Đã hơn 3 tháng nay, hoạt động quân sự của Israel tại dải Gaza để trả đũa lực lượng Hamas gây ra nhiều thương vong, làm bùng phát cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có với người Palestine. Nhằm thể hiện sự ủng hộ người Palestine, lực lượng Houthi ở Yemen đã mở các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu chở hàng có liên hệ với Israel ở Biển Đỏ. Houthi tuyên bố sẽ chỉ nhượng bộ khi “cuộc bao vây” ở dải Gaza kết thúc.

leftcenterrightdel

Biển Đỏ và các điểm huyết mạch cho giao thương toàn cầu (Nguồn: EIA) 

Bằng hành động này, Houthi đã chính thức mở mặt trận thứ ba ở Trung Đông trong cuộc đối đầu với Israel, kết hợp với Hamas ở dải Gaza và lực lượng Hezbollah ở phía Bắc. Không có năng lực như Hamas và Hezbollah nhưng Houthi đã rất khôn khéo tận dụng vai trò địa chính trị quan trọng của Biển Đỏ và những chiến thuật giản đơn để có thể gây thiệt hại lớn nhất cho Israel và các đồng minh hậu thuẫn Tel Avip.

Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Eo biển hẹp Bab al-Mandab trên Biển Đỏ tiếp giáp với Yemen có ý nghĩa chiến lược quan trọng bởi chiếm khoảng 30% thương mại hàng hóa bằng tàu container, tức khoảng 10-15% thương mại hàng hóa toàn cầu. Vùng biển mà Houthi phát động các cuộc tấn công là nơi lưu thông khoảng 12% lượng dầu và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển bằng đường biển của thế giới. Bất kỳ sự gián đoạn nào trên tuyến đường này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền với giá dầu và các mặt hàng xuất khẩu. 

Là nước phụ thuộc lớn vào hoạt động giao thương ở Biển Đỏ với đa số hàng nhập khẩu và xuất khẩu bằng đường biển, Israel đương nhiên chịu tác động tiêu cực từ hành động của Houthi. Tuy nhiên, sự an toàn của việc vận chuyển trên Biển Đỏ còn đóng vai trò quan trọng với cả nền kinh tế thế giới. Kể từ khi khủng hoảng trên Biển Đỏ xảy ra, 12 công ty vận tải biển đã thông báo ngưng vận chuyển hàng qua tuyến đường này. Để thay thế, các tàu biển phải định tuyến lại những chuyến hàng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Hệ quả là quãng đường đi sẽ tăng khoảng 6.000km, cộng với thời gian kéo dài thêm 10 ngày cho hành trình kết nối châu Âu với châu Á. Việc chuyển hướng này tiêu tốn thêm tới 1 triệu USD nhiên liệu cho mỗi chuyến đi, trong khi chi phí bảo hiểm cũng tăng lên, làm tăng tổng chi phí vận chuyển. 

Chính vì thế, sự gián đoạn thông thương hàng hải trên Biển Đỏ trở thành mối đe dọa an ninh toàn cầu, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng trong việc tìm giải pháp. Cho đến nay, Mỹ và một số đồng minh đã thỏa thuận hình thành liên minh hải quân đa quốc gia chống lại Houthi để “duy trì nguyên tắc cơ bản của tự do hàng hải”. Tuy nhiên, chỉ tập trung đối đầu với Houthi chưa thể giải quyết được vấn đề. Có thể nói, căng thẳng trên Biển Đỏ chính là phản ứng dây chuyền, là tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas. Tách biệt cuộc khủng hoảng Biển Đỏ với cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas, mô tả hai sự kiện này như những “điểm nóng” riêng biệt sẽ không thể dẫn tới giải pháp phù hợp.

Do đó, hạ nhiệt trên Biển Đỏ phải gắn liền với các cuộc đàm phán về tương lai của nhà nước Palestine; về những vùng đất của người Palestine mà Israel đang chiếm đóng và biến thành các khu định cư của người Do Thái; về quy chế của thành phố thánh địa Jerusalem, nơi cả Israel và Palestine đều tuyên bố là thủ đô của mình. Trước mắt, điều cấp thiết là cần thúc đẩy lệnh ngừng bắn toàn diện giữa Israel và lực lượng Hamas càng sớm càng tốt, chấm dứt việc phong tỏa, bao vây dải Gaza để đẩy nhanh các hoạt động cứu trợ nhân đạo với người Palestine. 

Thêm vào đó, cần đặt khủng hoảng Biển Đỏ trong tổng thể các xung đột địa chính trị ở Trung Đông và cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran, nước mà Washington cáo buộc đứng đằng sau hậu thuẫn lực lượng Houthi. Thực tế thì chưa có khủng hoảng Biển Đỏ, mâu thuẫn giữa Mỹ với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran đã rất căng thẳng. Nếu không kiềm chế đối đầu giữa Washington và Tehran liên quan đến hoạt động của Houthi, đụng độ có thể nổ ra giữa các tàu quân sự của Mỹ và Iran trên Biển Đỏ, vùng Vịnh sẽ lại “bốc lửa” với những hậu quả khó lường.

Tìm giải pháp cho khủng hoảng trên Biển Đỏ cũng không thể tách rời với việc giải quyết cuộc nội chiến ở Yemen kéo dài suốt từ năm 2014 đến nay, giữa lực lượng Houthi và chính phủ bị lật đổ của Tổng thống Hadi nhưng được quốc tế công nhận. Mặc dù Houthi và Saudi Arabia, nước đứng đầu liên minh quân sự Arab ủng hộ Tổng thống Hadi, đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhưng điều đó chưa đưa đến một giải pháp chính trị tổng thể chấm dứt xung đột ở Yemen. Chính tiến trình hòa bình bị trì trệ khiến lực lượng Houthi cố gắng giành tính hợp pháp bằng các biện pháp khẳng định sức mạnh để tìm lợi thế trên bàn đàm phán trong tương lai.

Không phải biện pháp quân sự mà tăng cường phối hợp quốc tế để tìm giải pháp chính trị tổng thể cho khu vực mới có thể hóa giải được cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ.

TƯỜNG LINH