Giải thích cho quyết định nhạy cảm này, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, Warsaw sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận trước đây nhưng sau đó nước này sẽ không chuyển cho Ukraine bất kỳ loại vũ khí nào nữa vì Ba Lan cũng đang phải trang bị cho mình những loại vũ khí hiện đại nhất.

Khỏi phải nói Ukraine thất vọng thế nào trước thông báo của người hàng xóm. Lâu nay, Ba Lan được coi là tuyến đầu sườn phía Đông của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đóng vai trò quan trọng trợ giúp Kiev trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hàng trăm xe tăng và phương tiện chiến đấu cùng đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm đã được Ba Lan cung cấp cho Ukraine. Ngoài ra, lãnh thổ Ba Lan, đặc biệt là sân bay ở thành phố Rzeszow sát biên giới với Ukraine, trở thành nơi trung chuyển của phần lớn viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây cho Ukraine thời gian qua.

leftcenterrightdel
Xe tăng T-72 Ba Lan viện trợ cho Ukraine tham chiến tại Donetsk hồi năm 2022. Ảnh: Twitter/UAWeapons 

Ba Lan cũng là mảnh đất đầu tiên mà người tị nạn Ukraine tìm tới. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Ba Lan đã tiếp nhận tổng cộng hơn hai triệu người Ukraine và hiện nay vẫn còn khoảng một triệu người nữa muốn xin tị nạn ở nước này. Với sự trợ giúp của Ba Lan, 900.000 người Ukraine trong độ tuổi lao động đã tìm được việc làm, 188.000 trẻ em Ukraine được theo học tại các trường ở Ba Lan. Tính đến nay, tổng số viện trợ của Ba Lan cho người tị nạn Ukraine đã lên tới 12 tỷ Zloty (2,7 tỷ USD).

Thế nhưng, tình thân giữa Warsaw và Kiev bắt đầu rạn nứt khi những xung đột lợi ích bất ngờ xuất hiện. Mâu thuẫn nổ ra sau khi nông dân một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) giáp với Ukraine, trong đó có Ba Lan, phàn nàn rằng nông sản của họ bị các sản phẩm cùng loại của Ukraine chèn ép. Vốn phải tuân theo các quy định, thuế và nhiều cơ chế ngặt nghèo khác trong EU nên nông sản của các nước này thường đắt hơn so với sản phẩm của Ukraine, hệ quả là mất khả năng cạnh tranh và bị gạt ra khỏi thị trường tiêu thụ.

Để tháo gỡ tranh chấp, tháng 5-2023, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế, cho phép Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia cấm bán lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine tại thị trường 5 nước này. Nông sản Ukraine chỉ được phép quá cảnh qua các nước này để xuất sang các thị trường khác. Tuy nhiên, khi lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp Ukraine của EC hết hạn vào ngày 15-9, Ba Lan, Hungary và Slovakia vẫn đơn phương duy trì lệnh cấm này.

Giải thích cho quyết định của mình, Ba Lan cho rằng việc bảo vệ lợi ích của nông dân Ba Lan có tầm quan trọng thiết yếu đối với đất nước. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không mở cửa biên giới. Nếu EC không gia hạn lệnh cấm, chúng tôi sẽ tự làm điều đó”. Vấn đề nóng đến mức ngay Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cũng nhảy vào tranh luận bằng lời cảnh báo: “Các công ty Ukraine có thể bán ngũ cốc ở thị trường họ được cho phép, chứ không phải trên thị trường Ba Lan, bởi điều này có thể gây tổn hại cho Ba Lan”.

Xét từ góc độ chính trường Ba Lan hiện nay, Đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền (PiS) cũng không có cách xử lý nào khác hơn, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội đang đến gần. Khác với các lần bầu cử trước, PiS được dự báo sẽ không còn chiếm ưu thế tuyệt đối để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ mà phải liên kết với các đảng khác. Các cuộc đàm phán liên minh có thể bị kéo dài và liên minh mới khó ổn định. Chính vì thế, PiS không thể mạo hiểm đánh mất phiếu bầu của nông dân Ba Lan bằng việc dỡ bỏ lệnh cấm với nông sản Ukraine.

Tiếc rằng, mối lo của PiS lại không được Ukraine chia sẻ. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 19-9, Tổng thống Ukraine Zelensky đã công khai chỉ trích: “Thật đáng báo động khi thấy một số quốc gia ở châu Âu, một số bạn bè của chúng tôi ở châu Âu, đang thể hiện tình đoàn kết trên một sân khấu chính trị”. Dù không nhắc đến nước nào cụ thể nhưng ai cũng hiểu tuyên bố trên của người đứng đầu Ukraine là nhằm vào Ba Lan. Chưa hết, Ukraine còn đe dọa sẽ kiện Ba Lan lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Lời qua tiếng lại giữa Warsaw và Kiev đã không còn với giọng tình thân. Trong khi ông Marcin Przydacz - người đứng đầu Văn phòng chính sách quốc tế của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhắc khéo Ukraine rằng: “Ukraine thực sự đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Ba Lan. Tôi nghĩ rằng sẽ đáng để họ bắt đầu đánh giá cao vai trò mà Ba Lan đã đóng góp cho Ukraine trong những tháng và năm gần đây”, thì người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ba Lan Radosław Fogiel tuyên bố thẳng: “Chúng tôi giúp Ukraine vì điều đó phục vụ lợi ích của chúng tôi, nhưng đồng thời chúng tôi không thể cho phép tình huống mà Ba Lan sẽ là người phải chịu thiệt hại quá mức do những gì đang xảy ra”. 

Xem ra, khi lợi ích bị đụng chạm thì khái niệm đồng minh sẽ bị nhạt nhòa đi nhiều, thậm chí chuyển thành đối đầu.

TƯỜNG LINH