Tự tin với vai trò đang nổi lên của BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Dòng chảy lịch sử sẽ được định hình bởi những lựa chọn của chính chúng ta”. Tổng thống Brazil thì tuyên bố: “Chúng tôi tồn tại, chúng tôi tự tổ chức và muốn ngồi vào bàn đàm phán trên cơ sở bình đẳng với Liên minh châu Âu (EU), với Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác”.

Từ mục đích kinh tế ban đầu, sau khi kết nạp Nam Phi năm 2010, BRICS ngày càng hướng hoạt động sang lĩnh vực chính trị, đặc biệt là nỗ lực cải cách các thể chế toàn cầu. Lâu nay, trật tự thế giới vận hành theo những luật lệ do Mỹ và các nước phương Tây đặt ra. Cơ chế đó ngày càng tỏ ra không đủ sức ứng phó với quy mô và sự phức tạp của bối cảnh địa chính trị-kinh tế thời hậu Chiến tranh Lạnh với sự trỗi dậy của các trung tâm quyền lực mới. 

leftcenterrightdel

BRICS được coi là liên minh có thể đối trọng với Mỹ và châu Âu. Ảnh: moderndiplomacy.eu 

Trên thực tế, các thể chế do phương Tây lãnh đạo nhiều khi trở thành “con tin” cho những tính toán chính trị của các siêu cường. Việc đồng USD bị “vũ khí hóa” để thực hiện lợi ích của Mỹ cùng hàng loạt biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt với nhiều nước trên thế giới càng cho thấy rủi ro mang tính hệ thống bởi những khuôn khổ cũ. Trong “vòng kim cô” đó, không ít quốc gia bỗng nhiên rơi vào thế kẹt trong các giao dịch thương mại, tài chính, bất ngờ phải hứng chịu những tác động tiêu cực bởi chính sách của một cường quốc đơn lẻ hay một nhóm nước. Tình trạng này thật khó chấp nhận, nhất là khi thế giới đang hướng tới trật tự đa cực.

Là thế lực mới nổi, BRICS được nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển ở Nam bán cầu, đặt hy vọng giúp thay đổi sự thống trị của phương Tây đối với các định chế toàn cầu. Làm sao thiết lập một cấu trúc tài chính bền vững nhằm hỗ trợ các hoạt động thương mại và đầu tư để tránh những tác động từ bên ngoài, để không bị phụ thuộc vào một loại tiền tệ duy nhất đã trở thành mục tiêu chiến lược của BRICS và hội nghị thượng đỉnh lần này có thể coi là bước tiến mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa tham vọng đó.

Trước hết, dù còn rất manh nha nhưng ý tưởng về một đồng tiền chung BRICS đang hiện rõ trên bàn đàm phán của hội nghị. Đây không phải là đồng tiền duy nhất trong khối mà là đồng tiền tồn tại song song với đồng tiền các thành viên BRICS. Nó không chỉ tạo điều kiện cho những trao đổi thương mại nội khối, mà còn cho phép các thành viên BRICS thoát khỏi sự tác động do mọi biện pháp trừng phạt từ bên ngoài. Đối với BRICS, “phi USD hóa” không phải là lật đổ sự thống trị của đồng USD, mà là tạo ra một phương thức riêng để giao dịch giữa các quốc gia thành viên không phải cần đến đồng USD, hệ thống thanh toán SWIFT hiện do phương Tây kiểm soát hay dịch vụ của các ngân hàng ở New York.

Tất nhiên, đây là quá trình lâu dài bởi hệ thống tài chính quốc tế hiện phụ thuộc vào đồng USD. Trước mắt, sự độc lập của BRICS sẽ được thúc đẩy bằng việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ của các nước thành viên trong thương mại song phương, cũng như mở rộng vai trò của Ngân hàng phát triển mới (NDB), hay còn gọi là Ngân hàng BRICS. Hiện nay, Trung Quốc và Nga đã tiến hành hầu hết giao dịch bằng đồng nội tệ, đặc biệt là bằng đồng nhân dân tệ. Với Ngân hàng NDB, kể từ khi ra đời năm 2014 đến nay, ngân hàng này đã tài trợ cho gần 100 dự án với 34 tỷ USD. Dự báo đến giữa những năm 2030, NDB có thể đạt mức cho vay 350 tỷ USD, vượt qua cả Ngân hàng Thế giới (WB).

Một dấu mốc nữa được coi là mang tính lịch sử của hội nghị thượng đỉnh lần này là việc BRICS chào đón 6 thành viên mới từ 3 châu lục khác nhau, bao gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Để trở thành một trung tâm quyền lực đủ sức làm đối trọng với sự thống trị của phương Tây, BRICS phải mở rộng thành viên. Hiện nay, BRICS đã là một nhóm quyền lực khi chiếm 41% dân số, ¼ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 16% thương mại toàn cầu. Sức mạnh đó sẽ được nhân lên khi danh sách dài hơn 40 quốc gia mong muốn gia nhập trở thành hiện thực. Khi đó, BRICS sẽ chiếm tới 40% GDP toàn cầu.

Sự góp mặt của những cường quốc dầu mỏ, điển hình là Saudi Arabia, trong một khối kinh tế cùng với Trung Quốc và Nga sẽ mang lại cho BRICS tầm quan trọng đặc biệt. Những động thái phối hợp cắt giảm sản lượng dầu lửa của Saudi Arabia và Nga trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đối tác (OPEC+) thời gian gần đây từng tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới. Đó là chưa kể việc những đồng minh thân cận của Mỹ như Saudi Arabia, UEA, Ai Cập nay xuất hiện trong BRICS khiến ảnh hưởng của Washington bị suy giảm. 

Sự gia tăng số lượng thành viên không chỉ tăng cường sức sống cho các cơ chế của khối, mà còn giúp BRICS tham gia tích cực vào việc thúc đẩy quản trị toàn cầu trở nên công bằng và hợp lý hơn. Ảnh hưởng gia tăng cùng sự thống nhất của BRICS sẽ giúp nhóm này trở thành một lực lượng đàm phán có sức thuyết phục, thách thức các toan tính cũng như tư duy đơn cực. Mục tiêu của BRICS là thay đổi trật tự thế giới từ đơn cực sang đa cực và kết quả cuộc gặp thượng đỉnh vừa rồi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: “Thế giới là đa cực, thế giới đang tái cân bằng và những cách thức cũ không thể giải quyết các tình huống mới”.

Chưa biết sẽ có bao nhiêu trung tâm quyền lực mới sau Chiến tranh Lạnh, nhưng BRICS chắc chắn là một cực trong thế giới đa cực đang từng bước định hình.

TƯỜNG LINH