Được khởi động vào năm 2018 để thúc đẩy hợp tác quốc phòng và phối hợp các mục tiêu chính sách ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đối thoại quốc phòng, ngoại giao là cấp đánh giá cao nhất về nhiều vấn đề, từ quốc phòng, hạt nhân, không gian, an ninh mạng, đến thị thực, y tế... Tuy nhiên, quốc phòng và công nghệ vẫn là “trụ cột chính” và “động lực chính” cho hợp tác cả song phương và đa phương giữa Washington và New Dehli. Không những thế, chính mức độ hợp tác trong những lĩnh vực được coi là đặc biệt nhạy cảm là thước đo khẳng định sự gắn kết thực chất giữa hai bên.

Hai ngày đối thoại ở New Dehli đã trở thành bài trắc nghiệm cho mối quan hệ này. Trước hết là việc triển khai Biên bản ghi nhớ giữa General Electric (GE) và Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) sản xuất 99 động cơ phản lực GE F414 cho dòng chiến đấu cơ nội địa Tejas của Ấn Độ. Tự chủ về động cơ máy bay chiến đấu là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong chiến lược quốc phòng của Ấn Độ, và hợp tác với Mỹ, nhất là trong chuyển giao công nghệ, sẽ giúp Ấn Độ hiện thực hóa mục tiêu chiến lược này, củng cố năng lực nội tại và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Tiếp đó là việc thực hiện cam kết của Washington bán 31 máy bay không người lái (UAV) MQ-9B với tổng trị giá 3 tỷ USD cho New Delhi. Đây là dòng UAV trinh sát tầm xa, tích hợp nhiều hệ thống radar tối tân và có thể mang các loại vũ khí tấn công tàu chiến, mục tiêu trên bộ. Việc trang bị MQ-9B sẽ cho phép Ấn Độ giám sát diện rộng cả trên bộ lẫn trên biển, nhất là giúp Ấn Độ kiểm soát chặt chẽ hơn khu vực Ấn Độ Dương. Số UAV này lại được hoàn thiện tại Ấn Độ, bao gồm 15 chiếc phiên bản SeaGuardian cho hải quân và 16 chiếc phiên bản SkyGuardian cho lục quân và không quân.

Còn nhiều thỏa thuận hợp tác khác được bàn thảo nhưng điều đáng nói ở đây là động thái của Mỹ sẵn sàng có những ưu tiên trong quan hệ với Ấn Độ, thể hiện ở việc cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất. Việc tháo bỏ những rào cản kiểm soát xuất khẩu, tăng cường thương mại công nghệ cao và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ giữa hai nước sẽ giúp tăng cường sức mạnh cứng của Ấn Độ, biến nước này thành trung tâm của sự đổi mới.

Với việc cho phép Ấn Độ tiếp cận các công nghệ vũ khí hàng đầu mà chỉ rất ít đồng minh chiến lược thân cận mới được Mỹ chuyển giao, Washington muốn khẳng định coi New Delhi là đồng minh chứ không phải là đối tác thông thường. Thực tế thì kể từ khi lên nắm quyền, ông Joe Biden luôn coi Ấn Độ là một trụ cột trong chiến lược của Mỹ ở châu Á. Theo ông Joe Biden, không có thách thức toàn cầu lớn nào, từ biến đổi khí hậu đến những tiến bộ trong công nghệ, có thể được giải quyết nếu không có sự ủng hộ của Ấn Độ. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, có rất ít đối tác mà Mỹ mong muốn vun đắp quan hệ như Ấn Độ. Một Ấn Độ mạnh lên sẽ tạo thế cân bằng trong cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Vậy những ưu đãi mà Mỹ trao cho Ấn Độ có giúp khẳng định trên thực tế quan hệ đồng minh giữa Washington và New Dehli hay không? Có thể thấy dù chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong lợi ích, quan hệ Mỹ-Ấn vẫn khó có thể mang tính chất đồng minh một cách thực chất. Dù những mối quan tâm chung, những mục tiêu chung đã đưa hai nước xích lại gần nhau nhưng có những giới hạn và truyền thống lịch sử mà New Dehli không muốn vượt qua trong quan hệ với Washington. 

leftcenterrightdel
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp song phương Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thủ đô New Delhi, ngày 8-9. (Nguồn: ANI) 

 

Nhìn lại quá khứ, năm 1949, Mỹ đã trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ lúc đó Jawaharlal Nehru lần đầu tiên đến Washington nhằm lôi kéo New Dehli đứng về phía mình trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Liên Xô. Thế nhưng ông Jawaharlal Nehru đã từ chối bằng lời giải thích: “Bằng cách liên kết với bất kỳ một cường quốc nào, bạn từ bỏ ý kiến của mình, từ bỏ chính sách mà bạn thường theo đuổi vì người khác muốn bạn theo đuổi một chính sách khác”. Dù năm 1998, Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee từng tuyên bố Ấn Độ và Mỹ là “đồng minh tự nhiên” nhưng về thực chất, đây đơn thuần là một thuật ngữ ngoại giao chứ không phải là một chính sách. Ấn Độ vẫn duy trì chính sách đối ngoại không liên kết, bởi theo Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh: “Ấn Độ là một quốc gia quá lớn để bị đóng hộp vào bất kỳ liên minh hoặc thỏa thuận khu vực hay tiểu khu vực nào, cho dù là thương mại, kinh tế hay chính trị”.

Chính vì thế, dù xích lại gần Washington, hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, an ninh, công nghệ cao, năng lượng sạch... thì nguyên tắc “tự chủ chiến lược” vẫn là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của New Dehli. Động lực trong quan hệ Mỹ-Ấn mạnh đến mấy cũng không nhất thiết dẫn đến một liên minh hoặc một hiệp ước đồng minh. Mối quan hệ này, một trong những mối quan hệ song phương được đánh giá là quan trọng nhất trên thế giới hiện nay, sẽ dừng ở mức “trên đối tác, dưới đồng minh”.

TƯỜNG LINH