Năm 2007, Apple bắt đầu sản xuất điện thoại iPhone tại Trung Quốc. Vào thời điểm đó, hầu hết linh kiện bên trong iPhone phải nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Nhật Bản. Đóng góp của Trung Quốc chỉ giới hạn ở lao động lắp ráp tại các nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến, chiếm chưa đến 4% chi phí giá trị gia tăng. Thế nhưng, đến năm 2017, vào thời điểm iPhone X ra mắt, tình thế đã thay đổi đáng kể. Trung Quốc đã có thể sản xuất nhiều bộ phận phức tạp của iPhone. Xu hướng này ngày càng tăng tốc và hiện nay, các công ty công nghệ Trung Quốc chiếm hơn 25% chi phí giá trị gia tăng của thiết bị.

leftcenterrightdel
                

Công ty Trung Quốc đột phá với công cụ sản xuất chip 28nm mới nhất, đánh dấu bước tiến vượt trội trong ngành công nghệ quốc gia.

Đã qua rồi thời Trung Quốc được xem như một quốc gia chỉ biết “bắt chước” để phát triển khoa học-công nghệ. Ngày nay, đất nước hơn 1,4 tỷ dân này đã trở thành đối thủ của các cường quốc công nghệ thế giới, thậm chí còn dẫn đầu trong một số lĩnh vực. Theo báo cáo của Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI), Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu và đứng trên Mỹ 37 trong tổng số 44 loại công nghệ “quan trọng” do ASPI xác định, như: Công nghệ 5G, 6G, hydrogen, pin điện, vật liệu nano, siêu âm, lớp phủ tiên tiến... Trong số đó, có 8 công nghệ mà Trung Quốc có năng lực độc quyền rất cao. Tại các thị trường mới nổi, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc rất ngoạn mục. Rõ nhất là trong lĩnh vực xe ô tô điện khi Trung Quốc chiếm tới 60% thị trường thế giới trong năm 2022.

Trung Quốc cũng không còn là “lò sản xuất khoa học” thiên về số lượng hơn chất lượng. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trực thuộc Liên hợp quốc, Trung Quốc đã vượt xa và dẫn trước các nước khác về số lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế. Tập đoàn Huawei hiện là tập đoàn đứng đầu thế giới về đăng ký sáng chế, nhiều hơn cả Samsung của Hàn Quốc. Trong các bảng xếp hạng quốc tế, những nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày càng có vị trí tốt hơn. Căn cứ vào chỉ số đánh giá dựa trên số lần trích dẫn trong các nghiên cứu khoa học đã được đăng, có 304 nhà khoa học Trung Quốc đứng trong top 10.000 và 1.982 nhà khoa học trong top 50.000 trong bảng xếp hạng toàn cầu năm 2023.

Sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực khoa học-công nghệ của Trung Quốc khiến Mỹ cũng phải lo lắng. Năm 2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt những hạn chế mới trên diện rộng đối với việc bán công nghệ chip tiên tiến của phương Tây cho các công ty Trung Quốc. Tiếp đó, thông qua Đạo luật khoa học và CHIPS trị giá 280 tỷ USD nhằm đưa nước này quay lại thời hoàng kim, trở thành nước dẫn đầu không chỉ về các phát minh và sở hữu bản quyền công nghệ mà còn là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu trong thập niên tới. Mục tiêu của Mỹ là nhằm tăng thu hút dòng vốn đầu tư vào ngành sản xuất chip, làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh. 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với năng lực công nghệ ngày càng tiến bộ của các công ty Trung Quốc, cách tiếp cận này của Mỹ khó đem lại hiệu quả như mong muốn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc không đơn giản là kết quả của việc sao chép công nghệ phương Tây, cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào những đột phá khoa học, mà ở một mức độ đáng kể, nó được thúc đẩy bởi những cải thiện về năng lực công nghiệp của Trung Quốc, điều có được nhờ lực lượng lao động rộng lớn và tinh xảo của nước này.

Chính vì thế, nhiều công ty Trung Quốc đã nhanh chóng giành được chỗ đứng trước các đối tác châu Âu và Nhật Bản trong việc sản xuất các máy công cụ tiên tiến như cánh tay robot, máy bơm thủy lực và các thiết bị khác. Trong nền kinh tế kỹ thuật số, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ nước ngoài, các công ty công nghệ của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Didi vẫn phát triển mạnh mẽ. TikTok của ByteDance thậm chí còn đang cạnh tranh quyết liệt với những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon của Mỹ. Ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Alphabet thừa nhận rằng quy mô hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc “thật đáng kinh ngạc” và điều quan trọng là Mỹ phải hợp tác với quốc gia châu Á này về cả quy định và đổi mới.

Trung Quốc hiện cũng đang dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, bao gồm đường dây truyền tải điện siêu cao áp, đường sắt cao tốc và mạng 5G. Năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên tiến hành hạ cánh thành công tàu thám hiểm xuống vùng tối của Mặt Trăng. Một năm sau, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển thành công công nghệ liên lạc mã hóa lượng tử thông qua vệ tinh, đặt nền tảng cho việc xây dựng một mạng lưới thông tin lượng tử với độ bảo mật rất cao. Năm 2023, Trung Quốc lần đầu tiên đưa phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung do chính quốc gia này xây dựng. 

Tương quan cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung ngày nay không phải là cuộc đấu giữa một bên là cái nôi của các công ty công nghệ và bên còn lại là “công xưởng thế giới”. Sự phát triển vượt bậc về công nghệ gần đây của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo cho đến công nghệ gen, thiết bị bay không người lái... cho thấy sự xuất hiện của một cường quốc khoa học có khả năng nghiên cứu và đổi mới, đủ sức cạnh tranh, thậm chí là vượt qua những đối thủ khác trên thế giới.

TƯỜNG LINH