cảm bởi cuộc cạnh tranh địa chính trị. Tuy nhiên, đây là “mối quan hệ cộng sinh mà cả hai đều được hưởng lợi”, như nhận xét của Tim Cook, Giám đốc điều hành “đế chế” công nghệ Apple Inc. trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 3-2023. Không dễ gì ngoảnh mặt với mối quan hệ cùng sinh lời như vậy.

TƯỜNG LINH