Đây là giọt dầu chảy vào đống lửa bất mãn âm ỉ trong lòng những công dân Pháp nhập cư, chủ yếu là người Hồi giáo và từ Bắc Phi tới, làm bùng nổ hàng loạt vụ xuống đường và bạo lực tại nhiều địa phương ở Pháp. Xưa nay, lụt thì lút cả làng. Đã có không ít nhà quan sát cho rằng, những hỗn loạn bùng nổ kèm bạo lực tại Pháp từ cuối tháng 6 có thể khơi mào một phản ứng dây chuyền sang khắp cả châu Âu. Thực tế đã có nhiều quốc gia châu Âu khác như Bỉ và Thụy Sĩ cũng bị vạ lây bởi những hành động hỗn loạn cực đoan này. “Không công bằng thì không có yên bình”, đó chính là khẩu hiệu được đưa ra nổi bật nhất trong làn sóng xuống đường cướp phá đó.

Đây không phải lần đầu tại Pháp xuất hiện những vụ xuống đường đập phá như thế. Người Pháp tới nay vẫn còn nhớ những sự kiện tương tự xảy ra năm 2005, khi hai thiếu niên theo đạo Hồi ở vùng ngoại thành Clichy-sous-bois chạy trốn cảnh sát vào ẩn náu ở một bốt điện đã bị điện giật chết. Và xã hội Pháp cũng đã bị chia rẽ quan điểm về sắc tộc vì vụ việc bi thảm này. Thậm chí cái chết của người đàn ông da màu George Floyd ở Mỹ năm 2020 cũng làm dấy lên làn sóng biểu tình tại Pháp với sự tham gia của hàng nghìn người, hướng tới mục đích trầm trọng hóa hơn vấn đề hành xử bạo lực của cảnh sát đối với các cộng đồng thiểu số, trong đó có người da màu...

leftcenterrightdel

Một chiếc xe bị đốt cháy trong biểu tình bạo loạn ở Pháp. Ảnh: Getty Images  

Xem ra, thời gian càng trôi qua thì những vấn đề như thế càng trở nên nhạy cảm hơn trong xã hội Pháp, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng nhập cư càng ngày càng bị buông lỏng hơn. Trớ trêu ở chỗ, người nhập cư vào Pháp đang ngày càng có xu hướng nhập gia không tùy tục. Những người này coi cảnh sát như một lực lượng làm hạn chế quyền lợi chính đáng của họ trên quê hương mới và cố tình không chấp hành nghiêm túc các quy định của luật pháp. Về phần mình, lực lượng cảnh sát da trắng lại có vẻ như không chấp nhận thái độ dung túng cho những hành vi phạm luật từ phía các cộng đồng thiểu số mà một số chính trị gia dân túy hay trình diễn... Trong vụ việc mới xảy ra, công đoàn của cảnh sát Pháp đã lên án việc bắt giữ đồng nghiệp của họ và cho rằng làm thế tức là khuyến khích thêm sự vô pháp luật của những người xuống đường biểu tình và bạo loạn...

Tới thời điểm hiện nay, mọi sự như dần lắng xuống dù đâu đó vẫn âm ỉ những hòn than nóng bỏng của tâm thế đập phá và nổi loạn trong nhiều tầng lớp cư dân xứ gà trống Gaulois. Dư luận ở trong và ngoài nước Pháp đang quan tâm hơn tới việc tìm hiểu những nguyên nhân cốt lõi khiến nước Pháp phải thêm một lần lâm vào những sự hỗn loạn tang thương gần như nội chiến.

Phải nói rằng, cuộc bạo động đã làm nước Pháp, như thường lệ, bị chia rẽ thêm. Tổng thống Emmanuel Macron sau khi cấp tốc rời Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu về Paris, đã triệu tập Hội nghị chống khủng hoảng và bày tỏ sự đoàn kết với gia đình cậu thiếu niên đã chết. Cử chỉ này khiến lực lượng cảnh sát Pháp không đồng tình. Té nước theo mưa, thủ lĩnh Liên minh Dân tộc thiên hữu Marine Le Pen thậm chí còn gọi hành động của tổng thống là “vô trách nhiệm”. Đánh giá về những gì đang diễn ra trong cơn cuồng loạn bạo lực, cựu ứng cử viên Tổng thống Erik Zemmour, một chính trị gia cánh hữu, người Pháp gốc Algerie, thậm chí còn tỏ ra cực đoan hơn. Ông Zemmour đã tuyên bố trên sóng truyền hình: “Nội chiến, đó là đụng độ giữa dân chúng và các cơ quan nhà nước. Đây chính là những gì đang diễn ra...”.

Từ góc độ của mình, mỗi một lực lượng chính trị ở Pháp đưa ra lý giải riêng về việc “vì ai nên nỗi?”. Tổng thống Macron đã “trăm dâu” đổ cho các trò chơi video và mạng xã hội. Thế nhưng, quan điểm của vị nguyên thủ say mê các ca khúc của Elton John này không nhận được nhiều sự đồng tình của cư dân xứ gà trống Gaulois. Thượng nghị sĩ Francois-Noel Buffet, Chủ tịch Ủy ban Luật pháp của Quốc hội Pháp trong bài trả lời kênh truyền hình BFM vào ngày 7-7 đã cho rằng, những trẻ vị thành niên ở Pháp có các lý do để nổi dậy chống lại nước cộng hòa. Ông Buffet thú nhận rằng, ông vô cùng kinh ngạc khi biết những số liệu do Bộ Nội vụ đưa ra về thành phần những người tham gia các vụ bạo lực vừa qua.

Theo đó, có khoảng 3.000-11.000 người đã xuống đường. Và trong số này có tới 30% là trẻ vị thành niên! Đứa trẻ ít tuổi nhất đã gia nhập đội ngũ bạo loạn vừa qua tại Pháp mới chỉ 11 tuổi! Thượng nghị sĩ Buffet cho rằng, không thể phủ nhận hoàn toàn mối liên hệ giữa làn sóng bạo lực này với câu chuyện nhập cư và quá trình hội nhập không mấy suôn sẻ trong nhiều năm qua của các công dân mới ở Pháp. Tuy nhiên, có không ít những lý do khác nữa khiến bùng nổ không chỉ một lần những cuộc xuống đường phá phách của giới trẻ và không chỉ giới trẻ chống lại trật tự xã hội hiện nay ở Pháp. Đây là việc mà chính quyền Pháp phải tìm hiểu một cách nghiêm túc, đúng đắn và sâu sắc, phải truy tận gốc căn nguyên của tai họa.

Nước Pháp hiện đại vẫn tiếp tục lảng tránh thảo luận công khai về các mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo đang âm ỉ trong lòng mình. Và cả những công phẫn thường trực của người dân đối với sự bất công thâm căn cố đế đã trở thành bản chất của mô hình phát triển truyền thống mà Paris đang tuân thủ. Thực tế cho thấy, dường như có không ít người Pháp khi tham gia vào các cuộc xuống đường đập phá và cướp bóc chỉ đơn thuần để thỏa mãn những uất ức, hờn giận đối với thực tại xã hội tích tụ từ lâu trong lòng họ, những sự bất như ý đối với đủ loại đối tượng khác nhau, từ việc giá vé đỗ xe quá cao tới việc thù địch với cảnh sát thuần túy như những đại diện của trật tự xã hội... Không ngẫu nhiên mà những người làm loạn đã hô lên rất nhiều khẩu hiệu khác nhau nhưng không nhắc gì tới việc thiếu niên gốc Algerie bị cảnh sát sát hại...

HỒNG THANH QUANG