Đây là lần thứ hai họ gặp nhau. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người diễn ra từ năm 2019 và thời điểm đó được đánh giá là một sự kiện lịch sử. Bởi lẽ, cuộc gặp cấp cao cuối cùng trước đấy giữa Liên bang (LB) Nga và Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên đã diễn ra từ năm 2011, giữa Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev với ông Kim Jong In, thân phụ của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên hiện nay. Bản thân ông Putin cũng từng gặp ông Kim Jong In từ năm 2002...

Văn kiện chính yếu điều chỉnh quan hệ giữa LB Nga và CHDCND Triều Tiên trong thời hiện đại đã được ký vào tháng 2-2000. Đó là Hiệp ước về tình hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt và hợp tác. Hiệp ước ghi rõ về việc duy trì và phát triển quan hệ hữa nghị giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hiệp ước này có thời hạn 10 năm và được tự động gia hạn nếu hai bên không có ý kiến gì khác. Hiệp ước năm 2000 đã thay thế hiệp ước về phòng thủ chung mà Liên Xô đã ký với CHDCND Triều Tiên năm 1961. Ở thời điểm đó, Moscow đã nhận về mình trách nhiệm bảo vệ CHDCND Triều Tiên trong trường hợp Bình Nhưỡng bị tấn công.

Sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un năm 2019, ông Putin đã tiết lộ với các nhà báo rằng: “Chủ tịch Kim là một người khá cởi mở, sẵn sàng thảo luận một cách tự do về mọi vấn đề thời sự-cả về quan hệ song phương, cả về những vấn đề liên quan tới các biện pháp cấm vận và Liên hợp quốc (LHQ), cả về những mối quan hệ giữa Triều Tiên với Hoa Kỳ...”. Rất tiếc là sau lần ra mắt đó giữa lãnh đạo hai nước, quan hệ Nga-Triều Tiên không tạo ra được nhịp điệu mạnh mẽ tương xứng vì nhiều lý do mà chủ yếu là vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mối thiện cảm và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Sau khi LB Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2-2022, CHDCND Triều Tiên đã là một trong số ít quốc gia trên thế giới công khai ủng hộ chính sách của Moscow và không hề ngần ngại tuyên bố thẳng thắn về điều này trên các diễn đàn quốc tế. Bình Nhưỡng cũng đã bỏ phiếu chống lại các nghị quyết của LHQ nhằm lên án những hành động của Nga ở Ukraine, ủng hộ kết quả các cuộc trưng cầu dân ý tại nước Cộng hòa Donetsk, Lugansk và các tỉnh Zaporozhye, Kherson về việc gia nhập LB Nga... Tóm lại, trong gương mặt của Triều Tiên ở thời hiện đại thì nước Nga đang có một đồng minh nhất quán và mạnh dạn nhất, rất “hiếm có khó tìm”. Ngược lại, Nga cùng với Trung Quốc cũng đã là những quốc gia thường tỏ thái độ ủng hộ CHDCND Triều Tiên trong các cuộc bỏ phiếu tại LHQ với quyền phủ quyết dành cho các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Cũng phải thấy rằng quan hệ chính trị giữa LB Nga và CHDCND Triều Tiên đã và đang được duy trì ở mức độ tốt bất chấp mối quan hệ kinh tế giữa hai bên không phải là lớn lắm. Trên bán đảo Triều Tiên, bạn hàng kinh tế lớn nhất lại là Hàn Quốc. Hàn Quốc hiện là một trong 10 quốc gia có mức độ quan hệ thương mại lớn hàng đầu của Nga với mức độ trao đổi hàng hóa lên tới 30 tỷ USD năm 2021. Còn theo các số liệu do Moscow cung cấp, năm 2022 thương mại song phương giữa Nga với CHDCND Triều Tiên chỉ đạt mức 42,74 triệu USD...

Có thể nói nguyên nhân sâu xa của mối quan hệ dường như là đang hòa hợp hiện nay giữa LB Nga với CHDCND Triều Tiên là sự gần gụi về lợi ích chiến lược và ở những thời điểm nhất định, đó là sự gần gụi về cách tư duy trong một thế giới ẩn chứa những mâu thuẫn Đông-Tây rất gay gắt như hiện nay. Cả hai nước hiện đang là những mục tiêu hàng đầu mà phương Tây muốn lấn lướt, đè bẹp và thậm chí xóa bỏ. Hoàn cảnh bó buộc trên bàn cờ chính trị quốc tế khiến hai nước ngày càng một gần nhau hơn. Không ngẫu nhiên mà nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un ngày 13-8 đã tuyên bố, chuyến thăm của ông tới nước Nga lần này thể hiện rằng Bình Nhưỡng đang có mối quan tâm hàng đầu tới các mối quan hệ với Moscow. Trong lần gặp thứ hai, nhà lãnh đạo Triều Tiên bằng khẩu khí quen thuộc của mình vẫn tiếp tục nồng nhiệt ủng hộ Điện Kremlin trong những nỗ lực mà ông cho là chống lại chủ nghĩa đế quốc và xây dựng một dân tộc có chủ quyền.

leftcenterrightdel
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) bên trong buồng lái một máy bay tại một nhà máy sản xuất máy bay của Nga ở thành phố “Komsomolsk trên sông Amur” hôm 15-9-2023. Ảnh: KCNA.

 

Phương Tây đang rất quan tâm tới nội dung các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên. Vấn đề nóng bỏng là khả năng CHDCND Triều Tiên có thể cung cấp vũ khí cho LB Nga. Trong cuộc gặp ở sân bay vũ trụ Vostochny đã có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Tháng 7 vừa qua, trong chuyến công du sang Bình Nhưỡng, ông Shoigu đã được đón tiếp một cách tưng bừng chưa từng thấy. Và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tự hào giới thiệu với ông những mẫu mới nhất của các loại vũ khí do Bình Nhưỡng sản xuất. Trong cuộc gặp ngày 13-9, nhà lãnh đạo Kim Jong Un bày tỏ sự sẵn sàng chung vai sát cánh với LB Nga trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại phương Tây. Sự sẵn sàng đó sẽ được bộc lộ trong lĩnh vực nào thì ở thời điểm hiện nay, có lẽ chỉ Tổng thống Putin mới biết. Mọi sự rồi sẽ được hiện ra rõ nét trong thực tế. Nhiều nhà quan sát ở phương Tây cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, khi chiến sự tại Ukraine đang diễn ra rất ác liệt và có lẽ còn ác liệt hơn nữa trong thời gian tới, ý định mua vũ khí mới từ Bình Nhưỡng của Moscow có lẽ cũng là tự nhiên thôi. Việc đó sẽ giúp hai nước xích lại gần nhau hơn. Bình Nhưỡng hiện nay phải chịu đựng các biện pháp cấm vận của LHQ và không được nhận vũ khí từ nước ngoài. Nhưng danh chính ngôn thuận, không có lệnh cấm nào đối với việc Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho các nước khác... Phía Nga bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ Bình Nhưỡng trong việc hoàn thiện công nghệ tên lửa. Tổng thống Putin đã tiết lộ với các nhà báo rằng, ông Kim Jong Un rất quan tâm tới vũ trụ và công nghệ tên lửa. Và phía Nga đã giới thiệu cho phái đoàn Triều Tiên những công trình mới của mình trong lĩnh vực này.

Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, sau cuộc hội đàm chính thức giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên đã tuyên bố: “Triều Tiên là láng giềng gần gụi của chúng tôi! Bất chấp mọi lời bình luận từ bên ngoài, chúng tôi sẽ xây dựng những mối quan hệ với những láng giềng của chúng tôi sao cho có lợi cho chúng tôi và cả các nước láng giềng...”.

HỒNG THANH QUANG