Với việc 49 phái đoàn châu Phi, trong đó có 17 nguyên thủ quốc gia, bất chấp áp lực chưa từng có từ phía phương Tây ép không tham gia hội nghị, có mặt tại Saint Petersburg cho thấy tầm ảnh hưởng của nước Nga tại châu lục này. Nhìn lại lịch sử, sự gắn kết giữa Nga và châu Phi xuất phát từ mối quan hệ truyền thống có từ thời Chiến tranh Lạnh. Quá trình thực dân hóa tàn bạo tại châu lục này trong quá khứ khiến lục địa đen hướng đến Liên Xô để tìm sự trợ giúp trong cuộc đấu tranh giành độc lập chống lại chế độ thực dân vốn chỉ tìm cách chiếm đoạt tài nguyên, cũng như mở cơ hội hợp tác và phát triển trong hòa bình.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Putin trong một lần gặp gỡ với các nhà lãnh đạo châu Phi trước đây. Ảnh: Sputnik

Liên Xô tan rã khiến mối quan tâm của Moscow với châu Phi bị gián đoạn. Tuy nhiên, sự gắn kết truyền thống đã sớm được tái hiện kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền. Nếu như từ năm 2006 đến trước năm 2014 là thời kỳ nước Nga với vai trò người kế thừa Liên Xô nỗ lực củng cố lại vị thế và niềm tin với các nước châu Phi thông qua những cử chỉ hào phóng như xóa nợ, ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế và quân sự, thì từ năm 2014 đến nay, châu Phi là một trong những địa bàn chiến lược, một đối tác tiềm tàng nhằm giảm bớt áp lực từ các biện pháp trừng phạt nặng nề của phương Tây với Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Thậm chí trong chính sách đối ngoại của Nga, châu Phi từng bước vươn lên vị trí hàng đầu.

Trước hết là từ góc độ kinh tế, với gần 1,5 tỷ dân, tương đương với dân số Trung Quốc, châu Phi là thị trường rộng lớn. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi đạt 18 tỷ USD. Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ, nhưng đây được xem là tín hiệu tiềm năng với giới doanh nghiệp Nga. Châu Phi là một trong những địa bàn dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng tiêu dùng, chưa kể đến trữ lượng khoáng sản lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên cũng như nhu cầu phát triển công nghiệp, công nghệ. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2014-2019, gần 20 thỏa thuận đã được ký kết giữa Nga và các nước châu Phi về hợp tác kinh tế, quân sự-kỹ thuật, xuất khẩu vũ khí. Moscow đã giành được nhiều hợp đồng về năng lượng hạt nhân và khai thác khoáng sản tại lục địa này.

Trên bình diện chính trị, trong khi châu Phi tìm thấy ở Nga một đối tác tin cậy, thì Nga nhìn thấy ở châu lục này tiềm năng sẽ trở thành một trong những đầu tàu trong thế giới đa cực mà Moscow đang hướng tới. Châu Phi đang chiếm giữ nhiều phiếu nhất tại Liên hợp quốc (LHQ) và việc Nga hợp tác chặt chẽ với các nước châu Phi sẽ giúp nước này có thêm đồng minh để làm đối trọng với trật tự an ninh hiện nay do Mỹ và châu Âu thống trị.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi là cơ hội thuận lợi để Moscow tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của mình ở châu lục này. Bằng “ngoại giao ngũ cốc” khôn khéo cùng tuyên bố đầy thiện chí “sẵn sàng cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các quốc gia nghèo ở châu Phi”, Nga đang thu hút sự quan tâm của dư luận châu Phi. Với châu lục này, an ninh lương thực gắn liền với ổn định chính trị. Nhiều nước châu Phi đang rất cần phân bón và ngũ cốc của Nga, nhất là trong bối cảnh giá lương thực trên thế giới tăng cao do lạm phát và tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine. Năm ngoái, Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được ký kết từng nhen lên hy vọng sẽ giúp châu Phi giải quyết thách thức về an ninh lương thực. Thế nhưng, thỏa thuận này đã bị các công ty thương mại của Mỹ và châu Âu khai thác một cách “trơ trẽn”. Kết quả là chỉ chưa tới 3% lượng ngũ cốc được vận chuyển từ Ukraine là đến các nước nghèo nhất, còn lại là thỏa mãn nhu cầu của các nước giàu ở châu Âu.

Khéo léo nhấn vào vấn đề nhạy cảm này, Nga làm vai trò của mình nổi bật lên bằng cam kết cung cấp ngũ cốc giá rẻ hoặc miễn phí cho các quốc gia nghèo nhất châu Phi để thay thế ngũ cốc của Ukraine và bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nào. Theo tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin, trong vòng 3-4 tháng tới, Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea sẽ được Nga cung cấp miễn phí khối lượng lớn ngũ cốc. Còn trong năm 2022, Nga đã cung cấp cho châu Phi hơn 11 triệu tấn ngũ cốc. Trong nửa đầu năm nay, Nga cũng đã vận chuyển gần 10 triệu tấn ngũ cốc tới châu Phi. Đây là những lợi ích rất cụ thể và sát sườn mà châu Phi tìm được ở đối tác tin cậy là Nga.

Nga cũng là chỗ dựa cho châu Phi giải quyết vấn đề thiếu hụt điện năng. Hiện các công ty của Nga chính là đối tác trợ giúp hiệu quả với giá cả phải chăng và ổn định. Lục địa đen là địa điểm hợp tác chặt chẽ của ngành năng lượng Nga. Một loạt công ty nhà nước của Nga như Gazprom, Lukoil, Rostec và Rosatom đã có mặt ở châu Phi, tập trung chủ yếu ở Algeria, Angola, Ai Cập, Nigeria và Uganda. Cho đến nay, Rosatom đã ký các biên bản ghi nhớ và thỏa thuận phát triển năng lượng hạt nhân với 18 nước châu Phi, bao gồm Ai Cập, Ghana, Kenya, Zambia, Rwanda, Nigeria và Ethiopia. Chỉ riêng năm 2018, Rosatom đã đồng ý xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân loại VVER 1200 MW ở Ai Cập với chi phí xây dựng và bảo trì trị giá 60 tỷ USD, trong đó Nga cung cấp khoản vay lên tới 25 tỷ USD với lãi suất 3%/năm.

Nga đang nỗ lực tận dụng vũ đài toàn cầu mà hợp tác với châu Phi mở ra để có thể duy trì và nâng cao vị thế của mình, phá thế cấm vận của phương Tây. 

TƯỜNG LINH